50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.

Năm 1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn khốc liệt, thanh niên Nguyễn Công Binh (ngụ xã Hồng Phong, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) xung phong lên đường nhập ngũ khi vừa sang tuổi 19. Sau 3 tháng huấn luyện, ngày 16/12/1972, anh cùng đồng đội được lệnh hành quân vào chiến trường Quân khu 6.

Cán bộ, chiến sĩ Quân đội tham quan tại triển lãm 50 năm giải phóng Đà Lạt.
Cán bộ, chiến sĩ Quân đội tham quan tại triển lãm 50 năm giải phóng Đà Lạt.

Lúc bấy giờ, địch kiểm soát rất chặt các tuyến giao thông huyết mạch ở đồng bằng. Cách duy nhất để anh và đồng đội tới được chiến trường là chọn rừng sâu để bí mật hành quân. Dù vậy, hằng ngày địch vẫn dùng máy bay trinh sát, ném bom bừa bãi và rải truyền đơn, đánh "tâm lý chiến" nhằm làm nhụt ý chí chiến đấu của quân ta. Lương thực thiếu thốn, cơm không đủ ăn, những chiến sĩ quả cảm, tuổi đời mới chỉ mười tám đôi mươi của miền Bắc xa xôi dọc đường vào chiến trường phải chia nhau từng giọt nước uống.

Chính nắm rau rừng, con cá suối nơi thâm sâu cùng cốc đã nuôi nấng các chiến binh anh hùng, làm nên những trận đánh oanh liệt về sau. Gian khổ là thế nhưng bộ đội Trường Sơn khi ấy vẫn truyền tai nhau 3 câu thơ, xem gian khổ, hiểm nguy như một cuộc rong chơi của tuổi trẻ hào hoa: "Qua đỉnh Trường Sơn có lúc ngơi/Ai lên trước báo hộ ông Trời/Trên đường đánh Mỹ ghé qua chơi!..

Tháng 3/1973, chiến sĩ Nguyễn Công Binh cùng đồng đội đặt chân tới vùng rừng núi thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận ngày nay. "Đây là giai đoạn cực kỳ khốc liệt. Mỹ - ngụy liên tục mở các mặt trận mới nhằm chiếm ưu thế trên chiến trường. Chúng còn tăng cường ném bom, đánh phá miền Bắc nhằm ép ta phải ký vào Hiệp định Paris với những điều khoản có lợi cho chúng!..", ông Nguyễn Công Binh kể lại.

Hiệp định Paris vừa có hiệu lực, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố không thi hành Hiệp định và đưa ra khẩu hiệu "4 không" (không có hòa bình, không có ngừng bắn, không có giải pháp chính trị, không có tổng tuyển cử). Ở Bình Thuận, Bình Tuy, địch xua quân lấn chiếm những nơi ta vừa giành được, đồng thời ném bom đánh phá, hủy diệt một số nơi.

Ông Nguyễn Công Binh còn nhớ như in trận đánh mở màn trong đời quân ngũ của mình tại Tân Điền (Bình Thuận). Đó là trận đánh khốc liệt, đầy khó khăn với ta. Đây cũng là lần đầu tiên ông Binh cảm nhận rõ ràng ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết trên chiến trường. Có khi lúc ăn cơm, đồng đội vẫn còn quây quần đông đủ, trò chuyện vui vẻ nhưng chỉ ít phút sau, khi súng vang bom rền đã âm dương cách biệt, kẻ còn người mất. Sống và chết trên chiến trường chỉ cách nhau một viên đạn nhưng ai cũng xem nhiệm vụ cầm súng chiến đấu, giải phóng miền Nam là niềm tự hào. Các anh xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, Tổ quốc sống còn mới là điều thiêng liêng, cao cả.

"Nếu so sánh tương quan lực lượng giữa hai bên, ta và địch được ví như trứng chọi đá. Quân địch không chỉ đông gấp nhiều lần quân ta, mà khí tài còn rất hiện đại. Nhưng cái địch không có là tinh thần chiến đấu. Về phần này, ta hơn hẳn!.. Chúng tôi chiến đấu vì lý tưởng cao cả, sẵn sàng hy sinh tới người cuối cùng!..", ông Binh cho biết.

Trước tương quan lực lượng giữa hai bên, ta chủ động lối đánh du kích theo phương châm lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh. Quân ta chia nhỏ lực lượng, tấn công quân địch tại Tân Điền từ 3 mũi. Trận chiến xảy ra khốc liệt, kéo dài nhiều ngày. "Quân địch bị ta tập kích, gây thương vong lớn. Rất nhiều chiến sĩ của ta đã dũng cảm hy sinh. Khi địch tăng cường quân viện trợ, ta chủ động rút vào rừng sâu để bảo toàn lực lượng!..", ông Binh kể.

Đại tá Nguyễn Công Binh, người cùng đồng đội tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại tá Nguyễn Công Binh, người cùng đồng đội tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1973, nhiều chiến dịch lớn bắt đầu nổ ra, lực lượng của các Quân đoàn từ miền Bắc được tăng cường vào chiến trường miền Nam. Trong kế hoạch hoạch 1974-1975, Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho Quân khu 6 kết hợp với Quân khu 7 giải phóng 2 huyện Hoài Đức và Tánh Linh của Bình Tuy, góp phần hoàn chỉnh căn cứ miền Đông Nam Bộ. Hoài Đức và Tánh Linh là 2 địa bàn có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược do các mối liên quan chặt chẽ với miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên. Làm chủ được vùng này sẽ góp phần chia cắt được quân khu 2 và 3 của địch, xác lập bàn đạp để bao vây tiến công Sài Gòn từ hướng Đông. Chiến sĩ Nguyễn Công Binh được điều động về Tiểu đoàn 840, Trung đoàn 812, Quân khu 6.

Cuối tháng 3/1974, Tiểu đoàn 840 được lệnh phối hợp với các đơn vị của Quân khu 6 và Quân khu 7 cùng lực lượng bộ đội địa phương đánh vào cứ điểm đồi Lồ Ồ, mở màn chiến dịch Tánh Linh - Hoài Đức. Ban chỉ huy chiến dịch quyết định dùng lối đánh "bóc vỏ" để bao vây, cô lập và sau đó dùng các mũi đột phá bằng đặc công và bộ binh để dứt điểm chi khu. Cứ điểm Lồ Ồ là một đỉnh cao then chốt, có lợi thế khống chế cả khu vực xung quanh và bảo vệ trực tiếp cho chi khu Tánh Linh.

Chính vì vậy, cả ta và địch đều cố gắng chiếm giữ cao điểm này để làm bàn đạp tấn công các mục tiêu của nhau. Thực hiện chủ trương trên và nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Miền giao, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 6 đã hạ quyết tâm tiêu diệt địch ở chi khu Hoài Đức trong thời gian ngắn nhất, sau đó đưa toàn bộ lực lượng lên đường 20 phối hợp với chủ lực của Miền phát triển về hướng Tây Nguyên. 23h ngày 16/3/1975, ta tấn công chi khu Hoài Đức, tới ngày 23/3 thì toàn bộ Hoài Đức được giải phóng.

Chiến sĩ Nguyễn Công Binh và đồng đội được lệnh hành quân ngược lên Tuyên Đức - Lâm Đồng phối hợp với Sư 10, Quân đoàn 3 từ Tây Nguyên sang, chiến đấu giải phóng hoàn toàn Di Linh ngày 28/3/1975. Địch tháo chạy theo đường 20 về hướng Sài Gòn. Quân ta được lệnh ngược lên giải phóng Đà Lạt. Khi tới sông Đa Nhim thì cầu đã bị địch đánh sập. Người dân địa phương dùng thuyền chở quân giải phóng qua sông, tiến thẳng lên đánh chiếm, tiếp quản và giải phóng hoàn toàn thị xã Đà Lạt ngày 3/4/1975.

Giải phóng xong Đà Lạt, chiến sĩ Nguyễn Công Binh cùng đồng đội lại xuôi về Bình Thuận, phối hợp với các đơn vị khác, chiến đấu anh dũng tại cầu Phú Long, cửa ngõ TP Phan Thiết. Ta và địch quần thảo ác liệt. Hỏa lực địch trút xuống không ngừng với các máy bay ném bom và súng cối hạng nặng từ biển bắn vào. Nhiều chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh. Sau 5 ngày giao tranh, ta chiếm giữ thành công cầu Phú Long, mở đường cho Quân Giải phóng tiến vào Phan Thiết. Cùng thời điểm này, các đơn vị của Quân đoàn 2 từ hướng Nha Trang đánh vào, hỗ trợ Quân khu 6 ào ạt phản công. Rạng sáng ngày 19/4, ta giải phóng thị xã Phan Thiết. Các đơn vị của địch nháo nhác tháo chạy về Đồng Nai lập phòng tuyến cố thủ để bảo vệ Sài Gòn.

"Các trận chiến đều rất ác liệt, một mất một còn. Có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!..", ông Binh nhớ lại.

Sau Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, chiến sĩ Nguyễn Công Binh được lệnh ngược lên Tây Nguyên, tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu, tiêu diệt FULRO lúc này đang ráo riết hoạt động dưới sự giật dây của tàn quân Mỹ - ngụy. Đến năm 2009, ông nghỉ hưu với chức danh Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng, quân hàm đại tá.

Theo Khắc Lịch (CANDO)

Có thể bạn quan tâm

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Kỳ tích cao su vươn mình trên xứ sở Angko - Kampong Thom: Kỳ cuối-Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor - Kampong Thom: Kỳ cuối - Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

(GLO)- Bên cạnh xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom luôn quan tâm cải thiện đời sống cho hơn 3.300 lao động tại Campuchia với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Về miền trong đã lâu nhưng thói quen uống trà từ ngày trên đất bắc, ông Hồ Bút vẫn còn giữ. Bên ấm trà nghi ngút khói, qua lời kể của mình, ông đưa tôi về lại làng Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), nơi ông sinh ra và lớn lên những ngày tháng tươi đẹp đầu đời, những ngày được ở bên ba mẹ.

Nghề giặt ủi thời hiện đại

Nghề giặt ủi thời hiện đại

(GLO)- Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, hiện nay, nghề giặt ủi truyền thống không chỉ gói gọn trong việc giặt hấp đồ dùng, quần áo mà còn mở rộng dịch vụ làm sạch vật dụng, phụ kiện theo nhu cầu của khách hàng.