Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Nơi ghi dấu trận đầu thắng Mỹ ở Tây Nguyên

Thung lũng Ia Drăng ngày nay thuộc địa phận làng Goòng, xã Ia Púch, huyện Chư Prông. Nơi này có những khu rừng khộp tự nhiên nằm ở phía Đông Nam dãy núi Chư Prông (còn gọi là Chư Pông). Vị trí này cách TP. Pleiku khoảng 70 km, giáp biên với huyện Lumphat, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia.

Khu vực thung lũng có khí hậu khắc nghiệt “nắng lên là hạn hán, mưa xuống là ngập nước”, địa hình rừng núi hiểm trở. Đặc biệt, đỉnh núi Chư Prông cao 732 m, cao nhất nơi vùng biên giới này. Chính vì vậy, quân đội Mỹ đã huy động lực lượng quyết chiến đến cùng để chiếm giữ đỉnh núi có ý nghĩa chiến lược này. Song, ý đồ đó của chúng đã bị thất bại ê chề.

Bác sĩ Hoàng Viết Hữu (tổ 2, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) kể: Năm 19 tuổi, ông nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Sau thời gian ngắn huấn luyện ở huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa), đơn vị của ông nhận lệnh hành quân vào Tây Nguyên. Chiều tối 13-11-1965, đơn vị đóng quân dưới tán rừng già ở thung lũng Ia Drăng, ngay dưới chân ngọn Chư Prông.

“Sáng sớm 14-11-1965, chúng tôi bất ngờ bị địch pháo kích. Sau những đợt pháo kích là những đợt máy bay B-52 thả bom, rồi địch đổ bộ tấn công dữ dội. Đơn vị chúng tôi phối hợp với các đơn vị bạn đánh trả quyết liệt và giành thắng lợi. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-Bí thư Trung ương Cục miền Nam đã tuyên dương, tặng Huân chương Quân công hạng nhất cho tập thể Trung đoàn 66 và danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú” cho những cá nhân lập chiến công xuất sắc”-ông Hữu cho biết.

11-1281.jpg
Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm (người đi đầu)-Trưởng ban liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 1 khảo sát tại di tích lịch sử Chiến thắng thung lũng Ia Drăng năm 1965. Ảnh: H.B.T

Chiến sự ở thung lũng Ia Drăng diễn ra từ ngày 14 đến 17-11-1965. Kết thúc trận đánh, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 300 tên địch, làm bị thương 246 tên, thu giữ nhiều vũ khí tối tân. Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đánh giá: Trận chiến trong thung lũng Ia Drăng là trận đầu thắng Mỹ ở Tây Nguyên, chứng minh ta phá hủy chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng, đánh bại những đơn vị tinh nhuệ nhất của Mỹ-ngụy trong Chiến tranh cục bộ ở miền Nam.

Tự hào với chiến thắng này, bà Rơ Lan H’Chiểu-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chư Prông-cho biết: “Lãnh đạo huyện Chư Prông quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là trường học tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc nói chung, của địa phương nói riêng. Đồng thời, xúc tiến quy hoạch 3 ha đất ở bên quốc lộ 14C, dưới chân núi Chư Prông, thuộc làng Goòng (xã Ia Púch) làm khu di tích lịch sử Chiến thắng thung lũng Ia Drăng năm 1965”.

“Thay da, đổi thịt”

Thung lũng Ia Drăng bây giờ vẫn còn nhiều dấu tích bom đạn thời chiến tranh. Tuy vậy, theo thời gian, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nơi đây đã có nhiều đổi thay. Tuyến quốc lộ 14C, tỉnh lộ 663, đường liên xã, liên thôn, đường vào các khu sản xuất đều được đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương. Các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội góp phần làm cho vùng đất chiến trường ác liệt năm nào ngày càng trù phú.

Xã Ia Púch hiện có 1.084 hộ với 4.462 khẩu. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, người dân đoàn kết lao động, xây dựng cuộc sống mới. Hầu hết bà con xây dựng nhà cửa kiên cố, mua sắm các vật dụng và phương tiện phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Nhiều hộ như ông Dương Văn Đức, ông Huỳnh Ngọc Phương (làng Goòng), bà Nguyễn Thị Hoàng Yến (làng Chư Kó)… có thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng/năm, đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Đặc biệt, nhiều hộ người dân tộc thiểu số từ đói nghèo, lạc hậu nhờ được hỗ trợ và chịu khó làm ăn đã vươn lên làm giàu như các ông: Kpui Hoa, Siu Na, Siu Phinh (làng Goòng), Siu Suýt, Kpă Lít, Rơ Mah Hiên (làng Chư Kó), Rah Lan Bi (làng Brang), Siu Bung, Rơ Mah Bít (làng Bỉh)… với thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

cr-ia-puc2.jpg
Hạ tầng giao thông của xã biên giới Chư Prông ngày càng được đầu tư hoàn thiện. Ảnh: H.C

Ấn tượng nhất ở thung lũng Ia Drăng ngày nay là những vườn cao su, cà phê, cây ăn quả xanh tốt bên những khu trang trại nông nghiệp. Chỉ trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp như: Công ty TNHH một thành viên Bình Dương (Binh đoàn 15), Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi bò Trung Nguyên, Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức… đã làm cho gần 10.000 ha đất ở thung lũng Ia Drăng bật lên sức sống mới. Các doanh nghiệp này đang tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 lao động phổ thông, trong đó có hơn 1.000 người ở xã Ia Púch với mức thu nhập 6-10 triệu đồng/tháng.

Ông Lê Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Púch-cho hay: “Các doanh nghiệp còn tích cực tham gia chương trình giảm nghèo tại địa phương. Đến nay, xã Ia Púch đã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới. Xã đang đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp hoàn thành 25 căn nhà giúp các hộ khó khăn về nhà ở trước mùa mưa năm nay. Đồng thời, xã phối hợp với các đơn vị, nhất là Bộ đội Biên phòng tập trung hỗ trợ người nghèo vươn lên, góp phần hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, xứng đáng với truyền thống của xã anh hùng”.

Có thể bạn quan tâm

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: N.Q

Tác nghiệp trên Nhà giàn DK1

(GLO)- Vượt qua hàng trăm hải lý để đến với Nhà giàn DK1 là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người làm báo. Càng đặc biệt hơn đối với tôi khi đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, để thấm thía thế nào là gian khó, thế nào là tự hào.

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

(GLO)- Trong kháng chiến, bên cạnh những người lính cầm súng chiến đấu còn có nhiều phóng viên chiến trường với “vũ khí” là chiếc máy ảnh, cuốn sổ tay, cây bút để ghi lại từng khoảnh khắc của lịch sử. Ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lý Vĩnh Hoa là những nhà báo như vậy.

null