Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng TN:Hướng đến sự phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây hơn nửa thế kỷ, nhà dân tộc học người Pháp Jacques Dournes đã nói như thế này về Tây Nguyên: “Nếu phải hiểu để có thể yêu thì lại phải yêu để có thể hiểu”. Khi đặt ra vấn đề bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng hiện nay, có lẽ việc nhắc lại tinh thần “kinh điển” ấy là điều cần thiết nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững.  

Yêu và hiểu

Vấn đề được các nhà khoa học và quản lý quan tâm hiện nay trong công cuộc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng không chỉ là số lượng cồng chiêng các tỉnh còn lưu giữ, mà còn là các loại hình văn hóa-nghệ thuật, môi trường diễn xướng và nhiều thành tố khác. Là một trong số không nhiều người nghiên cứu về cồng chiêng Tây Nguyên từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh-Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng cần giữ gìn, bảo vệ cho được không gian văn hóa cồng chiêng như vốn có trong xã hội Tây Nguyên cổ truyền, nơi cồng chiêng và nghệ thuật của nó là một trong những yếu tố hữu cơ của nền văn hóa đó. Nhưng chính ông sau nhiều chuyến điền dã đã nhận ra: “Tư duy huyền thoại không thể đồng hành với cây công nghiệp và phương thức sản xuất hàng hóa, làm thay đổi về cơ bản cuộc sống của chủ nhân của văn hóa cồng chiêng”. Do đó, vấn đề bảo vệ di sản mang tầm nhân loại này cần được nhìn nhận thấu đáo trong giai đoạn hiện nay.

 “Nghệ nhân nhí”. Ảnh: Hồ Anh Tiến
“Nghệ nhân nhí”. Ảnh: Hồ Anh Tiến



Trước hiện thực biến chuyển khốc liệt đang diễn ra đe dọa đến di sản quý báu, Giáo sư Tô Ngọc Thanh đưa ra những quan điểm bảo tồn có ý nghĩa lâu dài: “Đối với những hoạt động có dàn cồng chiêng tham gia đang còn “sống sót” như chiêng ăn trâu, bỏ mả… chúng ta nên cố gắng giúp đỡ đồng bào tiếp tục thực hành trong cuộc sống hôm nay với điều kiện bảo tồn mọi mặt như nó đã từng có trong quá khứ, đặc biệt là những biểu hiện phẩm chất thiêng của chúng”. Nhấn mạnh điều này bởi điều ông lo lắng nhất chính là tình trạng chủ nhân của di sản bắt đầu có hiện tượng “làm mới” di sản theo chiều hướng sân khấu hóa một cách tùy tiện, dẫn đến làm méo mó, sai lệch giá trị chân chính của di sản. Theo ông, để tránh sai lầm này, “cần cố gắng truyền dạy toàn bộ di sản cồng chiêng cho lớp trẻ theo phương pháp đồng bộ, nghĩa là dạy cho người học cả nội dung các hoạt động chức năng thực hành xã hội của mỗi bài chiêng. Chúng ta dạy bài chiêng cho thế hệ trẻ nhưng đồng thời phải nói cho chúng hiểu bằng được bài đó là bài gì, nói cái gì, đánh trong dịp nào. Ông bà sáng tạo ra bài nhạc chiêng ấy là muốn gửi gắm điều gì. Có như vậy, lớp trẻ mới thấy hết được chiều sâu thăm thẳm của nền văn hóa mình đang nắm giữ, thấy được trí tuệ, sự tinh tế, tinh hoa của một giá trị trường tồn với thời gian”. Có thể thấy, quan điểm của chuyên gia hàng đầu về cồng chiêng Tây Nguyên đã “gặp” tư duy của nhà dân tộc học Jacques Dournes, đó là phải hiểu để yêu, yêu mới có thể hiểu để bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng trong bối cảnh hiện nay.

“Phải bắt đầu từ nghệ nhân và cộng đồng”

Theo sát tiến trình nghiên cứu văn hóa cồng chiêng nhiều thập kỷ qua, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền (Viện Văn hóa-Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) cho rằng: “Sự qua đời của các nghệ nhân cao tuổi, sự quyến rũ, ảnh hưởng của các luồng văn hóa ngoại lai đối với những người trẻ tuổi cùng nhiều yếu tố khác đã làm trầm trọng thêm công cuộc bảo tồn giá trị của di sản nhân loại. Trong giai đoạn hiện nay, rất cần có một công trình về văn hóa Tây Nguyên thực hiện từ cách tiếp cận tổng thể. Chúng ta tiếp cận từ âm nhạc dân tộc học, văn hóa tộc người mà chưa có công trình tiếp cận tổng thể, theo các tiêu chí giá trị di sản mà UNESCO đưa ra”. Cũng theo giáo sư, từ nghiên cứu khoa học đến bảo vệ, phát huy giá trị của di sản này vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 có rất nhiều vấn đề đặt ra, do đó cần có hướng nghiên cứu, tiếp cận mới.

 Hội thi cồng chiêng tại lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh: Phan Nguyên
Hội thi cồng chiêng tại lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh: Phan Nguyên



Hướng nghiên cứu mới đó là gì? Giáo sư Tô Ngọc Thanh cho rằng, trước mắt rất cần những chuyên khảo về văn hóa nghệ thuật của từng dân tộc. Bởi cồng chiêng ở mỗi dân tộc có vai trò, chức năng, đặc điểm khác nhau. Trong khi đó, chúng ta mới chỉ đề cập sâu cồng chiêng một số dân tộc tiêu biểu như: Bahnar, Jrai, Ê Đê, Mnông… còn cồng chiêng của các dân tộc khác thì hoặc không biết đầy đủ, hoặc gần như chưa biết gì. Chính sự phong phú đã làm nên giá trị độc đáo của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Vì vậy, sự thiếu thận trọng khi tìm hiểu đối với bất cứ một dân tộc nào cũng là có lỗi.
 


Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh: “Cần cố gắng truyền dạy toàn bộ di sản cồng chiêng cho lớp trẻ theo phương pháp đồng bộ, nghĩa là dạy cho người học cả nội dung các hoạt động chức năng thực hành xã hội của mỗi bài chiêng. Chúng ta dạy bài chiêng cho thế hệ trẻ nhưng đồng thời phải nói cho chúng hiểu bằng được bài đó là bài gì, nói cái gì, đánh trong dịp nào. Ông bà sáng tạo ra bài nhạc chiêng ấy là muốn gửi gắm điều gì. Có như vậy, lớp trẻ mới thấy hết được chiều sâu thăm thẳm của nền văn hóa mình đang nắm giữ, thấy được trí tuệ, sự tinh tế, tinh hoa của một giá trị trường tồn với thời gian”.
 

Quan điểm bảo tồn của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Từ Thị Loan (Viện Văn hóa-Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) cũng hết sức thực tiễn khi bà đặt ra những vấn đề sát thực tế: “Việc bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên phải bắt đầu từ các nghệ nhân và cộng đồng. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến “chảy máu cồng chiêng không lo bằng mất bài bản cồng chiêng”. Đó mới là hạt nhân quan trọng nhất của văn hóa cồng chiêng, mà người nắm giữ không ai khác là các nghệ nhân. Trong khi đó, đội ngũ này đang dần ít đi mà không có người trẻ kế thừa. Đây là vấn đề nguy hại nhất, đáng lo nhất. Vì thế, cần tiến hành khẩn cấp các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân thực hiện trao truyền di sản, khuyến khích cộng đồng bảo vệ di sản. Các tỉnh Tây Nguyên phải nghiêm túc thực hiện chính sách đãi ngộ, tôn vinh những “báu vật nhân văn sống này” theo quy định của Chính phủ bằng cách xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” và có chính sách hỗ trợ theo nghị định đã ban hành”.

Nghiên cứu, bảo vệ không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên như một thực thể toàn vẹn ở nhiều chiều hướng, có sự vào cuộc của các nhà khoa học từ các chuyên ngành âm nhạc, dân tộc học, lịch sử, văn hóa, nhân học, các nhà quản lý văn hóa và từ chính cộng đồng-chủ nhân của di sản… là ý chí chung của giới khoa học hiện nay. Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO thông qua ngày 17-10-2003 đã xác định rõ: “Tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể như là động lực chính của đa dạng văn hóa và là một đảm bảo cho phát triển bền vững”.

Ai đó nói rằng di sản là quà tặng từ quá khứ. Nếu chúng ta thật sự tha thiết muốn bảo tồn toàn vẹn không gian văn hóa độc đáo ấy thì không chỉ cần một sự hiểu biết và thận trọng, mà còn phải có tấm lòng thực sự mong muốn bảo vệ giá trị di sản với những tri thức văn hóa vừa độc đáo, vừa nhân văn này.

 HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Minh họa: HUYỀN TRANG

Vấn vít tơ hồng

(GLO)- Một chiều, khi chở con gái đi dạo, tôi bần thần dừng lại trước một bờ giậu thấp vàng ruộm dây tơ hồng. Con gái tôi thích thú ồ lên khi thấy loài dây leo lạ. Nghe tôi nói tên, con còn thắc mắc vì sao dây leo chỉ có màu vàng, hoa thành chùm trắng mà lại gọi là dây tơ hồng.

Thơ Lê Thị Kim Sơn: Đa mang ánh chiều

Thơ Lê Thị Kim Sơn: Đa mang ánh chiều

(GLO)- "Đa mang ánh chiều" của tác giả Lê Thị Kim Sơn là chiêm nghiệm về sự mong manh của thời gian và cả cảm giác cô đơn, lạc lõng khi đối diện với ánh chiều tắt dần. Mạch cảm xúc bài thơ diễn ra trong một không gian yên ả, tưởng chừng như thanh bình nhưng lại chất chứa nhiều nỗi niềm sâu kín...

Du hành với “Pleiku xưa và nay”

Du hành với “Pleiku xưa và nay”

(GLO)- Phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) hơn nửa thế kỷ trước có gì thú vị? Triển lãm ảnh “Ký ức Pleiku” diễn ra tại Bảo tàng tỉnh từ ngày 24-1 đến 21-2 đưa người xem bước vào chuyến du hành trở về Pleiku xưa, thêm cơ sở so sánh với sự phát triển không ngừng của đô thị trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên.

Thanh âm quê nhà

Thanh âm quê nhà

(GLO)- Sinh ra vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, tuổi thơ tôi gắn liền với những cánh đồng lúa xanh mướt, con đường làng quanh co và những ngôi nhà tranh đơn sơ mộc mạc. Quê nhà dẫu còn nghèo khó nhưng lại chứa đựng biết bao kỷ niệm đẹp đẽ, khó quên.

Cỏ xanh về phía cũ

Cỏ xanh về phía cũ

(GLO)- Bài thơ “Cỏ xanh về phía cũ” của Vân Phi như một bức tranh ký ức trầm lắng về mái ấm gia đình, nơi thời gian dường như lặng lẽ quay trở lại qua những hình ảnh quen thuộc, giản dị thấm đượm tình cảm và ký ức sâu sắc khiến người ta thổn thức.

Giấc mơ xanh

Giấc mơ xanh

(GLO)- Mùa xuân có muôn vàn con đường mở ra trước mắt. Mới hôm nào giá rét đẩy ta đến bờ sông sụt lở, thấy bi quan, lo lắng thì giờ đây, mùa xuân như bến mơ, có con đò sẵn đợi.

Lễ báo hiếu: Thơm thảo tấm lòng con cái

Lễ báo hiếu, thơm thảo tấm lòng con cái

(GLO)- Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, người Bahnar luôn nhắc nhau: “Phải kính trọng cha mẹ như mặt trăng, kính trọng ông bà như mặt trời”. Khi đã trưởng thành, con cái đều nghĩ đến việc tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ (teh nhung ăn kră).

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).