Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên: Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tiên phong, đổi mới, sáng tạo, nhạy bén

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chiều 26-2, Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai đã có buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành gắn với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025). 

Chủ trì buổi làm việc gồm các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với việc Sở Kế hoạch và Đầu tư về nhiệm vụ của ngành năm 2021. Ảnh: Hà Duy
Quang cảnh buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Hà Duy


Chủ động và năng động

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đánh giá rất cao vai trò của Sở KH-ĐT, nhất là vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 xảy ra, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19; đồng thời đề xuất các giải pháp linh hoạt, đưa ra nhiều kịch bản khác nhau để thực hiện nhiệm vụ “kép”: vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, vừa quyết liệt phòng-chống dịch bệnh.

 Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì và chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Hà Duy
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hà Duy


Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Phước Thành cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn chung trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19, Sở KH-ĐT đã đoàn kết, chủ động, năng động, nỗ lực và sáng tạo để hoàn thành mọi nhiệm vụ của mình, nhất là công tác quản lý đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài ở địa phương, quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn viện trợ phi chính phủ, công tác thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư, quản lý đăng ký doanh nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân…

Qua đó đã đạt một số kết quả khá khả quan như: tỷ lệ giải ngân năm 2020 cả tỉnh là hơn 3.174,8/3.503,221 tỷ đồng, đạt 90,6%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (83%) và đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên, sau Lâm Đồng (91,3%); tham mưu UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư 48 dự án, tổng vốn đăng ký là 43.298 tỷ đồng. Trong năm 2020, có 1.150 doanh nghiệp đăng thành lập mới với tổng vốn đăng ký 9.150 tỷ đồng, nâng số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh đến ngày 31-12-2020 lên 7.008 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 111.300 tỷ đồng.

Đồng chí Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở KHĐT đã báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021. Ảnh: Hà Duy
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Phước Thành báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021. Ảnh: Hà Duy


Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết sẽ khẩn trương triển khai nhiệm vụ chủ trì, tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành các nghị quyết để thực hiện 2 trong 4 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra; tiếp tục triển khai lập Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng; tham mưu xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025), ưu tiên vốn đầu tư công xây dựng các dự án nâng cấp và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội vùng động lực của tỉnh, dự án liên vùng, có tính kết nối và lan toả đảm bảo quy định của Luật Đầu tư công; phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong điều kiện dịch bệnh Covid-19...

Nhiều hạn chế

Tại buổi làm việc, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đánh giá rất cao những kết quả mà Sở KH-ĐT đạt được trong thời gian qua, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế còn tồn tại của ngành KH-ĐT. Đồng chí Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh-cho rằng: Sở KH-ĐT là cơ quan quản lý vốn đầu tư công nhưng vấn đề giao vốn, từ khâu chủ trương đến khâu quyết định còn kéo dài, chất lượng một số dự án còn chưa đảm bảo, vấn đề giải ngân còn hơi chậm.

Đồng chí Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy-đánh giá: Thời gian qua, Sở KH-ĐT thực hiện rất tốt công tác phát triển doanh nghiệp, cấp phép cho doanh nghiệp nhưng vấn đề kiểm tra sau cấp phép chưa được quan tâm đúng mức. Sở cần quan tâm hơn nữa để tránh tình trạng doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề không đúng như đăng ký, đăng ký xong không hoạt động.

Khá thẳng thắn, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhận xét: “Sở KH-ĐT được coi là cơ quan tham mưu quan trọng của tỉnh nhưng vẫn chưa phát huy hết năng lực của đội ngũ cán bộ, chưa phát huy được vai trò đầu mối kết nối giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư với lãnh đạo tỉnh. Tới thời điểm này cũng chưa xây dựng được “bản đồ” các dự án đầu tư”.

Đồng chí Võ Ngọc Thành định hướng một số nhiệm vụ cho Sở KHĐT tại buổi làm việc. Ảnh: Hà Duy
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành định hướng một số nhiệm vụ cho Sở KH-ĐT tại buổi làm việc. Ảnh: Hà Duy

Tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ

Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu ý kiến: “Bối cảnh mới đòi hỏi Sở phải phát huy vai trò quan trọng của mình là tham mưu tổng hợp, thể hiện ở việc xây dựng các chương trình, nghị quyết phải gắn với các nguồn lực của tỉnh; rà soát, đánh giá lại các dự án có ảnh hưởng tới đời sống của người dân, các dự án xây dựng khu dân cư như khu dân cư Nguyễn Văn Linh, đường Lý Tự Trọng nối dài..., không được để thành dự án treo. Sở cũng phải định hình được sự phát triển đô thị, rà soát, xem lại trụ sở của các cơ quan Nhà nước, trường học, tránh gây lãng phí. Đặc biệt, Sở KH-ĐT phát huy hơn nữa vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với UBND tỉnh, phải có lộ trình định kỳ để doanh nghiệp được tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo tỉnh những vấn đề liên quan tới đầu tư”.

Để công tác quy hoạch được chú trọng đúng mức và thực hiện bài bản, có hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề cập thêm: “Đối với việc xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư cần phải có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Việc xây dựng khung kế hoạch 5 năm phải dựa trên 4 chương trình lớn của Tỉnh ủy đặt ra gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác phát triển doanh nghiệp cũng phải được quan tâm nhiều hơn. Và tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa Sở KH-ĐT với các sở và các địa phương để tháo gỡ những vướng mắc nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển”.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đặc biệt nhấn mạnh: “Lãnh đạo tỉnh rất kỳ vọng vào sự nỗ lực, cố gắng của Sở KH-ĐT. Đề nghị Sở KH-ĐT nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp để hoàn thiện, phát huy tốt nhất vai trò quan trọng của mình. Thời gian tới, Sở cần xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng; phải phát huy tinh thần đoàn kết, tiên phong, đổi mới, sáng tạo, nhạy bén. Khi xây dựng nhiệm vụ của ngành phải bám sát nghị quyết, các chương trình trọng tâm của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đặt ra. Đặc biệt, phải phát huy tối đa vai trò, chức năng là làm công tác tham mưu chiến lược; nghiên cứu, xây dựng, tham mưu các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong mọi tình huống, trong từng giai đoạn, từng thời kỳ. Phát huy được năng lực sáng tạo, huy động được tối đa các nguồn lực trong xã hội; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Và phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động”.

 

HÀ DUY 

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.