(GLO)- Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch tại chương trình tọa đàm kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022) và trao Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XI-năm 2022 do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức vào chiều 20-6 tại TP. Pleiku.
Nhà báo Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh-chủ trì buổi lễ với sự tham dự của toàn thể hội viên Hội Nhà báo tỉnh, các phóng viên thường trú, văn phòng đại diện trên địa bàn tỉnh.
|
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự buổi tọa đàm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao Giải báo chí tỉnh Gia Lai năm 2022. Ảnh: Đức Thụy |
|
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh: Đức Thụy |
Báo chí xung kích trên mọi mặt trận
Phát biểu ôn lại truyền thống 97 năm báo chí Cách mạng Việt Nam và điểm lại về sự phát triển của đội ngũ báo chí địa phương, nhà báo Trần Quốc Anh-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh-thông tin: Hiện có 3 cơ quan báo chí địa phương; 24 cơ quan đại diện, văn phòng thường trú các báo trung ương, ngành, địa phương đăng ký hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh với 284 hội viên, sinh hoạt tại 6 Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh. Trước môi trường hoạt động sôi động của báo chí trong quá trình hội nhập mạnh mẽ, đội ngũ người làm báo Gia Lai luôn đoàn kết, nâng cao về trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Đa số người làm báo tâm huyết, say mê nghề nghiệp, ý thức sâu sắc trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí được đề cao trong chỉ đạo điều hành, tháo gỡ khó khăn, quyết tâm thực tốt nhiệm vụ tuyên truyền.
“Kế thừa và phát huy truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam, trong những năm qua, đội ngũ người làm báo của tỉnh tiếp tục sự nghiệp đổi mới, tích cực sáng tạo tác phẩm báo chí, xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận chính trị, tư tưởng. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, khi cả nước đang tập trung chống đại dịch Covid-19, các nhà báo, phóng viên trên địa bàn tỉnh luôn là một trong những lực lượng tuyến đầu”-nhà báo Trần Quốc Anh đánh giá.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch mong muốn đội ngũ báo chí không chỉ làm nhiệm vụ truyền tin mà còn nêu cao vai trò giám sát và phản biện xã hội để góp phần xây dựng Gia Lai ngày càng phát triển. Ảnh: Đức Thụy |
Ghi nhận, biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ những người làm báo trong sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhận định: “Nghề báo rất cao quý, đòi hỏi mỗi người cầm bút phải có bản lĩnh hết sức vững vàng. Tôi mong rằng mỗi phóng viên, nhà báo sẽ không ngừng phấn đấu để trở thành cây bút sắc bén hơn, phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội, thường xuyên có những đề xuất xác đáng với UBND tỉnh để có thể cụ thể hóa thành những chương trình hữu ích. Đây là điều tôi rất mong đợi”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn đội ngũ báo chí không chỉ làm nhiệm vụ truyền tin mà còn nêu cao vai trò giám sát và phản biện xã hội để góp phần xây dựng Gia Lai ngày càng phát triển.
Phát biểu đáp từ, nhà báo Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh-đã cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh dành cho đội ngũ những người làm báo; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tiếp thu, lĩnh hội các ý kiến chỉ đạo nêu trên. “Hy vọng Hội Nhà báo tỉnh sẽ tiếp tục là nơi tập hợp, chia sẻ kinh nghiệm và khó khăn với hội viên, hướng tới mục tiêu làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để cùng với tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và phục vụ bạn đọc”-nhà báo Huỳnh Kiên nhấn mạnh.
Không ngừng dấn thân, sáng tạo
Sau chương trình tọa đàm, Hội Nhà báo tỉnh đã tổ chức trao Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XI-năm 2022.
Qua hơn 6 tháng phát động, Ban tổ chức giải đã nhận được 81 tác phẩm của 136 tác giả và nhóm tác giả tham dự, thuộc 4 thể loại: báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình. Nhận định về chất lượng tác phẩm dự giải năm nay, nhà báo Đặng Huy Cường-Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh-khẳng định: Các tác phẩm dự thi đã góp phần lan tỏa thông tin, khẳng định quyết tâm chính trị cũng như nội lực, sự đột phá của tỉnh Gia Lai trong hành trình phát triển. Các tác phẩm dự thi đều phong phú về nội dung, tập trung phản ánh sinh động, khách quan, chân thực về thành tựu, mô hình tiêu biểu, cách làm đột phá, sáng tạo của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh. Đặc biệt, năm nay là kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24/5/1932-24/5/2022) nên có nhiều đề tài mang hơi thở thời sự.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch trao giải A-Giải báo chí tỉnh Gia Lai cho các nhóm tác giả. Ảnh: Đức Thụy |
|
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung (thứ 3 từ trái sang) cùng Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Huỳnh Kiên (thứ 5 từ trái sang) trao giải B cho các tác giả, nhóm tác giả. Ảnh: Đức Thụy |
Theo đánh giá của Hội đồng chung khảo, các tác phẩm nổi bật là những đề tài về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng; xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn văn hóa dân tộc; quản lý và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường; những tấm gương sáng tạo, những mô hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… Nhiều tác phẩm đã cho thấy sự dấn thân của phóng viên khi tác nghiệp, sự sáng tạo trong cách thức thể hiện, kể cả việc “chạm” được cảm xúc của bạn đọc/khán thỉnh giả... Có thể kể đến các tác phẩm được trao giải A gồm: “Một chỉ thị, trăm biến chuyển từ làng” (nhóm tác giả Minh Triều-Phương Linh, thể loại báo in); “Đồng bào Tây Nguyên làm theo lời Bác” (tác giả Kim Ngân, báo nói); “Linh thiêng Tây Sơn Thượng đạo” (nhóm tác giả Song Nguyễn-Kim Ngân-Ksor Tuối-Mạnh Hà, báo hình). Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trao 6 giải B, 9 giải C và 12 giải khuyến khích.
Kết quả Giải báo chí lần này đã một lần nữa khẳng định hiệu quả của làm việc nhóm trong đầu tư tác phẩm báo chí chất lượng. Nói về loạt bài 5 kỳ: “Một chỉ thị, trăm biến chuyển từ làng”, phóng viên Phương Linh (Báo Gia Lai) khẳng định: Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” là một quyết sách lớn, được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, do phạm vi đề tài rộng, có nhiều góc cạnh cần phản ánh nên nếu chỉ 1 phóng viên thực hiện thì sẽ rất vất vả, khó bao quát một cách toàn diện. “Khi tôi và anh Minh Triều phối hợp thực hiện loạt bài, cả hai nhiều lần ngồi lại trao đổi, góp ý để đưa ra một đề cương có kết cấu chặt chẽ, hợp lý nhất. Trong quá trình khai thác tư liệu, tài liệu cũng như thể hiện loạt bài, chúng tôi cũng phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, khoa học để tránh chồng chéo, xây dựng được loạt bài có sức hấp dẫn đối với bạn đọc”-phóng viên Phương Linh chia sẻ.
|
Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Huỳnh Kiên (bìa trái) trao thẻ hội viên cho Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tống Thới Mốc. Ảnh: Đức Thụy |
Tại buổi lễ, Hội Nhà báo tỉnh đã thông qua quyết định kết nạp 6 hội viên mới, đồng thời trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam” cho 17 hội viên. Hội cũng tổ chức trao giấy chứng nhận tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2021 của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam cho 10 tác phẩm. Ngoài ra, có 1 tập thể và 10 cá nhân cũng được trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng-chống dịch Covid-19. |
Khẳng định vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí thông qua loạt bài 7 kỳ “Rừng bị tàn phá ở Gia Lai” (giải C), phóng viên Phạm Hoàng (Báo Dân Trí) cho hay: Từ lâu, tình trạng khai thác lâm sản trái phép diễn ra phức tạp tại huyện Mang Yang (Gia Lai). Sau nhiều thời gian nắm rõ phương thức hoạt động, phóng viên đã dành hơn một tháng mật phục, thăm dò, ghi lại những hình ảnh về việc lâm tặc khai thác và vận chuyển gỗ trái phép. Sau khi ghi nhận được vụ phá rừng ở tỉnh Gia Lai mà báo Dân Trí phản ánh, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng như cơ quan chức năng khẩn trường vào cuộc kiểm tra. Sự vào cuộc khẩn trương của cơ chức năng đã giúp đưa ra ánh sáng cho nhiều đối tượng phá rừng.
Trong khi đó, chia sẻ về phóng sự dài “Linh thiêng Tây Sơn Thượng đạo”, phóng viên Song Nguyễn (Đài Phát thanh và Truyền hình Gia Lai) cho hay: “Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền tại chuỗi sự kiện nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai, trong đó có tuyên truyền về quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo, chúng tôi xác định phải đi sâu và phải có nhiều câu chuyện mới để kể cho khán giả nghe. Kết quả, tác phẩm đã được duyệt, phát sóng trong dịp trọng đại này. Chúng tôi rất vinh dự khi tác phẩm được chọn trao giải A. Chúng tôi nghĩ, ở sân chơi bổ ích này, tất cả các tác giả dù đạt giải hay không cũng đều sẽ có thêm động lực để phấn đấu trong những năm tiếp theo”.
PHƯƠNG DUYÊN