Bảo tàng, thư viện trao cơ hội học tập suốt đời

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Viện Học tập suốt đời của UNESCO (UIL) từng nhấn mạnh: “Sự thay đổi nhanh chóng của thế giới chúng ta đã mang đến rất nhiều cơ hội để học hỏi trong suốt cuộc đời, cho sự hoàn thiện của mỗi cá nhân, sự gắn kết xã hội và sự thịnh vượng kinh tế”.

Một số nơi đã mang đến cơ hội học tập suốt đời một cách hiệu quả, đó là thư viện, bảo tàng.

Lâu nay, ngoài phạm vi mang tính mô phạm của giáo dục nhà trường, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã “bắt tay” với thư viện, bảo tàng nhằm khích lệ tinh thần ham mê tìm tòi, tích lũy kiến thức thực tế đối với học sinh.

Mỗi năm có hàng trăm chuyến tham quan, học tập được trường học các cấp kết nối với Bảo tàng tỉnh tổ chức. Hầu hết các trường cũng phối hợp với Thư viện tỉnh tại các chương trình như: “Chuyến xe thư viện lưu động”, “Kết nối bạn đọc yêu sách”, “Ngày hội đọc sách”…

Nhiều phụ huynh ý thức vai trò của các thiết chế văn hóa kể trên để làm giàu tri thức và hình thành nhân cách của con trẻ nên đã tạo điều kiện tìm hiểu, tham quan ngay khi con còn bé.

Các em học sinh hào hứng nghe thuyết minh về các hiện vật quý tại "bảo tàng mở" Thiên đường Tây Nguyên (Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên

Các em học sinh hào hứng nghe thuyết minh về các hiện vật quý tại "bảo tàng mở" Thiên đường Tây Nguyên (Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên

Từ việc tiếp cận với tư liệu, thông tin, hiện vật quý tại những điểm đến thú vị và sinh động này, các em học sinh được bồi đắp niềm yêu thích khám phá kiến thức mới mẻ, xâu chuỗi thành tư duy hệ thống.

Đồng thời, các em nhận ra ý nghĩa thật sự của việc tự học và học tập suốt đời. Đó là nhu cầu thiết thân, không ngừng nghỉ dù có rời khỏi ghế nhà trường, nhất là khi cuộc sống và khoa học công nghệ đang tiến những bước rất nhanh, chẳng chờ một ai.

Không chỉ học sinh mà người dân, từ già đến trẻ cũng đều có nhu cầu học tập suốt đời. Trước xu thế đó, thực hiện chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030” của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3632/KH-UBND thực hiện triển khai trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của kế hoạch là tiếp tục đổi mới hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, linh hoạt với nhiều mô hình, từ đó hình thành thói quen, phát triển năng lực tự học, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

Với kế hoạch này, việc tổ chức phục vụ học tập suốt đời đã được nâng lên một bậc thành dịch vụ, qua đó trang bị những tiện ích đáp ứng nhu cầu của người học.

Yêu cầu trước mắt là củng cố cơ sở hạ tầng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đối với mạng lưới các thiết chế trên. Theo đó, Kế hoạch số 3632/KH-UBND đưa ra giải pháp từng bước xây dựng thư viện cấp tỉnh theo mô hình thư viện điện tử hiện đại; quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang-thiết bị; ứng dụng công nghệ thông tin, bổ sung nguồn lực thông tin cho hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh bảo đảm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của Nhân dân.

Song song với đó, chú trọng phát triển mạng lưới thư viện cơ sở; xây dựng mô hình phục vụ học tập suốt đời trên nền tảng công nghệ số…

Trực tiếp "giao lưu" với hiện vật là cách thức tự học đầy cảm hứng. Ảnh: Lam Nguyên

Trực tiếp "giao lưu" với hiện vật là cách thức tự học đầy cảm hứng. Ảnh: Lam Nguyên

Mặt khác, nâng cấp cơ sở vật chất, trang-thiết bị cho Bảo tàng tỉnh tương ứng với tiêu chí bảo tàng hạng II; thực hiện công tác chuyển đổi số di sản đối với hệ thống bảo tàng; đổi mới nội dung, hình thức trưng bày và giới thiệu di sản văn hóa; tăng cường các hình thức phục vụ người dân đến tham quan, chia sẻ và học tập.

Hệ thống trung tâm văn hóa, nhà văn hóa các cấp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao, giải trí phù hợp với đặc điểm, phong tục tập quán của từng dân tộc, thu hút sự tham gia của người dân.

Kế hoạch của UBND tỉnh cũng chú trọng biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân điển hình có cách làm hay, sáng tạo trong hoạt động phục vụ học tập suốt đời tại các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.

Không đâu giáo dục lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật sinh động hơn, trực quan hơn những điểm đến với lợi thế người dân được trực tiếp “giao lưu” với tư liệu, hiện vật. Loại bỏ sự giáo điều, khô cứng, hình thức học tập này mang đến cảm hứng sâu sắc về việc tự học để phát triển bản thân. Không ngẫu nhiên mà chủ đề được chọn của Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023 là “Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số”.

Từ việc nâng cao nhận thức về vai trò của việc tự học trong kỷ nguyên số, mỗi người dân có cơ hội tiếp cận tri thức thông qua việc chủ động học tập suốt đời mọi lúc, mọi nơi, học không chỉ vì mục tiêu hoàn thiện bản thân mà còn đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.