Những ngày này, cả nước hân hoan chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Sống lại với thời khắc lịch sử hào hùng của ngày “đất nước trọn niềm vui”, chúng ta càng thêm tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, để rồi tự nhủ với lòng mình, hãy xứng đáng với thế hệ đi trước trong từng lời nói, việc làm, để giang sơn gấm vóc này mãi mãi yên bình, cường thịnh.
21 năm trường kỳ kháng chiến, 11 giờ 30 phút trưa 30-4-1975, quân giải phóng đã cắm cờ lên nóc Dinh Độc Lập, đặt dấu chấm hết cho chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Đất nước thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà. Đại thắng mùa xuân năm 1975 là thành quả của ý chí dũng cảm, của trí tuệ và sức mạnh đoàn kết dưới ngọn cờ chính nghĩa do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn dắt. Chiến thắng ấy mãi mãi là niềm tự hào dân tộc, là trang sử vàng của đất nước.

Để có được ngày toàn thắng, dải đất hình chữ S này phải mang nặng nỗi thương đau với 850.000 liệt sĩ, hơn 800.000 thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh, 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, 300.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính, 300.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin…
Còn đó những nỗi đau không nói nên lời, những nỗi đau khó có thể chữa lành. Nhắc lại chuyện cũ để nhủ mình không được phép lãng quên, chứ không phải để khắc sâu thù hận. Là dân tộc giàu lòng vị tha, chúng ta biết nén nỗi đau, gác lại quá khứ để cùng nhau hướng tới tương lai.
Nửa thế kỷ hòa bình thống nhất là nửa thế kỷ xây dựng lại non sông từ vỡ vụn chiến tranh. Vượt qua những trở lực từ bên ngoài, dám nhìn nhận những sai lầm nội tại, chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới và đạt được những thành tựu mà 40 năm trước, nhiều người không thể hình dung.
Từ một nước thiếu ăn, Việt Nam đã trở thành nước đi đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu; thứ 2 về gạo, cà phê, da giày; thứ 3 về dệt may, thủy sản; thứ 5 về đồ gỗ; thuộc nhóm 21 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất toàn cầu. Kinh tế phát triển, cuộc sống của người dân ngày càng cải thiện. Năm 2008, chúng ta chính thức ra khỏi nhóm các nước thu nhập thấp. GDP năm 2024 đạt 476,3 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng GDP vượt mức 7%, thu nhập đầu người 4.700 USD/năm.
Từng là cựu thù, từng tuyên bố sẽ đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá, Mỹ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện và tôn trọng thể chế chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Sau gần 40 năm hội nhập, vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được khẳng định khi chúng ta có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 12 nước gồm: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Pháp, Malaysia, New Zealand, Indonesia và Singapore.
Sau nửa thế kỷ dựng xây, Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mới khi xác định lấy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định quyết tâm chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh và quản lý tài nguyên.
Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII vừa kết thúc mới đây khẳng định quyết tâm thực hiện thắng lợi 2 cuộc cách mạng mang tính cải tổ toàn diện đất nước.

Với quyết tâm chính trị chưa từng có, 60-70% đơn vị hành chính cấp xã được tinh gọn; hệ thống chính trị được sắp xếp để không còn chồng chéo chức năng nhiệm vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Hiến pháp, pháp luật sẽ được sửa đổi, mở đường cho việc tinh gọn để cả nước còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hình thành bộ máy kiểu mới với chính quyền địa phương 2 cấp, gần dân, vì dân mà hành động.
Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, nhà nước phục vụ được đặt đúng vị trí trung tâm, thay thế hệ thống hành chính cồng kềnh, chồng chéo, thụ động bằng một nhà nước chủ động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cuộc cách mạng hành chính, nhưng sâu xa hơn, đó là cuộc cách mạng văn hóa tổ chức của cả hệ thống chính trị. Đồng thời xây dựng các “vùng động lực phát triển” liên kết kinh tế-logistics-đổi mới sáng tạo, chấm dứt tình trạng tỉnh nào cũng xin làm đặc khu, sân bay, cảng biển… còn các thành phố trực thuộc Trung ương thì lại muốn sở hữu quy chế đặc thù.
Nói như Tổng Bí thư Tô Lâm: Việc tinh gọn các tỉnh không chỉ đơn thuần là 2 cộng 2 bằng 4, mà phải hơn 4… để tạo ra một động năng mới, tiềm năng mới, không gian phát triển mới. Đây không chỉ là sáp nhập bản đồ, mà là hành động để bản đồ kinh tế Việt Nam hòa nhịp với dòng chảy toàn cầu.
50 năm sau ngày đất nước thống nhất, Nhân dân Việt Nam tiếp tục đồng lòng cùng Đảng trong trận chiến mới, nắm lấy thời cơ phát triển trong kỷ nguyên thịnh vượng.