Bác sĩ Nay Blum:Người góp công xóa bỏ hủ tục nơi buôn làng Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong một chuyến công tác tại Tây Nguyên, tình cờ tôi gặp vợ chồng bác sĩ Nay Blum. Họ là người có công lớn khi dùng kiến thức y học của mình để vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn bản thuộc xã Glar (huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) xóa bỏ hủ tục giết con chôn theo mẹ khi người sản phụ chẳng may tử vong và sự kỳ thị cố hữu truyền đời là quyết liệt đuổi những người mắc bệnh phong, bệnh lao ra khỏi cộng đồng.
Vợ chồng bác sĩ Nay Blum được ví như cánh chim không mỏi giữa đại ngàn mênh mông. Mọi truân chuyên lẫn ngọt ngào của họ đều gắn chặt với khát vọng cứu chữa và chăm sóc sức khỏe cho bà con dân tộc nơi rừng sâu núi thẳm.
Gần 30 năm gắn bó với ngành y, hiện bác sĩ đa khoa Nay Blum là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Glar (huyện Đắk Đoa), còn vợ là hộ sinh HNơn, công tác cùng trạm. Cả hai cùng chung một khát vọng chung sức để cứu chữa bệnh cho người dân.
 
Vợ chồng bác sĩ Nay Blum và HNơn có công lớn xóa bỏ hủ tục nơi buôn làng.
Bác sĩ Nay Blum tâm sự: “Lên 10 tuổi mình đã ám ảnh với những cái chết vì dịch bệnh ở Tây Nguyên liên tục xảy ra. Nhiều đứa trẻ chôn sống khi đang cất tiếng khóc oe oe mà không ai can ngăn hay lý giải nổi nên mình đã khắc dòng chữ “Phải thành bác sĩ để cứu người” lên cửa nhà.
Nhà mình nghèo lắm, 15 tuổi, nhiều bạn bè cùng trang lứa bỏ lớp đi hái tiêu, hái cà phê thuê lấy tiền sắm sửa áo mới thì mình chỉ duy nhất có một bộ quần áo dài. Ngày nối ngày, cuốc bộ trong những cơn mưa rừng, đường đất nhòe nhoẹt  để kiếm chữ. Có hôm, đến được trường thì bàn chân tứa máu vì giẫm phải đá”.
Tất cả các cấp học phổ thông, Blum đều giỏi nhất xã, nhất huyện. Trước khi quyết định vượt rừng về TP Pleiku học Trường Trung cấp Y tế Gia Lai, Blum đi cạo mủ cao su thuê một năm để sắm thêm vài bộ quần áo và dụng cụ học tập.
Tốt nghiệp Trung cấp Y tế Gia Lai đầu năm 1991, Blum thành “của hiếm” đối với hàng loạt huyện ở Tây Nguyên. Nhiều nơi tha thiết kéo Blum về làm việc hứa trả lương bổng hậu hĩnh nhưng anh quyết liệt chối từ.
Khi ấy, hầu hết các xã của huyện Đắk Đoa không có trạm y tế, chưa có cơ chế xếp lương, trả lương cho y, bác sĩ cơ động bám buôn, bám xã. Không ngần ngại, Blum hăng hái về với các buôn sâu cùng lời cam kết, làm không lương tới bao lâu cũng được, ăn ở luôn trong nhà dân.
“Blum, cứu vợ tôi đi, nó giật đùng đùng rồi; Blum, cứu con trai tao đi, nó sắp bị làng chôn sống rồi; Blum ơi cứu cha tôi đi, toàn thân tím tái, cắn răng vào nhau rồi; Blum ơi, cứu con tao với, nó co quắp vì tiêu chảy nhiều ngày rồi...”.Từ khi bước chân vào ngành y, những tiếng kêu thảng thốt, róng riết này bám chặt trong tâm thức và luôn thôi thúc Blum.
Những năm tháng ăn trên đèo, ngủ ở rừng, hạnh phúc riêng trong khát vọng chung đã đến với Blum. Cuối năm 1991, mưa liên miên, dịch tả và sốt rét hoành hành khắp 5 xã ven sông, dọc suối của huyện Đắk Đoa, Blum như chiếc xe lu di động khi đeo trên người đủ thứ: bạt ngủ rừng, cơm nắm, thuốc men, dụng cụ khám bệnh...
Thương sự hy sinh vô điều kiện của Blum cho dân làng, HNơn (người cùng xã Glar) đến làm quen, động viên và phụ giúp. Tình cảm hai người cũng nảy nở từ đó. Biết HNơn cũng đã học xong nghề hộ sinh, Blum mạnh dạn bày tỏ lòng mình, rằng: “Tôi chỉ có một khát vọng cháy bỏng duy nhất là đi khắp nơi chữa bệnh cứu người. Nếu thương tôi thì mình thành vợ chồng và cùng thực hiện khát vọng ấy”.
Tiệc cưới đơn sơ chưa hết tiếng chúc tụng thì 3 người đàn ông từ xã Trang (cạnh xã Glar) kéo đến, gấp gáp gọi: HNơn, vợ tao đau đẻ rồi, nó quằn quại lắm. Đến đi. Không có mày, nó chết mất. Lần đầu tiên chạy bộ gần 10km, chân HNơn phồng rộp, phải đi cà nhắc nhưng vẫn đỡ đẻ “mẹ tròn con vuông”.
 
Bác sĩ Nay Blum luôn bên cạnh mỗi khi người bệnh cần.
Cuối năm 1993, xã Glar mới bắt đầu có kế hoạch xây trạm y tế nhưng người dân vẫn chưa có thói quen đến trạm, vợ chồng Blum phải triền miên ở cùng, ăn cùng vận động. Năm 1995, hàng loạt buôn làng nhờ sự vận động của vợ chồng Nay Blum đã không ăn đồ sống, không sinh hoạt cạnh chuồng trại chăn nuôi, không tin vào lá cây rừng có thể chữa bách bệnh. Vậy nhưng còn một vấn đề nan giải, rùng rợn, đó là hủ tục chôn sống trẻ con theo mẹ.
Đang lúc trăn trở tìm cách xóa bỏ hủ tục này thì vào buổi chiều, một người đàn ông ở xã Hnol xộc đến nhà Blum, gào thảm thiết: “HNơn, Blum à, vợ ta đẻ non, máu tuôn ra nhiều lắm, đang thoi thóp. Cứu với”.
Đường đến nhà sản phụ dài gần 20km, lởm chởm đá. Xác định chỉ có thể chạy bộ nên vợ chồng Blum vội vàng gửi đứa con đầu lòng mới hơn 3 tuổi cho người quen rồi bọc lớp cao su dày vào chân, lên đường. Đến nơi, trời tối mịt.
Nhìn sản phụ toàn thân tím tái, băng huyết, máu đẫm chăn chiếu, mạch đã ngừng đập, vợ chồng HNơn cố cầm máu, hô hấp nhưng biết không thể cứu vãn. Khi sản phụ trút hơi thở cuối cùng cũng là lúc các già làng kéo đến, đốt đuốc vây kín căn nhà nhất quyết đòi chôn sống đứa trẻ, để lại sẽ gây xui xẻo cho các buôn làng. Luật lệ xưa nay là vậy.
HNơn vừa nài nỉ vừa giải thích bằng các kiến thức y học rằng: “Sản phụ băng huyết không phải do ma hành mà có thể do nhiễm trùng ối, vỡ ối, chuyển dạ nhanh, do không được thăm khám và chăm sóc đúng cách lúc mang thai... đây là sự cố, không phải do quỷ muốn bắt đi, đứa trẻ không có tội”.
Vợ chồng Blum đã quỳ xuống, mắt rưng rưng, khẩn thiết: “Cầu mong bà con đừng giết cháu”. Bao năm tháng chứng kiến tấm lòng của vợ chồng HNơn với đôi chân bền bỉ đi qua các buôn sâu cứu chữa cho nhân dân nên nhiều người im lặng, chỉ còn bà ngoại của đứa trẻ gay gắt: “Phải chôn nó ngay. Chôn khi nó đang sống. Quỷ trong người nó”.
Quyết không để hủ tục man rợ tiếp diễn, vợ chồng HNơn ôm đứa trẻ vào lòng và hứa: Bằng y học sẽ chữa hết bệnh, sẽ yêu thương và nuôi lớn khỏe mạnh...
Xiêu lòng và láng máng vỡ lẽ ra điều gì đó, già làng Nay Hút khởi xướng và nhiều người khác hô theo: Nếu vợ chồng mày làm được thế, đứa trẻ không còi cọc và chết yểu trong ít tháng tới thì bọn ta sẽ nói với khắp buôn trên, làng dưới ở đại ngàn Tây Nguyên này bỏ tục lệ, không chôn trẻ con theo mẹ nữa. Vui như mở cờ trong bụng, HNơn vệ sinh rốn cho đứa trẻ xong, phanh áo ngực ra ủ nó vào người. Đứa trẻ ấy được đặt tên là Nay Thuym.
Trong đêm khuya vắng, HNơn chỉ vào mấy tài sản có giá trị và chiếc xe máy cũ là của hồi môn rồi thủ thỉ với chồng: “Mình bán hết nhé để mua mọi loại thuốc và sữa tốt nhất cho Thuym. Con nhất định phải khỏe mạnh, đó còn là minh chứng để các buôn làng phải xóa bỏ tục man rợ”. Thoáng nghĩ ngợi trôi qua, Blum đồng tình ngay và vỗ về vợ, ta lại quay lại với xe đạp và đi bộ vậy!.
Thấy Thuym vượt qua “cửa tử” da dẻ hồng hào, phổng phao nên ông Nay Hút và hàng loạt người già khác chạy đi khắp nơi loan tin. Nhiều già làng từ Kon Tum, Đắk Lắk cũng băng rừng đến xã Glar để nhìn tận mắt, sờ tận tay vào người Thuym rồi về đưa vào hương ước quy định phải bỏ tục chôn sống trẻ con theo mẹ, đồng thời quán triệt đến các buôn làng của mình. Nếu người mẹ không may chết sau sinh thì phải đưa đứa trẻ đến cơ sở y tế, đến bác sĩ.
Nhà sát vách cơ quan, thấy khuôn viên của trạm y tế chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu bức thiết của người dân, Nay Blum thổ lộ với vợ: Mình ở một góc nhỏ thôi còn phần lớn đất đai của tổ tiên để lại hiến cho chính quyền làm phòng lưu bệnh cho trạm, làm vườn thuốc Nam. Và vợ chồng Nay Blum đã quyết định hiến gần 600m2 đất.
Kể cho chúng tôi nghe câu chuyện hai chị em HMới và Nay Kươm (mới lên 6, lên 7). Nhiều ngày trôi qua, phải sống trong đói rét và hắt hủi của cộng đồng bởi cha mẹ em đã chết vì bệnh hủi (bệnh phong) đôi mắt Blum đượm buồn: “Các em phải đi moi trộm khoai lang để ăn sống. Chân tay bị đá đâm rách toác nhiều chỗ và nhiễm trùng, hoại tử. Thấy vợ chồng mình dẫn chị em Mới về làng, nhà nhà đều xông ra cản ngăn vì bao thế hệ, dân làng đều nghĩ con hủi có cánh, có chân sẽ lan nhanh trong cộng đồng như nước chảy trên suối, gió thổi trong rừng.
Thương hai đứa trẻ quá. Nó lấp ló đến làng nào là bị đuổi khỏi làng đó. Khát quá đến giếng nước công cộng cũng bị lùa đuổi, đến gần ruộng rẫy đang có người canh tác cũng bị đuổi. Bằng kinh nghiệm đã tiểu phẫu, mình chẩn đoán ngay vết thương của chị em Mới không phải hủi, chỉ là hoại tử do nhiễm trùng, sẽ chữa khỏi bằng tiểu phẫu và thuốc tây.
HNơn thì phụ chồng tha thiết giải thích theo kiểu y học, đại khái là: Bệnh hủi là bệnh không di truyền, con vi khuẩn hủi không có cánh để bay sang người bên cạnh, hãy để cho chị em HMới hòa nhập cộng đồng.
 
“Phải trở thành bác sĩ để cứu người” đó là khát khao từ nhỏ của Nay Blum.
Biết ngày một, ngày hai chẳng thể xóa đi ý nghĩ cổ hủ của dân làng nên vợ chồng HNơn cùng quyết định hoãn việc sinh con để nhận chị em HMới về cứu chữa và nuôi nấng. Vừa chữa bệnh cho nhân dân các buôn và chị em Mới, vợ chồng Blum còn thay nhau triển khai cuộc tuyên truyền theo kiểu mưa dầm thấm lâu để dân làng cùng cam kết, nếu chị em Mới khỏe mạnh, con hủi không lây sang gia đình Blum thì từ nay không được kỳ thị, xua đuổi những người không may mắc bệnh “hủi” nữa. Chẳng lâu sau, thấy minh chứng rõ ràng, cộng đồng các dân tộc ở Đăk Đoa không còn đánh đuổi, xa lánh người mắc bệnh “hủi” nữa.
Sự kỳ thị đối với bệnh hủi ở huyện Đắk Đoa được xua tan thì trong chuyến công tác sang xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang), Nay Blum phát hiện tại đây nhiều ngôi làng còn lạc hậu, coi bệnh lao là bệnh nan y, lây đến ai là người đó sẽ bị “thần chết” kéo đi. Và lại một đứa bé bị mắc bệnh được vợ chồng Nay Blum nhận về nuôi, chữa khỏi bệnh để làm minh chứng xóa đi hủ tục của dân làng.
Từ năm 2001-2006, Nay Blum được cấp trên tạo điều kiện cho đi học bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y Dược Huế. Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Blum lại trở về trạm sát cánh cùng vợ cứu chữa cho người dân.
Bác sĩ Blum chia sẻ: “Trong thời gian đi học, mỗi kỳ nghỉ mấy tháng, mình lại tranh thủ về trạm để truyền đạt các kiến thức cho các nhân viên trong trạm. Ngày thì làm ở trạm, tối đi đến các buôn, có hôm khuya về còn tranh thủ trồng rau để bán kiếm tiền nuôi 4 đứa con nuôi và 1 đứa con ruột lớn khôn.
Tuấn Anh (Cảnh sát toàn cầu Online)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.