Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

1. Khi chúng tôi vừa đến nhà cụ Nguyễn Thị Tý thì bà Nguyễn Thị Tuyến - con dâu cả của cụ lấy căn cước công dân của mẹ chồng ra khoe: “Con cháu chúng tôi nói có sách, mách có chứng. Căn cước công dân của cụ nhà tôi đây. Cụ sinh năm 1911, năm nay đã bước sang 115 tuổi rồi đấy”.

Căn cước công dân của cụ Nguyễn Thị Tý ghi rõ thông tin cụ sinh năm 1911.
Căn cước công dân của cụ Nguyễn Thị Tý ghi rõ thông tin cụ sinh năm 1911.

Theo các con cháu thì cụ Tý quê ở ấp Đồng Vỡ, làng Chi Đông, huyện Kim Anh (nay là thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, Hà Nội). Năm 1935, cụ lấy chồng về thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn. Bà Tuyến sôi nổi kể về cuộc đời mẹ chồng mình, thỉnh thoảng lại chêm những thành ngữ vào câu nói một cách dí dỏm: “Cụ ông nhà tôi là Ngô Văn Huy, sinh năm 1910, hơn cụ bà 1 tuổi. Hai cụ nhà tôi có với nhau 10 người con, 4 trai, 6 gái. Các cụ ngày trước sinh dày, cứ “ba năm đôi, lôi thôi năm một”.

Bốn người con đầu, các cụ đặt tên là Quỳ, Thi, Thức, Thính. Về sau, 6 người con còn lại thì chả nghĩ tên nữa, lấy luôn số thứ tự làm tên, lần lượt từ Năm đến Mười. Trong đó có một người con gái mất từ nhỏ, nên còn 9 người con một tay cụ Tý chăm bẵm, nuôi nấng khôn lớn nên người”.

Cuộc đời dài dằng dặc của cụ Tý trải qua bao nhiêu sự kiện của đất nước và biến cố của gia đình. Tai vẫn thính, mắt vẫn tinh, mọi diễn biến đời sống cụ đều biết, nhưng vẫn vững vàng, bền bỉ, làm điểm tựa tinh thần cho con cháu. Ông Ngô Văn Học là cháu gọi cụ Tý bằng bác dâu nhớ lại: “Sau khi lấy chồng, sinh con gái đầu lòng năm 1940, bác tôi đã gặp một biến cố lớn. Bác bị “ngã nước”, tình trạng rất nguy kịch. Nghe mọi người trong nhà kể lại rằng đận ấy bác bị rụng hết tóc, nằm bẹp một chỗ. Đầu nhà, quạ kéo đến đậu ở đầu ngõ, kêu váng vất như báo điềm gở. Vậy mà rồi dần dần bác tôi khỏi bệnh, sau đó sinh thêm một đàn con”.

Do sinh nhiều con lại làm lụng vất vả, đến đầu năm 1960, cụ Tý lại bị ốm nặng. “Đận ấy bác tôi bị lao phổi nặng, tưởng không qua khỏi. Người nhà phải đưa bác đi chạy chữa với hy vọng rất mong manh. Thế mà bác lại một lần nữa vượt qua cửa tử. Qua đận ấy, bác tôi sống thọ tới bây giờ”, ông Học kể.

Theo các con cháu thì cụ Tý tính tình nền nã, khéo léo, khác tính cụ ông nóng nảy, cương trực. Vì thế mà hai cụ bù trừ cho nhau, sống hòa thuận cả cuộc đời. Tiếc là cụ ông mất từ năm 1995, cách đây đã 30 năm. Hiện cụ Tý đang ở cùng vợ chồng người con trai cả là ông Ngô Công Thức (sinh năm 1944), bà Tuyến (sinh năm 1949) cùng vợ chồng người cháu đích tôn của cụ.

Anh Nguyễn Văn Ân - Trưởng thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến cho biết, cụ Nguyễn Thị Tý sinh năm 1911, hiện là bậc cao niên nhất huyện Sóc Sơn. Từ khi còn trẻ khỏe cho đến bây giờ, cụ là người gương mẫu, hay lam hay làm, là tấm gương cho con cháu. Hàng năm mỗi dịp lễ tết, ngày thương binh liệt sĩ 27/7, chính quyền thôn, xã đều dành sự quan tâm đặc biệt với cụ. Với bậc cao niên hiếm có như cụ Tý thì hoạt động chúc thọ, thăm hỏi diễn ra đều đặn hàng năm để động viên tinh thần cụ.

2. Khi chúng tôi đang ngồi hỏi chuyện cụ Tý thì thấy một bà lão chầm chậm từng bước vào nhà. Chúng tôi tưởng bà hàng xóm sang chơi, nhưng bà Tuyến vội đính chính: “Con gái đầu của cụ đấy ạ, chị tôi tên là Ngô Thị Quỳ, năm nay gần 90 tuổi rồi. Nhà chị Quỳ tôi ở cuối làng, tuy tuổi đã cao, đi lại khó khăn nhưng vẫn đều đặn sang thăm mẹ”. Rồi hai mẹ con cụ Tý ngồi nói chuyện với nhau, có nhiều quãng đã khó nghe nên cả hai mẹ con phải hỏi đi hỏi lại. Thỉnh thoảng vẫn nghe cụ Tý “mắng” con gái: “Nhà chị như trẻ con ấy, chẳng biết cái gì cả”, khiến cả nhà được dịp cười vang. Bà Quỳ bảo: “Gần 90 rồi tôi vẫn còn mẹ, chả ai được như tôi. Bằng này tuổi mà vẫn được mẹ mắng thì hạnh phúc nào bằng”.

Con gái Ngô Thị Quỳ (trái) năm nay gần 90 tuổi vẫn thường xuyên đến thăm mẹ Tý.
Con gái Ngô Thị Quỳ (trái) năm nay gần 90 tuổi vẫn thường xuyên đến thăm mẹ Tý.

Cụ Tý có 4 người con trai thì lần lượt tiễn cả 4 người khoác balô lên đường đi bộ đội. Các con ra trận, ở nhà cụ Tý hăng hái tham gia “Hội mẹ chiến sĩ”. Giai đoạn Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, cụ Tý cũng như nhiều bà mẹ khác thường chạy dọc đồi pháo Thống Nhất, cạnh hồ Đồng Quan dưới chân núi Sóc để tiếp tế nuôi quân, may vá quần áo, úy lạo bộ đội, chăm sóc thương bệnh binh.

Đời cụ tiễn bốn người con đi bộ đội mà lúc đón về chỉ có ba. Người con thứ hai là Ngô Xuân Thính nhập ngũ năm 1967 thì đến năm 1968 đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị. Con hy sinh hai năm, gia đình mới nhận được giấy báo tử, khiến cụ đứt từng khúc ruột. “Gia đình tôi có thời gian đi tìm mộ anh Thính nhưng không thấy, cũng không giữ được tấm ảnh nào của anh. Giai đoạn trước, khi trí nhớ còn tốt, bác tôi hay kể chuyện về con trai Thính cho con cháu, như một cách nhắc nhớ và ghim hình ảnh con vào trí óc. Bởi bác biết, tháng ngày trôi đi, rồi đến lúc bác không còn nhớ nổi hình hài của con trai nữa. Cứ đến ngày giỗ con, bác lại khóc, những giọt nước mắt lặng lẽ lăn trên gương mặt nhăn nheo. Bác thường thủ thỉ: “Các anh em của con về đủ cả, mà con mãi không về…”. Cuộc đời càng dài, nỗi nhớ con càng đậm, đeo đẳng bác hơn nửa thế kỷ qua”, ông Học xúc động chia sẻ.

Đã 115 tuổi, cụ Tý ít nói hơn trước, nhưng vẫn minh mẫn, vẫn hiểu mọi chuyện diễn ra quanh mình, vẫn thích tham gia việc này, việc kia cùng con cháu. Bà Tuyến kể: “Cụ nhà tôi tính ưa sạch sẽ, mấy năm trước vẫn dọn dẹp luôn chân luôn tay. Tay lúc nào cũng cầm cái chổi để quét đường làng ngõ xóm sạch sẽ. Giờ cụ vẫn thích ngồi tách lạc. Củ lạc nào khó tách, cụ đưa củ lạc vào miệng cắn đánh rốp một cái, con cháu thấy cảnh ấy đều nể phục sức khỏe dẻo dai của cụ. Vì vẫn khỏe mạnh ở tuổi xưa nay cực hiếm nên cụ nhận được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của gia đình mà hàng xóm láng giềng vẫn thường xuyên sang thăm cụ”.

Điều đặc biệt là cụ Tý tuy tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng vẫn cập nhật tình hình đời sống, vẫn gương mẫu thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Ông Học chia sẻ: “Năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng, tình hình lúc ấy khá căng thẳng. Loa phát thanh của xã liên tục phát các thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện 5K để phòng chống dịch. Lúc ấy bác tôi vẫn minh mẫn lắm, ngày nào bác cũng lắng nghe loa phát thanh rồi dặn con cháu phải chấp hành 5K nghiêm túc. Rồi bác kể cuộc đời bác từng chứng kiến dịch tả diễn ra năm 1934 cướp đi mạng sống của biết bao người. Đó là kí ức khốc liệt vẫn hằn sâu trong trí nhớ của bác”.

Chỉ mới đây thôi, khi loa truyền thanh thông báo rằng Công an xã đang có đợt làm căn cước công dân tại trụ sở, cụ Tý nghe loa và nắm được chủ trương này. Với trường hợp cụ Tý, anh em Công an xã đến tận nhà làm căn cước cho cụ. Nhưng cụ vẫn khăng khăng lên trụ sở làm căn cước tập trung như tất cả mọi người chứ không muốn mình được ưu tiên. Chiều theo mong muốn của cụ, Công an xã Quang Tiến đưa ôtô đến tận nhà đón cụ lên trụ sở làm căn cước.

Hỏi về bí quyết sống khỏe, sống thọ của cụ Tý, bà Tuyến bảo: “Cụ nhà tôi sinh hoạt rất điều độ, ăn uống chừng mực. Tuy tuổi cao nhưng cụ vẫn duy trì ăn cơm, không ăn cháo bao giờ. Cụ vẫn tự sinh hoạt cá nhân. Quan trọng nhất là tinh thần của cụ luôn lạc quan, bản lĩnh trước những biến cố của cuộc đời”.

Rồi bà Tuyến dí dỏm kể: “Năm 1969, tôi về làm dâu mẹ tôi, đến nay đã 56 năm. Giờ thì tôi vừa làm dâu, lại vừa làm mẹ chồng. Gia đình tôi là gia đình tứ đại đồng đường, mẹ tôi được các con, cháu, chắt chăm sóc chu đáo. Đã mấy lần mẹ “dọa” chúng tôi về với tổ tiên. Lần gần đây nhất thấy mẹ nằm mệt, con cháu xa gần đã tập trung đông đủ. Nhưng sau mẹ lại tỉnh táo, hoạt bát. Có lẽ thiên đình lãng quên nên không gọi tên mẹ nữa…”.

Theo Thái Hưng (CANDO)

Có thể bạn quan tâm

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 1: Chiến thắng Đức Lập trong ký ức của một cựu binh

30/4 năm nay đánh dấu mốc chặng đường 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Để có được niềm hạnh phúc cho ngày thống nhất ấy, không biết bao nhiêu công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa

Đứng sừng sững bên dòng sông Bứa (đoạn qua Khu 4, xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), cây thị cổ được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời ước tính hơn 1.100 năm vẫn xanh tươi, tỏa bóng mát. Hàng năm, “cụ” thị vẫn ra hoa trái lan tỏa mùi hương nồng nàn.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Mai Thanh Minh trong một cuộc giao lưu tại Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt

Có một nhà tù “độc nhất vô nhị” trên thế giới Kỳ III - Những tù nhân thiếu nhi tự mổ bụng phản đối kẻ thù

Ở Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt, đáng sợ nhất đối với các tù nhân nhỏ tuổi là cái rét kinh người trong khi chỉ có manh áo mỏng che thân. Kẻ thù cũng biết điều đó, và chúng đã dùng thủ đoạn cực kỳ dã man là dội nước vào những người tù nhỏ bé, yếu ớt trong đêm khuya giá lạnh.