(GLO)- Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 28-6-2016 điều chỉnh chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) lên hơn 90% vào năm 2020. Chỉ tiêu này cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu Nghị quyết 21-NQ/BCT năm 2012 là 80%. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị to lớn góp phần chăm lo đời sống nhân dân của Đảng và Nhà nước ta đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm với các địa phương trong việc nâng tỷ lệ bao phủ BHYT tiến tới BHYT toàn dân.
Bảo hiểm y tế toàn dân góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Bảo hiểm y tế toàn dân nhằm bảo đảm công bằng trong bảo vệ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Mọi người dân đều có quyền được hưởng phúc lợi xã hội này. Hiểu rõ tầm quan trọng của việc thực hiện BHYT toàn dân, tại Gia Lai, việc nâng tỷ lệ bao phủ BHYT lên hàng năm và tiến tới lộ trình BHYT toàn dân luôn được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, quan tâm và triển khai tích cực không chỉ bởi đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mà việc làm này còn có ý nghĩa an sinh to lớn đối với đời sống cộng đồng, nhất là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku. Ảnh: N.N |
Tiến tới BHYT toàn dân cũng chính là một trong những giải pháp căn cơ, bền vững góp phần giảm nghèo cho người dân trên địa bàn tỉnh, bởi khi không có BHYT người bệnh phải chi trả hoàn toàn. Người nghèo không tham gia BHYT nếu chẳng may bệnh tật thì gặp nhiều khó khăn. Tham gia BHYT giúp người dân an tâm được chia sẻ tài chính lúc ốm đau nhất là những khi bệnh nặng. Đồng thời, khi tham gia BHYT, họ sẽ có điều kiện được chăm sóc sức khỏe thường xuyên để đảm bảo sức khỏe tái lao động sản xuất.
Ông Lê Quốc Khánh-Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Gia Lai cho biết: So với Luật BHYT (năm 2008) thì Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015) có nhiều điểm đột phá, bảo đảm và tăng cao quyền lợi của người tham gia BHYT. Trong đó, nhiều điểm mới sửa đổi, bổ sung theo hướng đảm bảo người bệnh BHYT được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao. Nếu như vào thời điểm cuối năm 2008, tỉnh chỉ có 760.000 người tham gia BHYT (chiếm 65% dân số) thì đến năm 2015, toàn tỉnh có 1.006.842 người tham gia BHYT, đạt 76,22% dân số. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có trên 1,12 triệu người tham gia BHYT (chiếm 79,38% dân số). Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2016, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đạt trên 80% dân số và phấn đấu đạt trên 90% dân số tham gia BHYT vào năm 2020.
Triển khai các giải pháp thu hút người dân tham gia BHYT
Một trong những giải pháp quan trọng, căn cơ nhất để thu hút người dân tham gia BHYT, tiến tới thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân chính là tăng chất lượng các dịch vụ y tế trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh; nâng cao y đức, thay đổi tác phong từ hành chính sang phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám-chữa bệnh; tăng cường cải cách nhằm giảm tải bệnh viện, giảm thời gian chờ đợi hướng đến sự hài lòng của người bệnh…
Ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết: “Thời gian qua, ngành Y tế Gia Lai rất chú trọng thực hiện đề án “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Bên cạnh đó, ngành thường xuyên tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở khám-chữa bệnh từ tuyến xã đến tỉnh, củng cố mạng lưới y tế xã; đầu tư trang-thiết bị với kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh… Hiện nay, có những kỹ thuật được thực hiện ở những bệnh viện hạng 1 cũng đã được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh như: mổ u não, thần kinh cột sống, phẫu thuật nội soi nhiều chuyên khoa… Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã thành lập 2 khoa: Tim mạch và Ung bướu. Dự kiến cuối năm 2016, sẽ triển khai tim mạch can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh… Ngoài ra, ngành Y tế thường xuyên tăng cường công tác quản lý chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh BHYT, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận dịch vụ y tế và làm hài lòng đối với người bệnh.
Hướng tới sự đổi mới toàn diện, nhiều đơn vị bệnh viện, trung tâm y tế… trên địa bàn tỉnh đã và đang có những điều chỉnh thích hợp nhằm đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh của người dân. Bác sĩ Trần Quang Chỉ-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ chia sẻ: “Trước đây phòng khám của Trung tâm được bố trí tại tầng 2, bệnh nhân phải lên xuống cầu thang, không có đường trượt nên có nhiều bất cập, gây khó khăn cho bệnh nhân đến khám. Nay chúng tôi đã bố trí lại phòng khám dưới tầng trệt, đồng thời cải tạo lại phòng khám và bố trí bác sĩ trực thường xuyên để đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh cho người dân. Sắp tới Trung tâm sẽ triển khai các điều kiện cần thiết không chỉ tăng cường cơ sở vật chất, trang-thiết bị y tế mà còn nâng cao thái độ, tinh thần phục vụ bệnh nhân”.
Để nâng cao tỷ lệ người dân trên địa bàn tham gia BHYT và tiến tới lộ trình BHYT toàn dân cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân. Về phía Bảo hiểm Xã hội tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, như tăng cường đối thoại để chính sách BHYT đến với người lao động và nhân dân. Đồng thời, ngành tích cực triển khai thực hiện các giải pháp mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHYT; tăng cường cải cách thủ tục hành chính; tổ chức tốt công tác giám định chi phí khám-chữa bệnh BHYT nhằm ngăn chặn lạm dụng quỹ khám-chữa bệnh BHYT. Ngành sẽ tham gia phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về BHYT để giải quyết những vấn đề trọng tâm, bức xúc thuộc lĩnh vực BHYT; đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định về BHYT còn vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện…
Như Nguyện