Làng Ktăng: Những ngày nuôi giấu cán bộ cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, người dân làng Ktăng (xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn thường nhắc nhớ về những năm tháng nuôi giấu cán bộ cách mạng giữa lòng địch. 

Trong câu chuyện của họ không chỉ có cảnh chiến tranh ác liệt, những hy sinh thầm lặng mà còn là tình quân dân thắm thiết và niềm tin son sắt về ngày toàn thắng.

Vượt núi tiếp tế cho bộ đội

Ở tuổi 72, ông Gâu như cây đại thụ vững chãi của làng Ktăng. Mái tóc bạc phủ trên vầng trán cao, đôi mắt ông sáng bừng khi nghe ai đó nhắc về một thời trồng lúa, trồng mì... tiếp tế cho bộ đội.

“Năm 15 tuổi, tôi tham gia du kích. Với vai trò là Tiểu đội phó Tiểu đội du kích làng Ktăng, tôi cùng 14 nam thanh niên khỏe mạnh có nhiệm vụ tham gia tự vệ mật, liên lạc, canh gác, theo dõi hoạt động của địch và tiếp tế, bảo vệ bộ đội. Bộ đội ta thường đóng quân trong rừng. Do vậy, mỗi khi có cán bộ đến làng, du kích báo để bà con đóng góp lương thực nuôi cán bộ. Làng cách khu rừng không xa. Ban ngày, chúng tôi ở rừng canh gác, liên lạc; còn ban đêm thì vạch núi, dẫn đường cho bộ đội trở về làng để tổ chức họp, sinh hoạt, gặp gỡ bà con”-ông Gâu hồi nhớ.

Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào phá ấp chiến lược diễn ra liên tục trong trạng thái giằng co. Ấp chiến lược được xem là gọng kìm, nắm dân và truy lùng cán bộ cách mạng. Địch dồn-ta chống, địch lập ấp-ta phá ấp... Lúc bấy giờ, tinh thần phá ấp chiến lược của người dân làng Ktăng rất quyết liệt và được coi là điển hình. Cả 4 lần bị địch dồn vào ấp, người dân đều tổ chức trốn chạy về làng cũ.

Ông Gâu kể: Làng Ktăng hồi ấy chỉ có khoảng 30 hộ người Bahnar nhưng là làng kháng chiến trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Dù cuộc sống vô cùng cơ cực, thiếu thốn đủ bề, lại thường xuyên bị địch càn quét, đốt phá nhà cửa, triệt phá hoa màu... nhưng dân làng vẫn kiên cường bám trụ. Ai cũng xác định phải ở lại làng để còn tiếp tế cho bộ đội, cùng chống giặc.

11-9992.jpg
Ông Gâu bồi hồi lật giở từng trang sử hào hùng của làng Ktăng. Ảnh: T.D

Tiếp lời ông Gâu, ông Pyâm trầm ngâm nhớ lại: “Năm 1970, tôi vừa tròn 14 tuổi. Ngày ngày, tôi theo bố và bà ngoại giã gạo, bẻ bắp về bỏ trong những chiếc gùi nhỏ và gửi du kích xã mang lên rừng cho bộ đội. Nhà ai có ít thì gửi ít, có nhiều gửi nhiều. Tất cả đều diễn ra trong âm thầm, lặng lẽ. Rồi khi địch đưa từng nhóm nhỏ vào tra hỏi về cán bộ cách mạng, dân làng đều chỉ lắc đầu và bảo “không biết”. Già, trẻ, gái, trai đều thuộc lòng câu nói ấy, không một ai dao động trước sự đàn áp của bọn giặc”.

22-5065.jpg
Ông Pyâm (làng Ktăng) hăng say lao động góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Ảnh: T.D

Cũng từng theo mẹ lên phía bìa rừng đưa cơm cho du kích, bà Mai kể lại: Sau mỗi đêm giã gạo, sáng hôm sau, tôi được mẹ dắt theo băng qua rẫy lúa để về phía bìa rừng. Trong gùi của mẹ chỉ có cơm trắng, tôi thắc mắc thì mẹ bảo, nếu gặp địch chúng ta có thể đánh lừa chúng là mang cơm đi làm rẫy để ăn. Còn nếu là gạo, chúng sẽ biết là mình đi tiếp tế cho cách mạng. Có những ngày, mẹ gùi cơm 2 lần. Rồi những hôm mẹ bận việc rẫy, tôi là người được mẹ giao nhiệm vụ đưa cơm.

Nhằm tách làng Ktăng ra khỏi địa bàn, năm 1970, địch đã dồn dân vào ấp Kồ (xã Trang). Nhưng chỉ được 1 tuần, dân làng lại phá ấp chạy về. “Lòng chúng tôi luôn hướng về cách mạng nên sẽ tìm cách tiếp tế cho cán bộ, bộ đội. Bà con cần cù, chịu khó trồng nhiều lương thực; du kích tìm cách đưa cơm, gạo từ trong làng ra rừng để nuôi bộ đội. Du kích chúng tôi thuộc lòng từng đường đi, lối về nhưng phải quyết tâm không để lại dấu vết. Đầu năm 1973, trong một lần bị lộ dấu vết, du kích Kxip (bố của ông Pyâm) bị địch bắt. Từ đó, chúng tôi phải tìm một vài con đường khác để lên rừng tiếp tế cho bộ đội”-ông Gâu nói.

Về làng mừng ngày toàn thắng

Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, người dân làng Ktăng càng gắn bó mật thiết với cán bộ cách mạng hơn. Bà con dành từng nắm gạo, hạt muối, củ khoai, bó rau rừng, vượt qua mọi sự kiểm soát của kẻ thù để nuôi giấu cán bộ cách mạng. “Trong làng, bọn tay sai thường đi giám sát hành động của bà con. Nhưng dù thủ đoạn của kẻ địch có nham hiểm đến đâu cũng không làm lung lay tinh thần và dập tắt ý chí cách mạng của chúng tôi, mà chỉ gây thêm lòng căm thù và khát khao giành độc lập dân tộc”-ông Gâu quả quyết.

Sau nhiều lần dồn dân, lập ấp bất thành, đầu năm 1974, địch bất ngờ đổ quân vây bắt người dân làng Ktăng. Chúng trói từng người và nối thành từng xâu đưa về quận Lệ Trung (nay là xã Nam Yang và xã Tân Bình, huyện Đak Đoa). Sau đó, chúng đưa toàn bộ dân làng lên Nhà lao Pleiku giam giữ. Ông Pyâm trầm giọng kể: “Vào khoảng 7 giờ sáng, khi bà con đang chuẩn bị lên rẫy lúa thì địch bất ngờ tràn vào làng. Chúng bắt bớ người vô cớ, trói người già, trẻ nhỏ. Trước đó, bố tôi đã bị địch bắt vì phát hiện ông là du kích. Gia đình chỉ còn lại bà ngoại và 2 chị em tôi. Lúc bị trói, nhìn thấy ngôi nhà sàn nhỏ của mình bị địch đốt cháy, lòng tôi chỉ còn nỗi căm hờn và tự nhủ phải kiên cường chờ đến ngày đoàn tụ”.

33-472.jpg
Làng Ktăng (xã Kdang, huyện Đak Đoa) ngày càng khang trang, khởi sắc. Ảnh: T.D

Khắc sâu mãi trong tâm khảm hình ảnh người làng bị bắt, nhà cửa, ruộng vườn bị địch đốt sạch chỉ trong một buổi sáng, ông Gâu không khỏi bùi ngùi. Ông nhớ lại: Trong số 60 người bị địch bắt có tới 30 trẻ nhỏ. Làng còn khoảng 60 người kịp trốn lên rừng. Bị bất ngờ, lại sợ địch giết hại dân làng nên dù có súng trong tay, anh em du kích cũng không thể nào bắn lại. Địch trói những người bị bắt thành từng xâu và dẫn về quận Lệ Trung. Không ai nói với ai nhưng tất cả chúng tôi đều một lòng tin vào Đảng, vào cách mạng. Chúng tôi tin rằng nếu không chịu khuất phục trước kẻ thù, tiếp tục kiên cường đấu tranh thì bà con sẽ sớm được trở về làng.

Vậy nên, trong thời gian bị giam cầm, dân làng liên tục đấu tranh đòi về làng cũ. Những cuộc đấu tranh của dân làng Ktăng cũng đã có tiếng vang lớn ở thời điểm đó. Đến đầu năm 1975, bà con được thả về làng cũ. Đó cũng là lúc cuộc cách mạng của chúng ta toàn thắng, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất.

nhung-ngay-thang-4-lich-su-san-nha-cua-ong-gau-ao-trang-luon-ron-rang-boi-nhung-cau-ve-nam-khang-chien-chong-my-hao-hung-cua-nguoi-dan-lang-ktang-anh-td.jpg
Những ngày tháng Tư lịch sử, sân nhà của ông Gâu (áo trắng) luôn rộn ràng bởi những câu chuyện về những năm kháng chiến chống Mỹ hào hùng. Ảnh: T.D

Ngày trở về làng, niềm vui trong ông Pyâm như được nhân lên gấp bội bởi bố ông cũng được thả về. “Chiến tranh kết thúc, chúng tôi may mắn được trở về làng, đoàn tụ với người thân và tiếp tục xây dựng quê hương. Bố tôi là một du kích kiên cường. Tôi tự hào vì điều đó và nguyện tiếp nối tinh thần yêu nước, yêu dân của bố cũng như lớp cha anh để hăng say lao động sản xuất, chung tay cùng bà con đưa làng Ktăng ngày càng phát triển”-ông Pyâm tự hào chia sẻ.

Nhớ về khoảnh khắc đoàn tụ với bố mẹ, xóm làng, ông Mơt bày tỏ: “Tôi tham gia bộ đội và cầm súng đánh giặc trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ. Vì thế, khi hay tin làng mình bị giặc đốt phá, tôi lo lắng rất nhiều. Lòng căm thù đã thôi thúc tinh thần chiến đấu trong tôi. Sau ngày giải phóng, tôi quay trở về làng và gặp lại người thân trong niềm xúc động. Những ngày đầu trở về, chúng tôi đã đốt lửa thâu đêm để ngồi bên nhau trò chuyện. Có biết bao câu chuyện từ những ngày vượt núi nuôi giấu bộ đội đến những ngày đón nhận niềm vui toàn thắng”.

Cùng chúng tôi cảm nhận về câu chuyện lịch sử qua lời kể của người làng, ông Xuin-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ktăng-bày tỏ: “Là thế hệ đi sau, tôi lớn lên đã nghe được nhiều điều về chuyện người làng Ktăng tin vào Đảng, vào cách mạng, nuôi giấu, che chở cán bộ. Từ trong gian khổ ác liệt, bà con đã bám trụ và có nhiều đóng góp cho cách mạng. Ngôi làng kháng chiến năm xưa giờ đây đã thay da đổi thịt với nhà cửa khang trang, điện-đường-trường-trạm kiên cố, đời sống người dân khởi sắc từng ngày. Năm 2024, làng Ktăng đã được UBND huyện Đak Đoa công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”.

Có thể bạn quan tâm

Tự hào là người Việt Nam

Tự hào là người Việt Nam

(GLO)- Càng đến gần lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), không khí trên khắp mọi miền Tổ quốc lại càng thêm rộn ràng, náo nhiệt. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay. Gương mặt mỗi người con đất Việt cũng ánh lên niềm tự hào.

Tri ân và tiếp lửa truyền thống

Tri ân và tiếp lửa truyền thống

(GLO)- Đúng với tinh thần tri ân và tiếp lửa truyền thống, buổi gặp mặt những người trực tiếp tham gia giải phóng tỉnh Gia Lai và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 do Ban Thường vụ Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh tổ chức vào sáng 22-4 đã trở thành nhịp cầu gắn kết giữa quá khứ và hiện tại.