Lối về nẻo thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

Học chữ khi đã qua nửa đời người

Chúng tôi có dịp tận thấy lớp học đặc biệt tại trại giam Đắk Trung (đóng chân trên địa bàn huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) dành cho các phạm nhân đang chấp hành án tại đây. Trong không gian tĩnh lặng của khu trại, giọng đọc với đủ thanh âm của nhiều lứa tuổi vang lên văng vẳng.

“Học sinh” Giàng A V (SN 1970) đang uốn từng nét chữ trên đôi tay đã chai sạn bởi một đời làm nương rẫy. Cách thể hiện tình cảm qua nét chữ, dù ngây ngô nhưng rất chân thật. Khuôn mặt khắc khổ của người đàn ông 55 tuổi chăm chú cao độ lên từng nét trên bảng.

Lớp học xóa mù chữ cho các phạm nhân tại trại giam Đắk Trung
Lớp học xóa mù chữ cho các phạm nhân tại trại giam Đắk Trung

Giàng A V là người dân tộc Mông, sinh sống tại xã Cư Kbang, huyện biên giới Ea Súp (Đắk Lắk). Cuộc sống nghèo khổ, không biết chữ, Giàng A V không nhận thức được hậu quả, tác hại của ma túy, trong phút sai lầm đã vi phạm quy định của pháp luật. Cái giá phải trả cho tội “vận chuyển trái phép chất ma túy” là 20 năm tù.

Phạm nhân V kể, quê ở tỉnh Hà Giang, vì nghèo khó nên một chữ bẻ đôi cũng không biết. Năm 2006, gia đình theo người quen di cư vào Đắk Lắk sinh sống. Cuối năm 2022, khi đang đi làm rẫy, có một người đàn ông lạ mặt nhờ cầm hộ một bao đi khoảng cây số trả 2 triệu đồng tiền công. Không biết bên trong bao có gì, nhưng V làm theo người lạ mặt. Ông bị công an bắt và phải trả giá cho việc làm sai của mình.

Sau khi vào trại giam chấp hành án, Giàng A V xin học lớp xóa mù. “Trước đây chỉ đi rừng, đi rẫy, bảo cầm cuốc thì dễ, chứ cầm bút rất chật vật, tuổi lại cao, học gì cũng khó nhưng tôi vẫn cố gắng được chữ nào hay chữ đấy. Qua một thời gian chăm chỉ học, giờ đây, tôi có thể đánh vần từng dòng chữ trong sách để hiểu hơn về pháp luật”, Giàng A V cho biết.

Nhận án phạt 10 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, Võ Văn T (SN 1980, trú TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) khi vào chấp hành án tại trại giam, vẫn chưa biết chữ.

Sau khi tham gia lớp học xóa mù chữ và chăm chỉ rèn luyện, bây giờ, anh đã tự tin với từng con chữ, có thể đọc thư của người thân. Trước đây T làm nghề thợ mộc để nuôi sống gia đình. Cũng vì không hiểu biết pháp luật, không biết chữ, T đã sa chân vào con đường tội lỗi.

“Thấy tôi nỗ lực thay đổi bản thân, đặc biệt là tiến bộ trong việc học chữ, vợ và các con đều rất vui, bản thân có thêm động lực để cải tạo tốt hơn. Sau khi ra tù, tôi trở lại nghề mộc bằng con chữ được học trong trại giam, nhất định sẽ sống lương thiện”, T chia sẻ.

Tại đây, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của đại úy Trần Thị Thu Trang, cán bộ giáo dục Trại giam Đắk Trung, trực tiếp đứng lớp. Đại úy Trang chia sẻ, đa số phạm nhân lớp xóa mù là người dân tộc thiểu số.

Nhiều người phạm tội cũng vì không biết chữ, nhận thức chưa đầy đủ. Họ đều lớn tuổi nên tiếp thu kiến thức rất chậm. Quan trọng nhất là thay đổi được tư duy của phạm nhân, thổi vào họ niềm yêu thích học tập. Người giáo viên kiên trì, vừa chỉ bảo, uốn nắn lại vừa động viên phạm nhân.

Mỗi khóa học xóa mù chữ có khoảng 40 học viên, chia thành 2 lớp thuộc 2 phân trại, trong đó 80% phạm nhân theo học là người dân tộc thiểu số. Khóa học thực hiện theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn xóa mù chữ cấp độ 1 sẽ học 18 tháng.

Mục tiêu kết thúc khóa học, các học viên có thể đọc, viết và thực hiện các phép tính cộng, trừ, nhân, chia cơ bản. Lớp học xóa mù chữ tại trại giam Đắk Trung còn nhen nhóm ý chí hoàn lương cho những phận đời lầm lỗi.

Gieo hạt lành

Chiều đến, bên cánh rừng cao su hun hút thăm thẳm, tiếng lá reo lên cùng với nắng vàng hanh hao, tiếng đục, đẽo, tiếng leng keng va vào nhau rộn lên một góc. Những người “thợ” đang chăm chú, tỉ mẩn thực hiện từng thao tác trên sản phẩm của mình dưới sự hướng dẫn của cán bộ quản giáo. Đó là khu vực xưởng cơ khí, được phân chia thành các khu gồm mộc, cơ khí, sửa chữa xe máy.

Đôi tay thoăn thoắt cùng chiếc bào lướt nhẹ trên tấm gỗ, phạm nhân Nguyễn Thành C (SN 1997, huyện Krông Ana) như một người thợ lành nghề. C phụ học nghề mộc đầu năm 2024. Vào đây thấm thía nỗi nhớ gia đình, người thân. Đây cũng là động lực để phạm nhân này kiên trì theo học và có kế hoạch sau này trở về cộng đồng có thể mở xưởng nhỏ vừa làm kinh tế vừa giúp đỡ thanh niên khó khăn ở địa bàn.

Hằng năm, trại giam phối hợp đào tạo nghề cho phạm nhân
Hằng năm, trại giam phối hợp đào tạo nghề cho phạm nhân

Vì sự bồng bột của tuổi trẻ, không kiềm chế được bản thân, phải tới lúc nhận bản án 3 năm tù về tội cố ý gây thương tích, phạm nhân Nguyễn Thành C mới như bừng tỉnh. Những tháng ngày sau cánh cổng trại giam, C đã ăn năn hối cải và tích cực cải tạo.

Tỉ mỉ hướng dẫn các phạm nhân khác hoàn thành sản phẩm của mình, phạm nhân Phạm Văn Đ (SN 1973, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) cho biết, Đ được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng đội mộc. Phạm nhân Đ vào trại vì tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và nhận mức án 9 năm tù.

Khi mới vào trại, Đ hoàn toàn không có chút kiến thức gì về nghề mộc. Nhưng nhờ sự chỉ dẫn tận tình của các cán bộ quản giáo, sau 3 năm kiên trì học hỏi, giờ đây phạm nhân Đ đã có thể tự tay chế tác các sản phẩm như giường, tủ, bàn ghế, cửa...

“Tôi dự định sau khi chấp hành xong án phạt, sẽ mở một xưởng mộc nhỏ để mưu sinh, nuôi gia đình”, phạm nhân Đ cho biết.

Nhiều phạm nhân có thể chế tác các sản phẩm
Nhiều phạm nhân có thể chế tác các sản phẩm

Đại tá Lê Trọng Ngà, Phó Giám thị Trại giam Đắk Trung cho biết, hằng năm, trại giam phối hợp đào tạo nghề cho khoảng 200-300 phạm nhân, ưu tiên cho các đối tượng trẻ, sắp hết án. Sau 3 tháng học nghề, các phạm nhân được cấp chứng chỉ nghề trình độ sơ cấp. Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, Ban Giám thị trại giam xây dựng chương trình, kế hoạch và phấn đấu đào tạo nghề cho phạm nhân đạt tỉ lệ từ 65-70%/năm.

Trại giam Đắk Trung, Bộ Công an đóng chân trên địa bàn huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Nơi đây hiện đang có hơn 3.000 phạm nhân gồm nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi.

Đại tá Lê Trọng Ngà, Phó Giám thị Trại giam Đắk Trung cho biết, đa số phạm nhân được đưa đến Trại giam Đắk Trung đều chưa có nghề nghiệp. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Công an và lãnh đạo Cục 10, Ban Giám thị Trại giam Đắk Trung đã tổ chức đào tạo nhiều nghề thiết thực, phù hợp cho phạm nhân.

Theo NGUYỄN THẢO (TPO)

Có thể bạn quan tâm

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 1: Chiến thắng Đức Lập trong ký ức của một cựu binh

30/4 năm nay đánh dấu mốc chặng đường 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Để có được niềm hạnh phúc cho ngày thống nhất ấy, không biết bao nhiêu công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.

Các cựu tù nhân xem lại những bức hình thời họ bị địch giam cầm

Có một nhà tù “độc nhất vô nhị” trên thế giới Kỳ II - Đấu tranh bất khuất diệt ác, trừ gian trong nhà tù

80% trong số tù nhân thiếu nhi ở Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt là những chiến sỹ lực lượng vũ trang, du kích, võ trang chính trị trên khắp toàn miền Nam. Chính vì vậy, các anh chị đã được tôi rèn bản lĩnh can trường, bất khuất và dồi dào kinh nghiệm đấu tranh.