Kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)

E-magazine Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Sinh Hưởng (người trực tiếp chỉ huy Đại đội xe tăng 9, Trung đoàn 273, mũi thọc sâu đánh vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy tại Buôn Ma Thuột) vẫn còn nguyên những ký ức ngày tiến vào giải phóng “trái tim” của Tây Nguyên. Sau các hoạt động nghi binh thu hút địch lên hướng Bắc, từ ngày 4-3-1975, bộ đội ta bước vào tác chiến tạo thế, chặt đứt giao thông địch trên trục đường 19 và 21, chia cắt chiến lược các tập đoàn địch ở Tây Nguyên và đồng bằng. Ngày 8-3, Sư đoàn 302 diệt cứ điểm Cẩm Ga, chiếm giữ đường 14, chia cắt chiến dịch quân địch ở Bắc và Nam Tây Nguyên. Từ 9 đến 10-3, chính thức bước vào tác chiến chiến dịch, Sư đoàn 10 tiêu diệt căn cứ Đức Lập. Ngày 10-3, Sư đoàn 316, Trung đoàn 95b, Trung đoàn 198 đặc công đồng loạt mở 5 mũi tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Sau hơn một ngày chiến đấu quyết liệt, trưa 11-3, quân ta đã giải phóng thị xã. Từ ngày 14 đến 18-3, Sư đoàn 10, Trung đoàn 25 tấn công lực lượng địch đổ bộ trực thăng trên đường 21, Đông Bắc thị xã Buôn Ma Thuột, tiêu diệt Sư đoàn 23 và Liên đoàn biệt động quân 21, đập tan ý đồ phản kích của địch.

Bước ra khỏi chiến tranh, Buôn Ma Thuột bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn, đường sá hư hỏng, nhà cửa thưa thớt, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn An Vinh-nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, thời điểm đó là Phó ban Thường trực Ban sản xuất tỉnh, Chánh Văn phòng của UBND cách mạng tỉnh kể lại: “Chiều 11-3-1975, tôi là thành viên của đoàn dân-chính đi tiếp quản thị xã. Khung cảnh lúc bấy giờ, hầu hết người dân sơ tán, chạy loạn khắp nơi”.

Hoang tàn là thế nhưng sau 50 năm, tỉnh Đắk Lắk nói chung và TP. Buôn Ma Thuột nói riêng đã trở thành trung tâm kinh tế-xã hội của Tây Nguyên. Là người trực tiếp chỉ huy đơn vị mở đường đưa phương tiện, vũ khí, máy móc trang thiết bị từ Bắc Tây Nguyên sang Nam Tây Nguyên để làm nên chiến thắng Buôn Ma Thuột, sau đó cùng đơn vị tham gia xây dựng các công trình góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Đắk Lắk, hơn ai hết Anh hùng lao động Lê Xuân Bá (tổ 8, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470, Binh đoàn 12) nhận thấy rõ rệt sự đổi thay trên vùng đất này. Trong chiến tranh, ông và đồng đội là những người lính công binh vừa cầm súng, vừa cầm cuốc, thuổng để mở những con đường phục vụ cho chiến dịch. Khi Tây Nguyên giải phóng, ông lại bắt tay vào việc kiến thiết, xây dựng lại vùng đất này.

Anh hùng lao động Lê Xuân Bá (tổ 8, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470, Binh đoàn 12) chia sẻ về thời chiến.

Lật những kỷ vật thiêng liêng, hồi ức về những ngày xưa cũ chợt hiện về trong ông: “Sau giải phóng, Buôn Ma Thuột nói riêng và Tây Nguyên nói chung còn nghèo lắm, điện thắp sáng chưa đủ, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Ngày 30-4-1984, sau 9 năm sau giải phóng, chúng tôi lại bắt tay vào thi công công trình thủy điện Dray H’linh (lớn nhất Tây Nguyên lúc bấy giờ). Suốt 6 năm thi công, những người lính Sư đoàn 470 đã bám trụ kiên cường, khắc phục mọi khó khăn, chinh phục được dòng sông Sêrêpốk làm nên công trình thủy điện lớn đầu tiên ở Tây Nguyên”-ông Lê Xuân Bá hồi tưởng.

huong-1-2827.jpg

Đi trên con đường Mai Hắc Đế, khu đô thị sầm uất rợp bóng cây xanh, cựu chiến binh Đoàn Sinh Hưởng hồi tưởng: Trước năm 1975, thị xã Buôn Ma Thuột chỉ có diện tích trên 25km2 với dân số trên 70.000 người. Đến nay, Buôn Ma Thuột đã mở rộng phát triển với diện tích tự nhiên trên 377km2 với hơn 380.700 người sinh sống. Khi chúng tôi tiến quân vào giải phóng Buôn Ma Thuột, nơi đây dân cư thưa thớt, nhà cửa của người dân tạm bợ, chủ yếu là công sự, khu đóng quân của ngụy quyền, đời sống của người dân hết sức khó khăn. Nhưng 50 năm sau ngày giải phóng, những con được như Mai Hắc Đế, Ngã 6 đã thay da đổi thịt, nhà cửa khang trang, đời sống của người dân được nâng lên. Chúng tôi rất vui và tự hào vì mồ hôi và máu xương máu của đồng chí, đồng đội đã đổ xuống để giờ đây, vùng đất này bát ngát cà phê, hồ tiêu, sầu riêng và cây xanh.

Quá trình đô thị hóa, TP. Buôn Ma Thuột vẫn đặc biệt chú trọng đến bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc cũng như phát triển cây xanh, không gian đô thị. Quỹ đất dành cho cây xanh tự nhiên luôn được bố trí trong từng khu vực quy hoạch, với các tiêu chí hướng đến một đô thị loại I cấp vùng. TP. Buôn Ma Thuột đang bảo lưu, giữ gìn hơn 5.700 ha đất cây xanh có sẵn, chăm sóc gần 4.000 ha đất cây xanh mới phát triển và quy hoạch mở rộng, đầu tư thêm gần 1.100 ha đất cây xanh. Mở rộng ra vùng vành đai bên ngoài, gồm rừng tự nhiên và các mảng cây xanh công nghiệp, rừng trồng, rừng tái sinh thuộc địa bàn các huyện phụ cận, khu vực Buôn Ma Thuột phủ xanh hơn 26.800 ha, bảo đảm mật độ hơn 10m2 cây xanh/đầu người.

Cảm nhận được sự thay đổi trên quê hương mình, ông Tô Tấn Tài (Ama H’Oanh)-nguyên Bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Chúng tôi tự hào lắm, những khu vực trước đây là đồn, bốt, công sự của địch thì nay đã trở thành những khu đô thị văn minh, hiện đại. Những con đường đất trong chiến tranh chúng tôi phải luồn sâu đánh địch thì nay trở thành những đại lộ, những khu dân cư trù phú".

Nói về sau 50 năm hàn gắn vết thương chiến tranh, từ một tỉnh nghèo nàn lạc hậu đã chuyển mình mạnh mẽ, ông Nguyễn Đình Trung-Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk-cho biết: Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp-xây dựng. Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, liên vùng, phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung… hình thành các khu vực, lĩnh vực, ngành kinh tế động lực, làm đầu tầu nhằm tạo lan tỏa, kéo theo sự phát triển ở các khu vực lân cận. Nếu như năm 2022, chỉ số thương mại điện tử của Đắk Lắk xếp thứ 18 toàn quốc thì đến năm 2024 đã có 1.715 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử và 42.933 giao dịch trên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 5 toàn quốc. Năm 2024, tỉnh dẫn đầu Tây Nguyên về kim ngạch xuất khẩu, đạt 1.853 triệu USD tại hơn 70 thị trường, kể cả Hoa Kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 111.323 tỷ đồng.

mot-con-duong-tai-tp-buon-ma-thuot-ruc-ro-sac-do-cua-co-do-sao-vang.jpg
TP. Buôn Ma Thuột trở thành đầu tàu kinh tế của Tây Nguyên.

Xác định vị trí chiến lược quan trọng của TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đối với vùng Tây Nguyên và cả nước, ngày 16-12-2019 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 67-KL/TW về “Xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 72/2022/QH15 ngày 15-11-2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP. Buôn Ma Thuột hướng đến xây dựng và phát triển thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng, là cực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên về du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo… là đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc.

Đến nay, tỉnh Đắk Lắk có tổng diện tích cây trồng khoảng 679.000 ha, gồm 320.000 ha cây trồng hàng năm và trên 350.000 ha cây trồng lâu năm, trong đó với nhiều loại cây trồng đứng đầu cả nước như cà phê khoảng 212.000 ha, sầu riêng trên 32.000 ha, lúa trên 115.000 ha/năm và bắp khoảng 90.000 ha... Tiến sĩ Trần Ngọc Thanh-Viện trưởng Viện Nông nghiệp và PTNT Tây Nguyên, Trường đại học Đông Á-cho rằng: “Nhiều mô hình phát triển kinh tế của Đắk Lắk trở thành biểu tượng của nông nghiệp, công nghiệp Tây Nguyên như: trang trại sản xuất nông nghiệp hữu cơ có chứng nhận quốc tế của Công ty TNHH nông nghiệp Nhất Thống với diện tích 230 ha; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất cà phê với quy trên 400 ha; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích trên 107 ha; trên 29 ngàn ha cà phê của tỉnh đã áp dụng sản xuất theo chứng nhận bền vững như 4C, UTZ, RA, FLO…

Đắk Lắk thay đổi từng ngày.

Hiện nay, Đắk Lắk đang tập trung xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia, xây dựng đô thị thông minh cũng như thu hút dự án đầu tư về lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản. Thành phố huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hình thành cơ bản diện mạo đô thị trung tâm vùng, phấn đấu đến năm 2045 xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy vai trò trung tâm phát triển kết nối vùng Tây Nguyên trong tất cả các lĩnh vực. Trong đó, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột thực sự là đô thị trung tâm, là cửa ngõ của vùng Tây Nguyên, hội nhập với kinh tế quốc tế, là thành phố xanh-sinh thái-thông minh-bản sắc, hình mẫu về một đô thị mà trong đó gắn với văn hóa và tự nhiên.

“Tôi mong muốn và tin tưởng rằng với vị trí, vai trò của tỉnh Đắk Lắk là trung tâm liên kết, điều phối và cực tăng trưởng chính của vùng Tây Nguyên, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh sẽ phát huy tinh thần chiến thắng Buôn Ma Thuột bất diệt, tiến bước vào kỷ nguyên mới, phát triển phồn vinh, ấm no và hạnh phúc"-Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

ten.jpg

Có thể bạn quan tâm

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 1: Chiến thắng Đức Lập trong ký ức của một cựu binh

30/4 năm nay đánh dấu mốc chặng đường 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Để có được niềm hạnh phúc cho ngày thống nhất ấy, không biết bao nhiêu công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.