Cách đây 50 năm, quân dân và các dân tộc ở Tây Nguyên đã cùng nhau làm nên chiến thắng Tây Nguyên, mở đầu cho cuộc tấn công tấn công nổi dậy mùa Xuân 1975 thống nhất đất nước. Sau 50 năm giải phóng, bằng bàn tay, khối óc và tinh thần đoàn kết của Nhân dân các dân tộc nơi đây đã làm xanh lại chiến trường xưa với bạt ngàn cà phê, cao su ngút tầm mắt.
Nhớ lại những ngày tháng chiến đấu trên chiến trường ác liệt này, cựu chiến binh Đỗ Trung Dũng (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, Quân đoàn 34) vẫn không thể quên vùng chảo lửa Tây Nguyên. Ông kể, ngày 31-3-1972, ta tấn công địch ở dãy điểm cao phía Tây bờ sông Pô Cô nhằm tiêu diệt các căn cứ trọng yếu của địch là Đen Ta (điểm cao 1.049 m), Sạc Ly (điểm cao 1.015 m). Trong vòng khoảng 20 ngày, quân chủ lực của ta (nòng cốt là Trung đoàn Bộ binh 64 thuộc Sư đoàn 320A do Trung tá Khuất Duy Tiến chỉ huy) đã phối hợp với quân và dân tỉnh Kon Tum kiên cường chiến đấu, đánh chiếm các căn cứ phòng ngự Sạc Ly và Đen Ta, diệt gọn Tiểu đoàn 11 (Lữ dù 2) và Tiểu đoàn dù 2 của quân lực Việt Nam Cộng hòa, phá vỡ hoàn toàn tuyến phòng ngự phía Tây bờ sông Pô Cô của địch.
Nếu như trong chiến tranh, dãy đồi Sạc Ly từng được gọi là “đồi máu” bởi sự khốc liệt của chiến sự, là hiện diện của chết chóc, thì bây giờ là biểu tượng của sự hồi sinh. Theo nhiều người kể lại, trước năm 1965, dãy Sạc Ly vẫn được bao phủ bởi những cánh rừng, nhưng trong khoảng thời gian 1965-1972, địch đã rải hàng ngàn tấn chất độc hóa học phát quang, diệt trụi cây cối để khống chế đường tiến quân của ta lên đồi, biến Sạc Ly thành vùng đất chết.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được nghe kể về hành trình “phủ xanh” nơi vùng chiến địa này. Đó là giữa năm 2001, từng dòng người hăm hở ngày đêm phá đá, bạt núi, dọn bom mìn, mở đường tiến lên đồi Sạc Ly. Những người tiên phong khi ấy là các công nhân của Công ty nguyên liệu giấy miền Nam, với quyết tâm “hồi sinh” Sạc Ly từ những mầm thông nhỏ bé. Những giọt mồ hôi, công sức và cả nước mắt không thể kể hết. Những khó khăn, gian khổ của công nhân trồng rừng trên đồi Sạc Ly ngày đầu vỡ đất để phủ dần trên từng mét đất.

Đến nay, khu vực này đã hình thành vùng nguyên liệu giấy với hàng trăm ngàn hecta rừng được mọc lên. Nâng diện tích phủ xanh đồi trọc khu vực đồi Sạc Ly (thuộc các huyện Ngọc Hồi, Đak Tô, Sa Thầy) qua các năm và góp phần nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh Kon Tum đạt trên 63%. Trong đó, Đak Tô phủ xanh được khoảng 1.500 ha rừng, Ngọc Hồi khoảng 1.300 ha và Sa Thầy hơn 1.000 ha rừng thông trên 10 năm tuổi đang vươn mình, che chở cả một vùng đất từng bị bỏ hoang.
Nhắc đến màu xanh trên vùng Đak Tô-Tân Cảnh, mọi người vẫn còn nhớ một thời “thừa bóng nắng, thiếu bóng cây” những ngày đi khai hoang vỡ đất trồng cao su, cà phê và lúa nước. Thượng tá Nguyễn Đức Chung-Giám đốc Công ty 732 (Binh đoàn 15)-chia sẻ: Ngày 20-11-1973, Trung đoàn 732 (Quân khu 5)-tiền thân của Công ty 732 (Binh đoàn 15) được thành lập. Sau khi quân và dân Tây Nguyên đồng loạt tiêu diệt và giải phóng nhiều căn cứ quân sự, làm chủ ngã ba biên giới ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn lúc này là khai phá đất đai, trồng lúa nước, mì… Mục tiêu của đơn vị là sản xuất, cung cấp một phần lương thực, thực phẩm cũng như trung chuyển vật tư, phương tiện vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ chiến trường Bắc Tây Nguyên. Hiện nay, công ty đang chăm sóc và khai thác hơn 2.300 ha cao su và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng an ninh trên địa bàn 31 thôn, làng thuộc các xã: Đăk Kan, Sa Loong, Đăk Sú (huyện Ngọc Hồi) và Rờ Kơi (huyện Sa Thầy).
Dưới chân cầu 42, nơi bãi bồi của dòng Đăk Tờ Kan nay là cánh đồng mía, bắp và hoa tươi. Thế nhưng ít ai biết chỉ cách đây hơn 20 năm, với quyết tâm “vắt đất ra vàng” thì vẫn còn chằng chịt hố bom, đạn. Cách sân bay Phượng Hoàng không xa là trập trùng cao su tiểu điền của người dân. Anh Nguyễn Minh Sắn-một nông dân sống ở Tân Cảnh đã gần 30 năm, là chủ của một trong những vườn cao su ấy, trò chuyện với chúng tôi: “Năm 1988, khi tôi mới 15 tuổi, đã theo chị gái từ Thanh Hóa vào Tân Cảnh lập nghiệp. Hơn 30 năm nhọc nhằn mưu sinh trên quê mới, nơi từng là chiến trường khốc liệt cách đây 50 năm, đời sống của gia đình tôi đã khấm khá lên, không còn cảnh đói khổ như ngày đầu lên vùng đất mới. Không chỉ riêng tôi, bằng bàn tay và khối óc, người dân nơi đây đã biến vùng đất đầy tàn tích chiến tranh trở nên xanh mát với hơn 1.000 ha cao su tiểu điền của nhiều hộ dân”.
Ngã ba Đông Dương, khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), cách đây 50 năm là trọng điểm đánh phá ác liệt của Mỹ và ngụy quân Sài Gòn nhằm cản bước đường tấn công của quân ta. 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa giờ đã được phủ xanh bởi những rẫy cà phê, cao su…
Cửa khẩu quốc tế Bờ Y điểm nối Việt Nam với Lào đã được xây dựng bề thế, khang trang, kết nối tình hữu nghị và trở thành nơi giao lưu kinh tế, văn hóa sầm uất giữa 3 nước Đông Dương. Đặc biệt, kể từ khi khánh thành cột mốc ngã ba Đông Dương (đầu năm 2008)-nơi “một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe” đã trở thành địa điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Ngoài tham quan 1 trong 2 cột mốc đặc biệt ở Việt Nam, các điểm đến hấp dẫn nơi vùng biên này như Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Trường Sơn…
Gặp chúng tôi trong những ngày tháng 4 lịch sử, ông Tạ Quang Phụng-du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh-chia sẻ: “Bản thân tôi rất là vinh dự và tự hào khi lần đầu tiên được đặt chân đến mảnh đất từng chịu nhiều đau thương trong chiến tranh. Mảnh đất, con người nơi đây đã cống hiến, hy sinh máu thịt của mình để góp phần vào thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên, tiến tới đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi thấy ngã ba Đông Dương khung cảnh rất đẹp, hùng vỹ, hai bên đường là những rẫy cà phê, cao su xanh ngút, nhà cửa được xây dựng khang trang, nhịp sống nơi đây khá trù phú”.
Xã Bờ Y trước năm 1990 là vùng biên giới dày đặc bom mìn còn sót lại trong chiến tranh với hơn 1.000 dân sinh sống, nay đã thành một thị tứ ở vùng biên viễn với hơn 10.000 dân sinh sống. Ông Tống Văn Đồng-Chủ tịch UBND xã Bờ Y-cho biết: Từ năm 2000 đến nay, khi Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, hạ tầng khu vực này đã được đầu tư khá mạnh mẽ. Đói nghèo được đẩy lùi, hàng trăm gia đình nơi đây có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ một xã nghèo nàn, lạc hậu và hoang tàn do chiến tranh nay đã hồi sinh mạnh mẽ. Đến nay, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và đang tiếp tục phát huy sức mạnh, củng cố và nâng cao các tiêu chí để hướng đến xã nông thôn mới nâng cao.
Từ lúc còn thiếu niên, bà Y Pan (95 tuổi, làng Đak Mế, xã Bờ Y) đã tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương và được đưa ra Bắc học tập, công tác. Dù không trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh mùa hè đỏ lửa năm 1972 nhưng trong ký ức của bà Y Pan, vùng đất này chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh.
Theo Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi Nguyễn Chí Tường: Với lợi thế là thị trấn ở ngã ba Đông Dương, điểm kết nối hành lang kinh tế Đông-Tây từ Đông Bắc Thái Lan, Campuchia và các tỉnh Nam Lào với các khu kinh tế miền Trung, Kon Tum xác định Ngọc Hồi-Bờ Y là một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh. Những năm qua, Bờ Y-Ngọc Hồi tận dụng lợi thế từ Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế để đẩy mạnh thu hút đầu tư, mở rộng thương mại dịch vụ. Ngoài ra, với lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai rộng lớn, màu mỡ, huyện Ngọc Hồi đã tập trung phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng… Mục tiêu xây dựng Ngọc Hồi trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế cho cả tỉnh Kon Tum.
Đi trên tuyến đường từ Ngọc Hồi về TP. Kon Tum hai bên là những vườn cao su xanh ngát, những ngôi nhà xây kiên cố mọc lên đã phần nào che đi vết thương chiến tranh với bao đau thương mất mát mà vùng đất này đã trải qua. Ôn lại truyền thống anh hùng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, ông Lê Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum-nhấn mạnh: Chiến tranh đã lùi xa 50 năm, nhưng những chiến công oanh liệt gắn với tên đất, tên làng, ngọn núi, con sông và sự cống hiến hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh cho vùng đất này mãi mãi được khắc ghi vào lịch sử của đất nước, của dân tộc. Cùng với cả nước, tỉnh Kon Tum đang vững bước trên con đường đổi mới và phát triển.
“Đây là năm thứ hai liên tiếp tỉnh Kon Tum đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 24 cả nước. Đó là động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nêu cao ý chí tự lực tự cường, ra sức thi đua lao động, sản xuất phát triển kinh tế-xã hội nhằm góp phần tạo tiền đề vững chắc để cùng với Nhân dân cả nước bước vào kỷ nguyên mới-Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...”-Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khẳng định.
