Bác sĩ 'thời chiến': 'Tư lệnh' Bệnh viện dã chiến số 6

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không súng đạn, bom mìn, nhưng cuộc chiến với Covid-19 khốc liệt không kém thời chiến tranh với những mất mát nặng nề về người cũng như kinh tế.
Đối mặt hằng ngày, hằng giờ với bao khó khăn thử thách, các bác sĩ thời Covid cũng không khác gì bác sĩ thời chiến.
Linh động, sáng tạo trong công việc, nhiệt tình, tâm huyết với bệnh nhân, Giám đốc Bệnh viện dã chiến (BVDC) số 6, TS-BS Phan Minh Hoàng cùng đồng nghiệp đã giúp rất nhiều bệnh nhân Covid nguy kịch thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Khi dịch bùng phát mạnh, bệnh viện (BV) tuyến quận, huyện, đa khoa tại TP.HCM đều quá tải. Lúc này, các trường học, chung cư, nhà xưởng… lần lượt được trưng dụng làm BVDC. Ngày 10.7.2021, bốn block chung cư thuộc khu tái định cư dành cho người dân Thủ Thiêm (P.An Khánh, TP.Thủ Đức) bỏ hoang 7 năm được bàn giao làm BVDC số 6.
“Chậm một phút cũng là có lỗi”
Bàn ghế, gối mền, trang thiết bị y tế được chuyển về từng xe. Lãnh đạo BV, y bác sĩ (BS), lao công, lực lượng quân sự cùng xắn tay vác ghế, sửa bóng đèn, thay vòi nước suốt ngày đêm. “Bệnh nhân đang chờ mình, chậm một phút cũng là có lỗi”, TS-BS Phan Minh Hoàng (Giám đốc BV Phục hồi chức năng TP.HCM kiêm Giám đốc BVDC số 6) nói khi đã quá nửa đêm.
Là BVDC thu dung điều trị Covid, nguy cơ lây nhiễm cao nên hầu hết lực lượng chống dịch đều ở lại BV. Khách sạn cộng đồng, tầng trệt và một phần tầng 1 BVDC được sử dụng làm chỗ ở cho nhân viên chống dịch.

Bác sĩ Hoàng kiểm tra máy chạy thận nhân tạo
Bác sĩ Hoàng kiểm tra máy chạy thận nhân tạo
Suốt mấy tháng theo chân y BS tại BVDC số 6, tôi có cảm giác mình đang sống trong một cuộc chiến thật sự. Đèn bảng hiệu BV Phục hồi chức năng, BVDC số 6 được thay bằng những chiếc đèn pha cỡ lớn chiếu suốt đêm. Cửa chính tại BV Phục hồi chức năng ngày thường vẫn đóng im ỉm giờ được lệnh luôn mở. “Đây là thời điểm người bệnh cần mình nhất. Phải chiếu đèn thật sáng 24/24 để người bệnh dễ nhận biết”, BS Hoàng nói.
Khi bệnh nhân quá đông, hầu hết các BV không đủ chỗ nhận bệnh, BS Hoàng đã họp nhân viên của mình và yêu cầu: “Hết giường thì cho bệnh nhân nằm lên cáng, lên ghế hay bất cứ đâu nhưng buộc phải nhận bệnh nhân vào viện. Bất kể già trẻ, còn sống là còn cứu”.
Có lẽ vì chủ trương như vậy mà những ngày đỉnh dịch, từ cổng BV vào tới các khoa, bệnh nhân Covid nằm sắp hàng dài. “Bệnh dịch là vô thường, BS cũng không phải thánh nhân để cứu được tất cả, nhưng kể cả trong trường hợp không thể cứu được, thì bệnh nhân biết mình không bị bỏ rơi”, BS Hoàng chùng giọng.
Là tướng đầu trận, BS Hoàng cũng lẳng lặng về nhà mang theo quần áo, đồ dùng cá nhân tạm biệt vợ con để đi “công tác dài ngày”. Anh ở lại BV để dốc toàn tâm sức cho cuộc chiến mà anh và các đồng đội biết là vô cùng khốc liệt.

TS-BS Phan Minh Hoàng thăm hỏi bệnh nhân tại BVDC số 6. Ảnh: Lam Ngọc
TS-BS Phan Minh Hoàng thăm hỏi bệnh nhân tại BVDC số 6. Ảnh: Lam Ngọc
Thiết bị tốt nhất để cứu người kịp thời
Trong “thời chiến” thiếu người, một mình BS Hoàng cùng lúc kiêm bốn nhiệm vụ: Giám đốc BV Phục hồi chức năng, Giám đốc Khu cách ly ĐH Sài Gòn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP, Giám đốc BVDC số 6 nên gần như phải “phân thân”. Nhận nhiệm vụ làm Giám đốc BVDC số 6 (cùng BS Trần Văn Dương là Phó giám đốc phụ trách chuyên môn, trung tá Trần Anh Ngọc là Phó giám đốc phụ trách an ninh), những ngày đầu BS Hoàng không dám rời BVDC một bước vì phải tập trung toàn lực cho “chiến trường” mới này. Với quy mô nhận 6.000 giường bệnh mà chỉ có hơn 200 nhân viên y tế từ BV Phục hồi chức năng, BV Đại học Y Dược, BV Chợ Rẫy và đoàn tăng cường từ Quảng Ninh cho thấy lực lượng y BS quá chênh lệch với bệnh nhân bùng phát theo cấp số nhân.
Có những hôm đã quá nửa đêm, BS Hoàng vẫn quanh quẩn ở lối đi hẹp giữa khu nhà điều hành và block A1 BVDC để gọi điện thoại xin xe cấp cứu. Mấy ngày rồi chứng kiến cảnh những bệnh nhân trở nặng, anh lại nghĩ đến những ngọn đèn sắp tắt. Giữa cuộc đua giữ lấy hơi thở bệnh nhân mà phải ngồi nhìn họ thoi thóp, chờ đợi phản hồi nhận bệnh từ BV tuyến trên anh không chịu nổi. BS Hoàng quyết tâm bằng mọi cách phải trang bị những thiết bị y tế tốt nhất để kịp thời cứu bệnh nhân tại chỗ, trừ trường hợp bất đắc dĩ mới phải liên hệ chuyển tuyến để tiết kiệm sức người, sức của.
Trong tuần đầu tiên hình thành BVDC số 6, BS Hoàng đưa toàn bộ xét nghiệm sinh hóa, huyết học tương đương một BV tuyến tỉnh vào. Cạnh đó, anh xin Sở Y tế TP.HCM cấp máy siêu âm tim, máy chụp X-quang di động. “Người bệnh Covid đến hơi thở còn khó nhọc, sức đâu để vừa cầm máy thở vừa đi chụp X-quang? Trang bị máy là để giúp người bệnh giữ chút sức lực cuối cùng mà chống chọi với bệnh tật”, BS Hoàng chia sẻ. Ở thời điểm dịch bùng phát, BVDC số 6 là nơi đầu tiên trang bị được những máy móc hiện đại như vậy.
Số lượng bệnh nhân đưa vào BVDC ngày càng nhiều, bệnh nhân trở nặng trong BV cũng tăng nhanh. Trong tình thế cấp bách đó, BS Hoàng họp quyết định chuyển đổi công năng tòa nhà A1 thành các khoa lâm sàng. Mỗi khoa đều tổ chức phòng cấp cứu cho bệnh nhân chuyển nặng nhanh và được trang bị máy thở ô xy. Đội ngũ y tế dù không phải là những BS hồi sức cấp cứu nhưng cũng cấp tốc được tập huấn và đào tạo. Các khoa lâm sàng nhận diện nhanh, phân loại bệnh nhân có bệnh lý nền để điều trị (đặc biệt lưu ý bảo vệ hết sức những phụ nữ mang thai). Lúc này, các tháp điều trị bệnh nhân cũng được hình thành.
Điều lo ngại là những bệnh nhân suy thận cũng bị F0. Họ cần được chạy thận song song với điều trị Covid, nhưng phải chạy đi chạy lại giữa BV chạy thận và BV điều trị Covid thì vừa tốn lực lượng y tế theo chân vừa khiến bệnh nhân mệt mỏi. Vì thế, BS Hoàng đề xuất với một số BV chuyên khoa: “Cho tôi mượn máy chạy thận, mượn nhân viên vận hành máy, tôi sẽ tiếp nhận hết những F0 là bệnh nhân của anh…”. Nhận được sự đồng tình, anh triển khai hệ thống máy chạy thận ngay tại BVDC. Điều này đối với bệnh nhân suy thận đang điều trị Covid tại BVDC lúc đó gần như là trúng số.
Bằng những “vũ khí” được trang bị kịp thời lúc đó, y BS BVDC số 6 đã cứu chữa được rất nhiều bệnh nhân Covid nguy kịch. (còn tiếp)
F0 phóng thẳng xe xuống hầm xin được... nhập viện
Trong những ngày dịch Covid-19 căng thẳng nhất, nhiều F0 có triệu chứng nhưng gọi địa phương không nhận được phản hồi, một số người đã tự lái xe vào BVDC số 6. Trong đó, trường hợp 2 F0 tại TP.Thủ Đức tự mặc đồ bảo hộ chở nhau xuống hầm gửi xe rồi lên phòng điều hành xin... nhập viện. Họ giải thích: “Biết mình dương tính và có những triệu chứng bệnh chuyển nặng, nhưng gọi cầu cứu khắp nơi không được, nghe nói BVDC số 6 có BS Hoàng không bao giờ bỏ bệnh nhân nên em liều chạy vào đây”.
Theo Lam Ngọc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.