Kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)

E-magazine Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

Năm nay, kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất cũng là dịp ông Đinh Nhiêu (làng Kte Lớn A, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện)-người từng trực tiếp tham gia chiến đấu trên tuyến đường 7 lịch sử đón nhận Huy hiệu 50 tuổi Đảng. Ngồi bên hiên nhà, đôi mắt ông nhìn xa xăm, hồi ức về những ngày tháng Ba lịch sử cách đây nửa thế kỷ hiện về: Đầu năm 1975, với bước phát triển mới cả về thế và lực trên khắp các chiến trường, Đảng ta đưa ra quyết định đánh đòn “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột, khiến địch ở Pleiku hoảng loạn tháo chạy thục mạng.

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Vi Hợi (nguyên chiến sĩ Sư đoàn 320), người trực tiếp tiêu diệt 21 tên địch và bắn cháy 6 xe tăng khi rút chạy khỏi con đường tử thần này nhớ lại: “Chiến tranh qua đi 50 năm, khi trở lại nơi đây, tôi rất tự hào vì mồ hôi, xương máu của đồng đội chúng tôi đổ xuống để vùng thung lũng Cheo Reo ngày nào giờ phát triển giàu đẹp như hôm nay. Cầu cây Sung (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa), nơi chúng tôi phục kích đánh địch giờ đã là đô thị khang trang, nhà cửa sầm uất”-ông Nguyễn Vi Hợi nhắc nhớ.

Bà Ksor H’Soa-nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch HĐND huyện Phú Thiện xúc động kể: “Khi diễn ra các trận đánh trên đường 7-sông Bờ, lúc đó tôi khoảng 18 tuổi. Các đồng chí Nay Pha, Nay Nam, Nay Yom… lúc bấy giờ đã tổ chức tuyên truyền, vận động thanh niên trong làng đánh giặc. Sau đó, theo sự vận động của chính quyền, nhân dân các dân tộc nơi bắt tay vào kiến thiết, xây dựng lại quê hương”.

5 thập niên qua đi, thời gian đã chữa lành những vết thương trên con đường máu lửa năm xưa, những chứng tích dần xóa nhòa. Quốc lộ 25 giờ là một đại lộ thênh thang. Dòng sông Ba như một dải lụa trắng vắt từ dãy Trường Sơn huyền thoại rồi xuôi về các huyện Kbang, An Khê, Đak Pơ, Kông Chro, Ia Pa. Dòng sông chảy dài sát bên cung đường này, góp phần tạo nên những ngôi làng trù phú, những cánh đồng màu mỡ, rồi xuôi ra Biển Đông. Vùng thung lũng Cheo Reo năm xưa giờ trở thành cánh đồng mênh mông với bạt ngàn lúa và ruộng mía xanh mơn mởn.

Xưa, nhắc đến đường 7, người ta thường nghĩ về những đau thương, mất mát, chia lìa bởi chiến tranh; nay nhắc đến con đường huyền thoại này là tên đất, tên làng gợi lên sự đổi thay kỳ diệu của một vùng đất trù phú: Phú Thiện, Ayun Pa, Phú Túc, Đồng Cam, Phú Hòa, Tuy An… Quốc lộ 25 có một vị trí cực kỳ quan trọng bởi đây là con đường huyết mạch nối liền một vùng kinh tế năng động miền Trung với khu vực Bắc Tây Nguyên và cả vùng Đông Bắc Campuchia, Nam Lào. Không chỉ đảm nhiệm vai trò lưu thông, con đường còn là địa chỉ quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam bởi nó gắn liền những di tích lịch sử nổi tiếng một thời.

Sau 50 năm giải phóng, dọc đường 7 (nay là quốc lộ 25) là những ngôi nhà khang trang, kiên cố và những cánh đồng lúa, mía bạt ngàn.

Điểm cuối của quốc lộ 25-đường 7 nằm ở địa phận Gia Lai là huyện Krông Pa kết nối với đường Đông Trường Sơn vừa được khơi thông. Hai con đường huyết mạch này cùng với những tuyến đường liên xã, liên thôn đã tạo sự bứt phá cho khu vực phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai phát triển. Trước đây, 5 xã phía Đông của huyện Krông Pa gồm: Uar, Chư Drăng, Ia Rmok, Ia Hdreh, Krông Năng thường xuyên bị cô lập, chia cắt do mưa lũ thì bây giờ các cây cầu bắc qua sông Ba đã tạo cú hích lớn trong phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương.

Người dân các xã phấn khởi khi không còn tình trạng chia cắt mỗi khi đến mùa mưa bão hay nông sản làm ra không bán được hoặc bị thương lái ép giá vì vận chuyển khó khăn. Ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: Từ nhiều năm nay, cùng với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ tại 5 xã phía Đông sông Ba. Trong đó, hệ thống đường giao thông nông thôn, đường nội đồng ra khu sản xuất được huyện đặc biệt quan tâm thực hiện nhằm giúp các xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao (chiếm trên 80% dân số) có điều kiện phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa.

Sau ngày giải phóng, đường 7 được đổi tên thành quốc lộ 25 và trở thành tuyến giao thông huyết mạch nối Tây Nguyên với vùng duyên hải Trung Trung Bộ, mở cánh cửa cho Tây Nguyên vươn ra biển lớn. Đặc biệt, năm 1992, trong nỗ lực tái thiết sau chiến tranh để thay đổi diện mạo vùng đất cằn cỗi, nghèo đói, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai đã khởi công xây dựng công trình đại thuỷ nông Ayun Hạ. Giấc mơ đưa nước về tưới mát cho vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” không còn là lý tưởng xa vời. Sau 2 năm thi công, năm 1994, hồ nước nhân tạo rộng hơn 37 km² với sức chứa tới 253 triệu mét khối nước bắt đầu phát huy, mở ra một trang mới cho vùng phía Đông Nam tỉnh Gia Lai. Hồ Ayun Hạ phục vụ nước tưới cho hơn 13.500 ha theo thiết kế. Ngoài ra, công trình còn làm nhiệm vụ phát điện 3 nhà máy điện và 1 nhà máy nước sạch (công suất 40.000 m3/ngày đêm).

Từ khi đập hoàn thành, cùng với hệ thống kênh chính Bắc, Nam và mạng lưới kênh mương trải dài, dòng nước Ayun Hạ len lỏi vào từng thửa ruộng, từng cánh đồng của các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa... Những vùng đất từng chỉ biết đến nắng hạn và nghèo khó, nay đã thay vào cánh đồng lúa hai vụ, màu mỡ và trù phú. Hàng ngàn hecta đất được hồi sinh, người dân như vỡ òa cùng những vụ mùa bội thu.

Già làng Ksor Ry (buôn Sô Ma Rơng, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) cho biết: Trước kia, dân làng sống trên vùng đất này rất khổ, đất khô, bạc màu, chỉ trồng được lúa rẫy, mỗi năm một vụ, mà mỗi sào chỉ thu được 1-2 bao thóc. Người dân thiếu ăn thường xuyên, phải ăn cơm độn bắp, sắn. Sau khi có công trình đập Ayun Hạ, những mảnh đất khô cằn ngày nào giờ được phủ bằng màu xanh của cánh đồng lúa nước, bắp, đậu…

Nửa thế kỷ sau ngày giải phóng, đi trên quốc lộ 25, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay của vùng đất này. Từ đèo Chư Sê nhìn xuống, thung lũng Ayun Hạ hiện ra như một bức tranh thủy mặc sống động, nơi sắc xanh trù phú trải dài tận chân trời, những gam màu tươi mới của cuộc sống đang từng ngày thay da đổi thịt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Thiện-cho biết: “Công trình thủy lợi Ayun Hạ hiện cung cấp nguồn nước tưới ổn định cho hơn 12.000 ha cây trồng trên địa bàn huyện Phú Thiện, trong đó có khoảng 8.000 ha lúa hai vụ, năng suất đạt khoảng 8,5 tấn/ha, cùng nhiều loại nông sản khác. Ngoài ra, công trình còn cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và nuôi trồng hơn 340 ha thủy sản. Nhờ dòng nước Ayun Hạ, trong mùa khô hạn, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích canh tác rau màu, khoai lang và các loại cây trồng có giá trị khác. Sự đổi thay ấy không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân mà còn tạo tiền đề để huyện từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Phú Thiện”.

canh-dong-mia-tai-huyen-phu-thien.jpg
Từ khi có công trình đại thủy nông Ayun Hạ, người dân vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai phấn khởi phát triển những cánh đồng mía lớn.

Nhờ nguồn nước tưới dồi dào từ công trình đại thủy nông Ayun Hạ, vùng đất Phú Thiện đã vươn mình trở thành vựa lúa quan trọng của tỉnh và cả khu vực Tây Nguyên. Trên cánh đồng màu mỡ ấy, người dân đã nghiên cứu, lai tạo và canh tác thành công nhiều giống lúa chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. Nhiều giống lúa như LH12, JO2, TBR225, DT6, OM4900, Đài Thơm 8, ST25, nếp 97, TBR25… cho năng suất ổn định, đạt trung bình 8-8,5 tấn/ha/vụ, hạt gạo trắng trong, dẻo thơm, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Thương hiệu “Gạo Phú Thiện” đang dần khẳng định vị thế trên thị trường, trở thành niềm tự hào của người nông dân nơi đây.

Công trình đại thủy nông Ayun Hạ giúp vùng Đông tỉnh Gia Lai thêm xanh.
Ông Siu Thiêm-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Peng, huyện Phú Thiện chia sẻ về sự phát triển của buôn, làng sau khi có công trình đại thủy nông Ayun Hạ.

Từ “vùng đất chết” đến miền quê trù phú, từ lửa đạn chiến tranh đến mùa vàng no ấm, Ayun Hạ không chỉ là một công trình thủy lợi, mà còn là biểu tượng cho nghị lực hồi sinh của người dân vùng Đông Nam tỉnh. Qua đó góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân càng được nâng cao.

...Từ thị trấn Chư Sê, chúng tôi xuôi về quốc lộ 25, hai bên nhiều buôn làng, khu dân cư, nhà cao tầng mọc lên. Những cánh đồng lúa, hoa màu trải dài tít tắp. Ký ức về con đường 7 huyền thoại năm xưa chỉ còn trên sách, báo, tư liệu và trong tâm trí của một số người. Với nhiều người khi đặt chân đến con đường này sẽ thấy được sự trù phú của cuộc sống mới, màu mỡ của đất đai cho những cánh đồng xanh mát và tình yêu quê hương, đất nước khát vọng vươn lên trong cuộc sống của người dân nơi đây.

ten.jpg

Có thể bạn quan tâm

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 1: Chiến thắng Đức Lập trong ký ức của một cựu binh

30/4 năm nay đánh dấu mốc chặng đường 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Để có được niềm hạnh phúc cho ngày thống nhất ấy, không biết bao nhiêu công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.