Tây Nguyên hiện gồm có 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Vùng Tây Nguyên luôn được Đảng, Nhà nước xác định có vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng. “Phên dậu phía Tây của Tổ quốc” có tổng diện tích tự nhiên 54.548 km², dân số năm 2025 hơn 6 triệu người với nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 40%. Vùng đất đỏ bazan có khí hậu khá tương đồng, đất đai màu mỡ, thích hợp cho phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày, có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả…
Đặc biệt, với khoảng 1 triệu ha đất đỏ bazan hơn 3 triệu ha rừng, chiếm 35,7% diện tích rừng cả nước, Tây Nguyên được xác định là vùng nguyên liệu rộng lớn, giàu tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp chế biến (nông-lâm sản). Cùng với đó, Tây Nguyên cũng là vùng có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế rừng, khai thác và chế biến khoáng sản, năng lượng tái tạo, phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc bản địa phong phú và đa dạng…
Nếu sau năm 1975 trên 80% dân số nghèo đói, lạc hậu, mù chữ thì nay điện đường trường trạm đã về khắp các buôn làng. Đói, đau bệnh tật dần được đẩy lùi, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm hẳn, trong đó Đắk Lắk hộ nghèo còn khoảng 3%, Lâm Đồng hộ nghèo chỉ còn hơn 1%. Nhiều địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới. Các loại cây trồng chủ lực như cà phê, cao su, chè, sầu riêng, mía đường… đã làm hồi sinh nhiều vùng đất khô cằn do chiến tranh tàn phá.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung tự hào: Sau ngày giải phóng, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh chung sức, đồng lòng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống, trấn áp lực lượng phản động FULRO và các tổ chức phản động khác, bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ tỉnh đã vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, phát huy nội lực của địa phương, cải tạo các thành phần kinh tế, chuyển đổi quản lý trong nông nghiệp, hình thành kinh tế hợp tác trên các lĩnh vực; triển khai thực hiện tốt 3 chương trình kinh tế lớn (lương thực-thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu); nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tích cực chủ động hợp tác và kêu gọi đầu tư; đẩy mạnh đổi mới toàn diện, từng bước hội nhập, tạo ra những lợi thế để phát triển tỉnh nhà. Nhờ đó, tốc độ nền kinh tế tăng trưởng khá.
Đến Tây Nguyên bây giờ, những vùng đất là chiến địa ác liệt xưa đã được phủ xanh bởi bạt ngàn cà phê, cao su, hồ tiêu. Hiện vùng Tây Nguyên có gần 610.000 ha cà phê (chiếm 90% diện tích cà phê cả nước); hồ tiêu có 90.000 ha (chiếm hơn 60%); điều có 83.000 ha (chiếm 28%); cao su hơn 250.000 ha (chiếm 26%); bơ có 2,8 nghìn ha (chiếm hơn 82%); sầu riêng có 12,6 nghìn ha (chiếm 34%); vùng rau, hoa tại Lâm Đồng có hơn 30% diện tích được sản xuất theo hướng công nghệ cao...
Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung một số sản phẩm chủ lực, là vùng chuyên canh lớn cây công nghiệp, cây ăn quả, góp phần quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước. Từ một vùng đất đầy tàn tích chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần đoàn kết, chăm lo lao động sản xuất của Nhân dân các dân tộc nơi đây, Tây Nguyên bây giờ đã khoác trên mình một màu xanh mới của ấm no, trù phú.
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 4 diễn ra ngày 2-1-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (nay là Phó Thủ tướng Chính Phủ), Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng cho rằng: Kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên có bước tăng trưởng đáng kể trong những năm qua, nhất là trong năm 2024, một số chỉ tiêu quan trọng của Vùng tăng so với các năm trước. Tốc độ tăng GRDP của Vùng đạt 4,6%, quy mô GRDP đạt 484,6 ngàn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 78,5 triệu đồng/năm, tăng 16% so với năm 2023. Cơ cấu kinh tế vùng chuyển dịch tập trung vào phát triển các thế mạnh của vùng là nông-lâm nghiệp và dịch vụ, tỷ trọng của 2 khu vực này trong năm 2024 đạt khá: nông, lâm nghiệp 37,2%, dịch vụ 37,15%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vùng Tây Nguyên đạt 32.451 tỷ đồng, tăng 1,7% so với dự toán Trung ương giao…
Ðể mở đường lớn cho Tây Nguyên phát triển, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, đường lối đầu tư để Tây Nguyên vươn mình ra biển lớn. Theo chủ trương của Bộ Chính trị, đến năm 2030, Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số...
Bên cạnh dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột được kỳ vọng khi đưa vào vận hành sẽ giúp Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên mở cánh cửa hướng biển lớn thì Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) cũng mang sự mệnh tương tự. Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi khi dự án này được Quốc hội thông qua, bởi theo ông, “đây là con đường mơ ước, con đường nghĩa tình” mà nhân dân rất mong đợi. Đồng thời cũng là con đường chiến lược về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Đắk Nông nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.
Đặc biệt, mới đây, Bộ Xây dựng đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku. Tuyến cao tốc được kỳ vọng sẽ mở rộng quy mô liên kết vùng, phát huy lợi thế của vùng sản xuất và chế biến các sản phẩm nông-lâm nghiệp với khu vực kinh tế biển cung cấp các dịch vụ logistics và vận tải biển.
Bên cạnh việc đầu tư mở các tuyến đường, cao tốc huyết mạch, đến nay, toàn vùng có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, thuận lợi trong giao thương, đi lại của người dân. Cùng với đó, khu vực Tây Nguyên có 3 cảng hàng không (Liên Khương-Lâm Đồng, Buôn Ma Thuột-Đăk Lăk và Pleiku-Gia Lai) có tầm quan trọng đặc biệt về an ninh-quốc phòng, kinh tế và cũng được quy hoạch mở rộng về quy mô hứa hẹn đóng góp quan trọng vào sự phát triển của vùng Tây Nguyên.
Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12-4-2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý sau sáp nhập, cả nước có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó dự kiến hợp nhất tỉnh Gia Lai và Bình Định, tỉnh Kon Tum hợp nhất với Quảng Ngãi, Đắk Lắk hợp nhất với Phú Yên, Đắk Nông, Ninh Thuận hợp nhất với Lâm Đồng. Nếu thực hiện Nghị quyết này không gian phát triển của địa bàn Tây Nguyên sẽ rộng hơn và ước mơ có biển của người dân Tây Nguyên đã thành hiện thực. Khi ấy, không gian phát triển của khu vực Tây Nguyên sẽ được mở rộng.
Việc kết hợp hai địa phương sẽ kết nối xuyên suốt hành lang kinh tế Đông-Tây từ cửa khẩu Lệ Thanh nối Campuchia kéo dài tới cảng Quy Nhơn, tạo thành trục phát triển mới cho khu vực. Điều này cũng tương tự nếu sáp nhập các tỉnh khác trong vùng như Quảng Ngãi-Kon Tum, Đắk Lắk-Phú Yên, Đắk Nông, Ninh Thuận-Lâm Đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Gia Lai hồi đầu năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Để Gia Lai trở thành tỉnh khá của khu vực Duyên hải Miền Trung-Tây Nguyên, trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, phong phú, đặc sắc về vốn văn hóa, bền vững về mặt xã hội và môi trường, đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, Gia Lai cần lưu ý một số giải pháp trọng tâm.
Trong đó, Gia Lai cần bám sát vào các Nghị quyết của Trung ương, các quy hoạch và chiến lược đã được duyệt, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế Gia Lai một cách sâu sắc, toàn diện dựa trên 3 trụ cột chính. Cụ thể, phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lọc dựa trên nền tảng lợi thế so sánh vượt trội của địa phương như công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng; phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững có chất lượng và khác biệt, mang bản sắc của Tây Nguyên, đưa Gia Lai thành điểm đến hấp dẫn, đóng góp vào thương hiệu du lịch Việt Nam.
Ngoài ra, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai được xác định là có vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng, cần gắn chặt phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, an ninh biên giới, ngăn chặn hiệu quả hoạt động xâm nhập, buôn lậu, tội phạm xuyên biên giới. Chủ động nắm chắc tình hình, đề cao cảnh giác trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tăng cường bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh tôn giáo, an ninh kinh tế, an ninh mạng, bảo vệ bí mật Nhà nước.
