Khoảng lặng cồng chiêng - Kỳ 1: Nỗi lo từ người giữ nhịp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trải rộng trên 5 tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2005.

Hai thập kỷ trôi đi, không gian này đã thu hẹp và biến đổi; thanh âm núi rừng đã không còn ngân vang giữa đại ngàn… Cần những cuộc chuyển giao mạnh mẽ, từ không gian thiêng hòa chung dòng chảy đương đại, để văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hiện diện trong đời sống cộng đồng.

Được ví là những “kho báu sống”, những người thổi hồn vào văn hóa đại ngàn, nhưng nhiều nghệ nhân cồng chiêng ở Tây Nguyên giờ đây đang sống trong nỗi buồn lặng lẽ, khi sức lực cạn dần mà lớp trẻ kế cận thì cứ vơi đi...

nghenhan.jpg
Nghệ nhân Ưu tú Ama H’Loan (Đắk Lắk) trong một tối biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách.

Ánh hào quang đã lụi…

Tây Nguyên vừa nô nức không khí lễ hội mừng 50 năm giải phóng của nhiều tỉnh, thành phố, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), nơi nào cũng tưng bừng trong tiếng cồng chiêng rộn rã. Vừa tham dự Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), chúng tôi tìm về buôn Kô Siêr (phường Tân Lập) nơi có đội cồng chiêng Ê Đê từng được ví hay nhất cả nước.

Loanh quanh một hồi hỏi người dân về nghệ nhân cồng chiêng nhưng ai cũng lắc đầu không biết, bởi người đã qua đời, người thì già, ốm. Gặp buôn trưởng Y Hhut Knul được biết, nghệ nhân đội trưởng Y Duê Niê, người được ngành văn hóa địa phương thường xuyên mời truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho lớp trẻ hiện nay đã nhiều tuổi và đang ốm nặng. Nghệ nhân chỉnh chiêng Y Lon Niê của buôn cũng đã mất. Còn mấy nghệ nhân khác cũng qua thời sung sức, lứa trẻ có người cũng muốn kế cận nhưng chưa sâu…

Trong lứa nghệ nhân cũ, phải rất vất vả chúng tôi mới gặp được ông Y Dhok Niê nay đã 81 tuổi vào sẩm chiều khi ông vừa lên rẫy về. Bộ dạng mệt mỏi, nhưng khi nhắc tới cồng chiêng, nghệ nhân già hoạt bát hẳn lên, ông tự hào kể, đội cồng chiêng buôn Kô Siêr thành lập từ năm 1986-1987 để phục vụ trong các nghi lễ cộng đồng như mừng nhà mới, cúng lúa mới, tang ma. Đội đi giao lưu, biểu diễn ở khắp nơi từ các tỉnh, thành phố trong nước cho đến các quốc gia khác như Thụy Sĩ, Pháp, Úc… Âm thanh cồng chiêng Tây Nguyên ngân lên qua những diễn tấu độc đáo như tiếng vọng của núi rừng khiến bạn bè thế giới thích thú vô cùng. Nghệ nhân nhớ lại: Hồi đó, ngoài việc phải thuộc hết các bài chiêng cổ, chúng tôi còn sáng tác các bài mới như Pliêr (mưa đá) và Kong-dar (chong chóng quay)… Chính vì vậy, đội cồng chiêng buôn Kô Siêr được ví là đội hay nhất Việt Nam.

Dừng lại quãng lâu, già Y Dhok Niê tiếc nuối, nhưng thời oanh liệt đó đã qua lâu rồi. Tuy biết là cần phải duy trì và giữ được vị thế như xưa nhưng người thích cồng chiêng giờ ít quá, mở được lớp truyền dạy cũng phải có kinh phí. Một số bạn trẻ cũng theo chúng tôi học đánh cồng chiêng nhưng rồi cũng phập phù, vì theo chế độ mẫu hệ, con trai lấy vợ xong là đi ở rể buôn khác, đội trẻ lại mất người. Bên cạnh đó, các lớp do chính quyền vận động, nhiều người trong số đó không phải đến từ niềm đam mê, mà chỉ tham gia theo kiểu phong trào, trong thời gian ngắn không thể nắm vững được kiến thức nên cũng chóng chán, mau quên. Cho nên việc duy trì hoạt động cồng chiêng để giữ lại truyền thống văn hóa cho buôn làng giờ cũng khó khăn.

Còn ở làng Kon Chênh (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, Kon Tum), nghệ nhân cồng chiêng A Lễ người dân tộc Mơ Nâm cũng được coi thổi tà vẩu hay nhất vùng. Tiếp chúng tôi bên bếp chiều xanh khói, già A Lễ cho biết, dàn cồng chiêng làng Kon Chênh hay được mời đi giao lưu, biểu diễn ở khắp nơi. Cách đây vài năm, dàn cồng chiêng Mơ Nâm làng mình được giải nhì toàn tỉnh, riêng mình được giải nhất nội dung thổi tà vẩu đó!

Từng lặn lội xuống tận thành phố để học kỹ năng sư phạm, mong có thể truyền dạy dễ hiểu hơn cho các cháu nhỏ, nhưng rồi ông cũng ngậm ngùi khi thấy lớp trẻ chỉ mải mê với điện thoại, không còn thiết tha với những âm thanh réo rắt của núi rừng. “Mấy đứa trẻ giờ thích nhạc mới. Nhạc cụ truyền thống giờ chỉ còn người già chơi với nhau thôi,” ông nói, giọng đượm buồn.

2nghenhan.jpg
Nghệ nhân Ưu tú A Lễ (Kon Tum) mong mỏi lứa kế cận nhiệt huyết.

Những người giữ gìn đơn độc

Dành hơn 20 năm cuộc đời để truyền dạy cồng chiêng miễn phí, nghệ nhân Y Hiu Niê Kdăm buôn M’Druk, phường Ea Tam (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), người thầy không lương của hàng chục lớp học trò nhỏ từng nhận được những câu hỏi từ chính phụ huynh học viên: “Học chiêng để làm gì? Có kiếm cơm được không?”. Ông cười buồn: “Người lớn còn không tin thì làm sao truyền được cho tụi nhỏ?”.

Nhớ lại, khi UNESCO ghi danh 20 năm trước, hoạt động cồng chiêng còn sôi động lắm. Diễn tấu cồng chiêng được tổ chức trong hầu hết các hoạt động của người dân, nhưng rồi cứ mai một dần. Ngay cả một số già làng hoặc là người cao tuổi hay buôn trưởng ý thức còn chưa cao, còn xem nhẹ về vấn đề bảo tồn văn hóa cồng chiêng dân tộc mình. Việc tham gia thi cồng chiêng tại ngày hội văn hóa của thành phố, ông cũng chỉ được báo vài ngày trước, nên vội vàng tập hợp các cháu để dạy lại cho trôi chảy mặc dù cũng không có sự quan tâm động viên nào từ các cấp. Nhiều đội cồng chiêng ở các thôn đã giải tán do không có kinh phí hoạt động.

Bộ cồng chiêng được Nhà nước cấp cho làng chúng tôi không dùng được... Đó là chia sẻ của Nghệ nhân Ưu tú, già làng A Jring Đeng, người dân tộc Jơ Lơng (thuộc nhóm Ba Na) ở làng Kon Brăp Ju (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum). Ngày xưa chất liệu đồng nhiều thì dễ chỉnh, nhưng nay không hiểu chất liệu như thế nào mà khi chúng tôi nhận một bộ mới, có mời thợ về chỉnh chiêng, nhưng loay hoay mãi không nẩy được tiếng theo ý. Chất liệu dễ nứt nẻ, không dẻo như các bộ hiện có trong dân. Không sử dụng được nên mỗi khi làng có việc lại phải mượn các nhà có cồng chiêng, nhưng do sử dụng nhiều nên cũng mòn, thủng phải hàn lại, tiếng cồng cũng không còn hay như xưa nữa. Đây cũng là khó khăn cho nghệ nhân và người học.

Nỗi buồn không chỉ nằm ở sự thờ ơ từ nhiều phía, mà còn từ sự đơn độc của chính những người gìn giữ. Dù có được phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, nhiều người vẫn chưa từng nhận được một chính sách hỗ trợ nào xứng đáng. Theo già A Lễ, ông chỉ được nhận hỗ trợ một lần khi được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú. Còn từ năm 2019 đến nay không có khoản hỗ trợ nào khác, mặc dù vẫn tích cực hoạt động. Điều này khiến lão nghệ nhân không khỏi chạnh lòng. Ông bùi ngùi: Mai này tôi và vài người già này mất đi rồi tiếng tà vẩu cũng sẽ mất theo…

Theo nghệ nhân Y Dhok Niê, cách đây vài năm, theo hướng dẫn của địa phương, ông đã làm một bộ hồ sơ gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để được xét danh hiệu nghệ nhân nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.

Chính sách, chế độ đãi ngộ, hỗ trợ cho các nghệ nhân nói chung, nghệ nhân cồng chiêng nói riêng chưa thỏa đáng, phần lớn nghệ nhân đành dựa vào lòng đam mê để tiếp tục “giữ lửa”. Để rồi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến nghệ nhân Ama H’Loan (Đắk Lắk) gần 90 tuổi vẫn cố gắng thổi đinh vuốt, tay run rẩy khua chiêng nhận vài đồng tiền công trong đêm. Già A Biu, nghệ nhân cồng chiêng ở Ngọc Bay (Kon Tum) cặm cụi phục vụ từng khách lẻ. Hay nghệ nhân dịch sử thi A Jar ở làng Plei Đôn, TP Kon Tum chưa có người kế tục dù đã ở tuổi gần đất xa trời… Và còn những hoàn cảnh khác nữa của các nghệ nhân cồng chiêng ở Tây Nguyên.

Có lẽ điều đáng sợ nhất với các nghệ nhân không phải là nghèo khó, không phải là thiếu thù lao… mà là sự im lặng. Sự im lặng kéo dài giữa lòng buôn làng, nơi xưa kia chỉ cần một tiếng chiêng vang lên là người dân tụ họp, lễ hội rộn ràng. Giờ đây, nhiều buôn làng không còn lễ mừng lúa mới, không còn cúng bến nước, thậm chí những đám tang cũng chẳng còn nghe tiếng cồng chiêng gọi hồn. Những bản làng lặng lẽ, chỉ còn lại ký ức của những người già, như chính tiếng chiêng đang dần trôi vào lãng quên.

(Còn nữa)

Theo Bài và ảnh: KHIẾU LIÊN, HẠNH THẮNG (NDO)

Có thể bạn quan tâm

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 1: Chiến thắng Đức Lập trong ký ức của một cựu binh

30/4 năm nay đánh dấu mốc chặng đường 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Để có được niềm hạnh phúc cho ngày thống nhất ấy, không biết bao nhiêu công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa

Đứng sừng sững bên dòng sông Bứa (đoạn qua Khu 4, xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), cây thị cổ được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời ước tính hơn 1.100 năm vẫn xanh tươi, tỏa bóng mát. Hàng năm, “cụ” thị vẫn ra hoa trái lan tỏa mùi hương nồng nàn.

Các cựu tù nhân xem lại những bức hình thời họ bị địch giam cầm

Có một nhà tù “độc nhất vô nhị” trên thế giới Kỳ II - Đấu tranh bất khuất diệt ác, trừ gian trong nhà tù

80% trong số tù nhân thiếu nhi ở Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt là những chiến sỹ lực lượng vũ trang, du kích, võ trang chính trị trên khắp toàn miền Nam. Chính vì vậy, các anh chị đã được tôi rèn bản lĩnh can trường, bất khuất và dồi dào kinh nghiệm đấu tranh.