Ngoài chuyện không nói gì đến hành vi phá rừng phòng hộ ven biển xã Mỹ An của chủ đầu tư dự án điện mặt trời, bản báo cáo của UBND huyện Phù Mỹ về vụ việc này còn có nhiều điểm bất thường.
Cố tình lờ chuyện phá rừng?
Như đã thông tin, ngày 16-9, ông Phan Hữu Duy - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ - đã ký văn bản báo cáo UBND tỉnh Bình Định về vụ phá 5,26 ha rừng phòng hộ ven biển xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ.
Trụ sở văn phòng dự án Nhà máy Năng lượng mặt trời Phù Mỹ |
Theo kiểm chứng của phóng viên, ngoài hành vi phá rừng được "chuyển hóa" thành lấn chiếm đất, bản báo cáo của UBND huyện Phù Mỹ về vụ phá rừng trên còn có nhiều điểm bất thường, không đúng với thực tế đã và đang diễn ra.
Cụ thể, ngay từ đầu văn bản cũng như nội dung chính của báo cáo, UBND huyện Phù Mỹ nêu "báo cáo về việc Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch lấn chiếm đất xây dựng nhà máy điện năng lượng tại xã Mỹ An", mà không hề có từ ngữ nào đề cập đến vụ phá rừng gây bức xúc trong dư luận nhiều ngày qua. Tiếp đó, bản báo cáo không đề cập đến hiện trạng khu rừng phòng hộ trước khi bị phá, mà chỉ nói rằng "do nắng hạn từ khi trồng đến nay nên có cây, có nơi chết cục bộ".
Trong khi đó, anh T.T.B (ngụ thôn Xuân Bình, xã Mỹ An) – người đang được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ thuê khoán bảo vệ 34,2 ha rừng phòng hộ ven biển xã Mỹ An (trong đó có 5,26 ha vừa bị phá) và cũng là nhân chứng đầu tiên phát hiện vụ phá rừng - lại khẳng định rằng trước thời điểm bị phá, khu rừng này có hàng nghìn cây keo và phi lao trên 15 năm tuổi với đường kính hơn 30 cm, trong đó có rất nhiều cây do đích thân anh trồng.
Cây phi lao và keo được hạ từ 5,26 ha rừng phòng hộ vừa bị phá, đang được chuyển đi khỏi khu vực dự án điện mặt trời |
Về sai phạm của Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch, chủ đầu tư dự án Nhà máy Năng lượng mặt trời Phù Mỹ, báo cáo không hề nêu hành vi phá rừng mà chỉ nói đến "tác động" đất của doanh nghiệp này.
Cụ thể, báo cáo nói rằng trong quá trình chuẩn bị mặt bằng thi công giai đoạn 2 dự án Nhà máy Năng lượng mặt trời Phù Mỹ, do nhầm lẫn trong xác định ranh giới, cột mốc dự án nên đơn vị thi công đã "tác động" đến phần đất nằm ngoài ranh giới được UBND tỉnh cho thuê đất với diện tích 5,26 ha.
Họp xử lý phá rừng nhưng không có cơ quan Công an
Liên quan đến vụ phá rừng trên, ngày 16-9, Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Mỹ đã tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến của đại diện các đơn vị liên quan ở huyện này. Điều ngạc nhiên là họp xử lý vụ phá rừng với sự tham dự của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, Phòng Tư pháp và Hạt Kiểm lâm nhưng không có đại Công an huyện này.
Một cây phi lao có đường kính khoảng 30 cm bị đốn hạ |
Trên cơ sở cuộc họp trên, UBND huyện Phù Mỹ đề xuất UBND tỉnh Bình Định xử phạt hành chính Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với số tiền từ 60 đến 90 triệu đồng; buộc doanh nghiệp này trả lại 5,26 ha đất đã lấn chiếm để giao lại địa phương quản lý theo thẩm quyền và thực hiện khắc phục hậu quả theo quy định.
Ngoài ra, UBND huyện Phù Mỹ còn đề xuất UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo kiểm điểm các tập thể, cá nhân liên quan trong vụ việc để xảy ra sai phạm trên.
Ngoài nội dung báo cáo, đề xuất xử lý vụ phá 5,26 ha rừng phòng hộ của UBND huyện Phù Mỹ cũng có "vấn đề". Cụ thể, việc phá rừng phòng hộ thực tế đã diễn ra và chính Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Phan Hữu Duy – người ký bản báo cáo trên, cũng đã xác nhận vụ việc này với phóng viên.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, UBND huyện Phù Mỹ chỉ đề xuất UBND tỉnh Bình Định xử phạt hành chính Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và thu hồi 52,6 ha đất lấn chiếm, mà không xử lý hành vi phá rừng.
Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên vào chiều 18-9 qua flycam, khu vực 52,6 ha rừng vừa bị phá chỉ còn là một khu đất trống, rộng mênh mông. Những rào chắn được đơn vị thi công nhà máy điện dựng lên sau khi phá rừng để lấn chiếm khu vực này hiện không còn nữa. Điều này có nghĩa là trước đó, khu đất này bị chiếm giữ bất hợp pháp nhưng sau đó đã trả lại cho nhà nước và tại thời điểm này không còn diễn ra.
Khu rừng bị tàn phá nhìn từ trên cao qua flycam |
Vậy nhưng không hiểu vì lý do gì, UBND huyện Phù Mỹ vẫn đề xuất UBND tỉnh Bình Định buộc Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch trả lại 5,26 ha đất đã lấn chiếm?
Nhận định về nội dung bản báo cáo trên, một người dân xã Mỹ An bức xúc: "Trong vụ việc này, Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch có 2 hành vi vi phạm được người dân chúng tôi chứng kiến, gồm phá rừng và lấn chiếm đất. Vậy mà UBND huyện Phù Mỹ chỉ đề xuất xử lý hành vi lấn chiếm đất, phớt lờ hành vi phá rừng là không thể chấp nhận được. Nếu thật sự chính quyền xử lý kiểu như thế này thì rừng sẽ còn bị phá dài dài".
Để làm rõ một số điểm bất thường trong bản báo cáo trên, sáng 19-9, phóng viên nhiều lần liên lạc với Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Phan Hữu Duy nhưng vẫn không được phản hồi như những ngày trước đây.
Dự án năng lượng mặt trời lớn nhất Bình Ðịnh Theo hồ sơ, ngày 29-5-2020, dự án Nhà máy Năng lượng mặt trời Phù Mỹ được Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch khởi công xây dựng tại 2 xã Mỹ An và Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Ðịnh. Ðây là nhà máy năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất tỉnh Bình Ðịnh với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỉ đồng, được xây dựng trên diện tích 380 ha. Tổng công suất thiết kế 330 MW, chia thành 2 giai đoạn bao gồm 3 nhà máy 1, 2 và 3. Cuối năm 2020, giai đoạn 1 của dự án đã được đưa vào vận hành và hiện đang triển khai thi công giai đoạn 2. |
Theo Đức Anh (NLĐO)