Hào hùng một thời hoa lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Trật tự được ổn định, đón lực lượng vũ trang và cán bộ chiến sĩ, chính quyền cách mạng vào tiếp quản Đà Lạt gần như nguyên vẹn vào ngày 3/4/1975”, ông Nguyễn Trọng Hoàng, Cựu Bí thư Đoàn học sinh, sinh viên Đà Lạt nhớ lại khoảnh khắc lịch sử hào hùng cách đây tròn 50 năm.

Diệt địch ngay trong lòng địch

Đầu tháng 4/1975, sau hàng loạt thắng lợi vang dội trên khắp Tây Nguyên, lực lượng giải phóng tiếp tục tiến về Đà Lạt, thành trì cuối cùng và rất quan trọng của địch tại khu vực này. Cuộc tiến công Đà Lạt diễn ra theo một kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, với sự tham gia của nhiều đơn vị chủ lực.

“Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Tiểu đoàn 840, Trung đoàn 812 tiến dọc theo quốc lộ 21 hướng về thị trấn D’Ran (huyện Đơn Dương). Tại đây, quân địch đã tháo chạy, tạo điều kiện cho đơn vị nhanh chóng tiếp quản chi khu, quận lỵ và thành lập Ủy ban Quân quản huyện Đơn Dương.

Cùng thời điểm, Tiểu đoàn 186 theo quốc lộ 20 tiến thẳng lên Đà Lạt. Lực lượng Quân khu 6 cũng tham gia vào mũi tiến công dọc theo quốc lộ 21. Trước đó, quân ta đã giải phóng Đạ Huoai, Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng, tạo bàn đạp vững chắc cho tiến công Đà Lạt”, cựu chiến binh Huỳnh Minh Xuyến, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nhớ lại.

Còn ông Nguyễn Duy Dũng, cựu lính đặc công tham gia chiến dịch giải phóng Đà Lạt, dù đã gần 80 tuổi vẫn nhớ như in ngày 3/4/1975. Thuộc Đại đội T12, một đơn vị đặc biệt tinh nhuệ với mục tiêu chi viện chiến trường miền Nam, tháng 12/1968, ông cùng đồng đội bắt đầu đi B (vào miền Nam).

Đến ga Vinh, cả đại đội tiếp tục hành quân bằng đường bộ. Sau hơn 4 tháng, đại đội đến vùng Tây Ninh - Sài Gòn. Đến tháng 6/1969, đại đội (tên gọi T12-V9-C54b) được điều động hành quân về chiến trường Đà Lạt - Tuyên Đức và bắt đầu nhiệm vụ đánh địch.

Ông Dũng kể, từ tháng 2/1970, chỉ chưa đầy 5 tháng, T12-V9-C54b đã đánh 5 trận với những chiến thắng giòn giã. Nổi bật như trận đánh vào Trung tâm chiến tranh chính trị của địch (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng hiện nay), trận đánh vào Trung tâm Cảnh sát Dã Chiến (nay là khu vực đồi Dã Chiến, phường 11, TP Đà Lạt), trận đánh đồn Kim Phát (khu vực đầu quốc lộ 27, huyện Đức Trọng ngày nay),… khiến địch hoang mang, hoảng sợ. Đặc biệt, Tết dương lịch 1970-1971, địch bất ngờ tổ chức trận càn trên đồi Đá (nơi đóng quân của đại đội), nhưng cả đội chiến đấu anh dũng, bắn rơi một máy bay và đánh bật quân địch.

“Đến tháng 6/1971, do yêu cầu của nhiệm vụ, đơn vị chia thành 4 đội. Chúng tôi được bổ sung về các đội đặc công biệt động của Thị đội Đà Lạt để hoạt động bí mật, phá ấp chiến lược, xây dựng phong trào cách mạng ngay trong lòng địch. Quãng thời gian này, chúng tôi cải trang, tìm diệt những tên ác ôn ngay trong lòng địch khiến chúng hoang mang, khiếp sợ, góp phần cho chiến thắng giải phóng Đà Lạt. Đây là kỷ niệm nhớ nhất của chúng tôi”, ông Dũng kể.

Ông Dũng xúc động, cho biết sáng 2/4/1975, ông cùng đồng đội được lệnh đến rạp Hòa Bình để chốt trực kiểm soát tình hình, đến chiều cùng ngày thì tiếp quản sân bay Cam Ly. Sáng 3/4, quân chủ lực, khi ấy là Đại đội Trung đoàn quyết thắng đã đến nơi và cắm cờ giải phóng tại Dinh Tỉnh trưởng và Dinh Bảo Đại. Đánh dấu cột mốc quan trọng cho Đà Lạt, chiến dịch Tây Nguyên kết thúc toàn thắng, vượt xa dự kiến ban đầu.

Vẹn nguyên thời hoa lửa

Sinh viên học sinh phát động phong trào đấu tranh chính trị, tháng 3/1966
Sinh viên học sinh phát động phong trào đấu tranh chính trị, tháng 3/1966

Tuy sức khỏe giảm đi nhiều, nhưng ông Nguyễn Trọng Hoàng, cựu Bí thư Chi đoàn học sinh, sinh viên nội thành Đà Lạt những năm 1960 đến tháng 4/1975, cũng là người lãnh đạo phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh (TNSVHS) Đà Lạt thời bấy giờ không thể quên một thời thanh xuân sôi nổi, “sống trong lòng địch”.

“Đó là những năm tháng gian khổ mà hào hùng. Thời ấy, đấu tranh chính trị, không có vũ khí, trực diện với kẻ thù và chấp nhận sự hy sinh. Tôi cùng đồng đội phải thật sự khéo léo, sáng tạo hoạt động để địch không phát hiện mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ”, ông Hoàng xúc động.

Ông Hoàng kể, tháng 3/1966, khi đó phong trào đấu tranh chính trị phát động đã nhận được hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân và hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra.

Thời điểm đó, lực lượng đấu tranh đã làm chủ khu trung tâm thành phố gần 3 tháng, chiếm Hợp tác xã (HTX) Rau làm trụ sở, tổ chức các cuộc hội thảo, diễn thuyết; đối chất với Thị trưởng Đà Lạt là Luật sư Nguyễn Thị Hậu. Lực lượng đấu tranh chiếm luôn Đài Phát thanh Đà Lạt và tổ chức phát thanh trong nhiều ngày. Tuy nhiên, đến ngày 4/4/1966, chính quyền tung quân đàn áp, lực lượng Tranh thủ Dân chủ đốt Đài và rút lui an toàn.

Ông Hoàng (giữa) cùng Ban Liên lạc truyền thống Cách mạng Đội Công tác TNSVHS
Ông Hoàng (giữa) cùng Ban Liên lạc truyền thống Cách mạng Đội Công tác TNSVHS

Tháng 9/1971, dưới sự chỉ đạo của Thị ủy, Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt phát động cuộc đấu tranh chống bầu cử độc diễn của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu.

Tại Giảng đường chùa Linh Sơn, hơn 200 nhân sĩ, trí thức, TNSVHS phát động đốt thẻ cử tri, xuống khu trung tâm kêu gọi chống bầu cử độc diễn. Cuộc hội thảo tẩy chay bầu cử độc diễn biến thành cuộc biểu tình lớn của các tầng lớp nhân dân. Cuộc bầu cử trở nên tẻ nhạt, thưa thớt người đi bầu.

“Thời điểm cuối tháng 3/1975, đơn vị tôi được phân công trinh sát 6 mục tiêu đầu não của địch để dẫn quân chủ lực vào đột kích giải phóng Đà Lạt. Tuy nhiên, đêm 31/3/1975, trước khí thế của quân giải phóng, địch đã tự đốt kho xăng, kho đạn (sân bay Cam Ly) rồi rút quân ngay trong đêm”.

Ông Nguyễn Duy Dũng, cựu lính đặc công tham gia chiến dịch giải phóng Đà Lạt

Ông Hoàng kể, cao trào TNSVHS vào tháng 3/1975, khi đó Thị ủy Đà Lạt có chỉ đạo đối với lực lượng cần xác định vị trí các cơ quan quân sự, cơ quan hành chính để có thể dẫn đường cho lực lượng vũ trang khi đánh vào Đà Lạt. Lực lượng tổ chức bảo vệ các địa điểm quan trọng như Tòa Hành chính tỉnh, Nha Địa dư, Nguyên Tử Lực, Bưu điện, Ngân khố,…và các kho gạo.

Thuyết phục các y, bác sĩ không đi di tản để sẵn sàng cứu chữa cho nhân dân và thương binh; vận động may cờ Mặt trận Giải phóng và rải truyền đơn khắp thành phố để tạo khí thế cho đồng bào và gây hoang mang cho bộ máy cầm quyền.

“Sáng 1/4/1975, lực lượng TNSVHS Đà Lạt chớp thời cơ, tập hợp lực lượng tổ chức khởi nghĩa làm chủ thành phố ngay thời điểm địch rút chạy. Chi đoàn TNSVHS nội ô tổ chức các đơn vị “Tự vệ thành” trang bị vũ khí phân công đi bảo vệ các cơ quan, địa điểm quan trọng.

Trưa 2/4/1975, TNSVHS nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình, treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát. Trật tự được ổn định, lực lượng vũ trang và cán bộ chiến sĩ, chính quyền cách mạng vào tiếp quản Đà Lạt gần như nguyên vẹn vào ngày 3/4/1975”, ông Hoàng nguyên vẹn không khí ngày đó.

(Còn nữa)

Theo THÁI LÂM (TPO)

Có thể bạn quan tâm

'Báu vật' của làng

'Báu vật' của làng

Hàng chục cây kơ nia trăm năm tuổi được người dân ở Bình Định ví như 'báu vật' được bảo vệ qua nhiều thế hệ. Địa phương đang lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng kơ nia này thành rừng cây di sản VN.

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh trên biển, thời gian qua, công tác dân vận luôn được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quan tâm triển khai hiệu quả, thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Kỳ tích cao su vươn mình trên xứ sở Angko - Kampong Thom: Kỳ cuối-Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor - Kampong Thom: Kỳ cuối - Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

(GLO)- Bên cạnh xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom luôn quan tâm cải thiện đời sống cho hơn 3.300 lao động tại Campuchia với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.