50 năm một bầu trời thống nhất - Kỳ 1: Vượt qua vĩ tuyến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày này đúng 50 năm trước là lúc đất nước Việt Nam đang trong giai đoạn “Lịch sử sang xuân/ Anh vào trận cuối cùng” (*) .

Đất nước sau hơn 30 năm chia cắt, đã trọn vẹn niềm vui vào ngày 30/4 lịch sử. Cũng từ đó, một dải non sông liền mạch, một bầu trời thống nhất.

1dai-tadd.jpg
Đại tá, phi công Nguyễn Văn Nghĩa và cuốn Hồi ký Không chiến.

Ngày 13/5/1975, phi công Nguyễn Văn Nghĩa dẫn đầu đoàn 12 chiếc máy bay Mig-21 thực hiện cuộc chuyển sân lịch sử, từ sân bay Kép (Bắc Giang) qua Đa Phúc (Hà Nội) hướng về Đà Nẵng, cuối cùng hạ cánh xuống Biên Hòa (Đồng Nai) ngày 14/5/1975. Sau này, ông Nghĩa kể lại trong Hồi ký (**):

“Khi biên đội Nguyễn Văn Nghĩa - Nguyễn Hùng Thông bay trên địa danh huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, số 1 Nghĩa bấm radio đối không: - Mộ Đức một thời tuổi thơ của 45 đấy! - Thấy tốt, chúc mừng anh - Thông trả lời”.

Trên bầu trời quê hương

Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa, Anh hùng LLVTND, phi công cấp ACE, là người đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên và cuối cùng trên bầu trời Hà Nội trong 12 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không.

Tháng 5/1975, bầu trời của đất nước vừa cởi bỏ lớp áo khói lửa chiến tranh để khoác lên mình màu áo mới của hòa bình. Phi đội 12 chiếc máy bay tiêm kích MIG-21 do phi công, đại đội trưởng Nguyễn Văn Nghĩa dẫn đầu cùng 12 phi công khác cất cánh từ sân bay Kép (Bắc Giang), hạ cánh xuống Đa Phúc (Hà Nội) nạp dầu, sau đó bay tới thành phố Đà Nẵng lúc 12 giờ 35 phút ngày 13/5/1975. 15 giờ cùng ngày, phi đội thẳng tiến về Biên Hòa, tuy nhiên tới Bình Định, do thời tiết xấu, phi đội quay lại Đà Nẵng. Tới 9 giờ sáng ngày 14/5 phi đội tiếp tục nhiệm vụ tới Biên Hòa, lượn một vòng quanh thành phố hạ cánh xuống sân bay Biên Hòa lúc 10 giờ 30 phút ngày 14/5/1975.

Chuyến bay chuyển sân tháng 5/1975 không chỉ là một nhiệm vụ quân sự đơn thuần mà còn là hành trình cá nhân đầy cảm xúc của một người con xa quê suốt 22 năm dài đằng đẵng Nguyễn Văn Nghĩa. Khi chiếc MIG-21 lần đầu lướt qua vĩ tuyến 17 - ranh giới như một vết dao sắc từng chia cắt hai miền nam bắc - lòng ông Nghĩa chợt dâng trào một cảm giác khó tả. Thời điểm miền nam mới giải phóng, các trạm radar dẫn đường chưa hoàn thiện việc tiếp thu kỹ thuật, 12 chiếc MIG hoàn toàn nhận dạng địa tiêu bằng mắt. Cuộc chuyển sân lịch sử đánh dấu lần đầu tiên, đội máy bay tiêm kích không quân nhân dân Việt Nam đã đi từ nam tới bắc - không phải để đối đầu với bất cứ một kẻ địch nào, mà để hoàn thiện bảo vệ một dải đất thống nhất.

Từ những ngày đầu tháng 5, ông Nghĩa cũng đã nhận lệnh tham gia đoàn khảo sát các sân bay để chuẩn bị cho cuộc chuyển sân. Ngày 11/5, ông Nghĩa đã bay trên máy bay vận tải Li2 do phi công Tiêu Khánh Nha điều khiển từ sân bay Gia Lâm, hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng, sau đó qua sân bay Phù Cát rồi sân bay Biên Hòa. Nhưng phải đến khi chính ông cầm lái chiếc MIG-21 quen thuộc - chiếc máy bay đã theo ông bao trận chiến sinh tử, hạ gục nhiều máy bay địch - bay ngang qua quê nhà đã thật sự hòa bình, lòng ông mới trào lên một cảm xúc đặc biệt: “Khi bay qua Quảng Ngãi nhìn xuống quê hương, lòng tôi xao xuyến nhưng phải kìm nén để tập trung điều khiển máy bay”. Là người con Mộ Đức (Quảng Ngãi), từ năm 1954, ông theo bố ra bắc tập kết, 22 năm xa cách quê hương, người phi công AHLLVTND cũng không biết mẹ và các em còn hay mất. Cảm giác vừa lạ lẫm, vừa thân thương khiến ông không thể thốt nên lời.

2daita.jpg
Phi đội Quyết Thắng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, hạ cánh tại sân bay Phan Rang. Ảnh tư liệu

Lần đầu thấy Sài Gòn

Nói tới lần đầu bay trên bầu trời miền nam, hẳn Đại tá Từ Đễ, Anh hùng LLVTND, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, nhớ rõ hơn cả. Năm 1975, đang làm nhiệm vụ ở sân bay Đồng Hới, Quảng Bình, ông Đễ nhận lệnh ra sân bay Đà Nẵng, chuẩn bị bay chuyển loại sang máy bay A-37 - loại máy bay mới thu giữ được của quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Cũng phải nhớ lại rằng, 16 giờ 30 phút ngày 28/4/1975, phi đội Quyết Thắng gồm 5 chiếc máy bay với 6 phi công gồm Nguyễn Thành Trung (bay số 1 dẫn đầu), Từ Đễ, Nguyễn Văn Lục (chỉ huy phi đội), Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On, Hán Văn Quảng đã xuất phát từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang), thẳng hướng sân bay Tân Sơn Nhất, mang theo sứ mệnh ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, giáng một đòn góp phần làm sụp đổ chính quyền Sài Gòn trong những ngày cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong số 6 phi công của phi đội Quyết Thắng, chỉ có phi công Nguyễn Thành Trung, người cách đó 20 ngày - ngày 8/4/1975 - đã lái chiếc máy bay F5E xuất kích từ sân bay Biên Hòa ném bom xuống dinh Độc Lập và phi công Trần Văn On - một phi công của quân lực VNCH đã về với quân giải phóng, là quen thuộc với bầu trời miền nam. Bốn phi công còn lại đều được điều chuyển từ miền bắc vào và mới làm quen với chiếc A37 chưa đầy một tuần. Đó cũng là lần đầu tiên, những phi công Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng, Từ Đễ, Hoàng Mai Vượng bay trên bầu trời Sài Gòn - để thực hiện nhiệm vụ ném bom, “bay trên những chớp lửa hốt hoảng và tuyệt vọng của hỏa lực không quân ngụy” (***) . Trận ném bom đã phá hủy 24 máy bay địch, gây tổn thất nặng nề cho không lực Việt Nam Cộng hòa, làm tăng thêm sự hoảng loạn trong hàng ngũ đối phương. Nhà báo Trần Mai Hạnh, người có mặt tại Sài Gòn thời điểm đó, đã mô tả: “Trận bom của biên đội A37 đã biến cả sân bay Tân Sơn Nhất thành cơn ác mộng” (****) .

Đại tá Từ Đễ kể sau khi hoàn thành nhiệm vụ thả bom, ông cho máy bay bay lên cao, lúc đó lần đầu tiên ông nhìn thấy Sài Gòn dưới cánh máy bay, khói lửa vẫn nghi ngút: “Tôi vẫn nghe nói Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông, mình cũng muốn xem Hòn ngọc Viễn Đông đó như thế nào”. Sau này, ông Đễ vẫn đùa, chắc phi đội Quyết Thắng là những người đầu tiên đi máy bay “tham quan” TP Hồ Chí Minh từ trên cao. Hậu quả của chuyến “dạo chơi” ấy là máy bay của ông Đễ suýt cạn dầu trước khi hạ cánh: “Vào đến địa phận Phan Rí thì đèn báo hết dầu nhấp nháy, anh em trong phi đội phải nhường tôi hạ cánh trước. Vừa thả được càng máy bay thì động cơ tắt, máy bay trôi tới gần cuối đường băng mới dừng”, ông Đễ kể lại.

Ngày bắc nam sum họp

Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa nói mãi tới ngày 2/6/1975 ông được cấp trên cho phép về Quảng Ngãi để tìm mẹ. Hành trình từ Biên Hòa qua Nha Trang rồi về xã Đức Thạnh huyện Mộ Đức là những bước chân gấp gáp của một người lính khao khát được đoàn tụ với gia đình sau bao năm xa cách. Ông kể lại: “Chiều ngày hôm sau tôi về đến làng. Xe ô tô không vào được vì đường bị cắt phá, tôi phải đi bộ hơn một cây số. Gặp một bà lão đầu làng tôi hỏi: “Mẹ tôi còn sống không?” Bà đáp: “Mẹ mày vẫn sống”. Lúc đó tôi hạnh phúc đến mức không thể diễn tả”.

Mãi chiều muộn ông mới gặp mẹ và em gái. Sau hơn 20 năm xa cách hai mẹ con ôm nhau. “Mẹ tôi tay chân còn dính đầy đất cát ngồi bên phải, cô em gái ngồi bên trái cứ xoa đầu tôi đến tận 12 giờ đêm”, ông nghẹn ngào nhớ lại. Đêm ấy trong căn nhà đơn sơ, mấy mẹ con nằm trên chõng tre, chẳng ai trong nhà ngủ được. Khi cậu em rể mang ra một mâm cúng với đầu heo, mẹ ông nói với giọng run run: “Mẹ đã hứa với trời đất nếu Nghĩa còn sống mẹ sẽ cúng đầu heo.” Đó là khoảnh khắc thiêng liêng với ông Nghĩa - bởi khi đó, thật sự là cuộc đoàn tụ tưởng như chỉ trong mơ. Tháng 11/1975, bố ông mới từ miền bắc vào. Cái Tết năm 1976 là lần đầu tiên cả gia đình sum họp sau hơn hai thập kỷ chia cắt. “Tôi luôn mang trong lòng khát khao thống nhất đất nước mỗi lần cất cánh, để có thể gặp lại gia đình,” ông Nghĩa lý giải cho quyết tâm trên mỗi lần bay MIG-21. Với ông, lần đầu bay vào nam không chỉ là một nhiệm vụ quân sự mà còn là hành trình về với mẹ, về với quê nhà - nơi không còn chia cắt bất kỳ ranh giới nào khác.

Còn Đại tá Từ Đễ, trong những lần làm nhiệm vụ, ông chỉ có vài lần gặp gỡ chớp nhoáng bố mình. “Đời tôi có hai người thầy, là bố tôi (GS Từ Giấy, Nguyên Phó Cục trưởng quân nhu, Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - PV) và ông Nguyễn Văn Bảy (Đại tá, Anh hùng LLVTND, Nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ - PV)”. Ngày 4/5/1975, đúng kỷ niệm ngày cưới của bố mẹ, khi vừa làm nhiệm vụ bay về, vẫn còn mặc nguyên bộ đồ bay, ông thấy bố từ xa trên sân bay Biên Hòa: “Sân bay Biên Hòa lúc đó mới dọn dẹp xong, tôi thì mồ hôi mồ kê nhễ nhại, thấy bố mừng quá”. Sau bao khói lửa, chỉ có nhìn thấy nhau mới biết là người kia còn sống. Chiến tranh mải miết như vậy, nên lúc hòa bình gặp lại, mọi thứ vỡ òa. Cuộc gặp không báo trước, cũng chẳng có nhiều thời gian, hai bố con chỉ kịp ăn bữa cơm, ông Đễ nói chẳng bao giờ quên.

Ngày 13/5, chiếc IL-18 chở gần 40 lãnh đạo, cán bộ cấp cao từ Hà Nội vào dự lễ mừng thống nhất đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đây được xem là chuyến bay dân dụng đầu tiên từ Hà Nội tới TP Hồ Chí Minh kể từ sau ngày giải phóng miền nam.

“Tới 15/5, chúng ta khôi phục hoàn chỉnh bốn máy bay vận tải dân dụng, đưa những máy bay này vào hoạt động hàng không trong nước. Đường hàng không trong nước từ Hà Nội vào Sài Gòn và Sài Gòn đi các địa phương miền nam khác chính thức hoạt động trở lại” (Lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam 1955-1977, NXB Quân đội Nhân dân, 1993) .

(Còn nữa)

Theo Hồng Việt (NDO)

Có thể bạn quan tâm

Hai lần trinh sát Trường Sa

Hai lần trinh sát Trường Sa

Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975, những người lính đặc công Đoàn 126 nói, họ tin tưởng hoàn toàn việc chuyên chở cho những con tàu của Đoàn 125, vốn nhiều năm dày dạn trên hành trình đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Kỳ tích cao su vươn mình trên xứ sở Angko - Kampong Thom: Kỳ cuối-Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor - Kampong Thom: Kỳ cuối - Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

(GLO)- Bên cạnh xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom luôn quan tâm cải thiện đời sống cho hơn 3.300 lao động tại Campuchia với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Về miền trong đã lâu nhưng thói quen uống trà từ ngày trên đất bắc, ông Hồ Bút vẫn còn giữ. Bên ấm trà nghi ngút khói, qua lời kể của mình, ông đưa tôi về lại làng Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), nơi ông sinh ra và lớn lên những ngày tháng tươi đẹp đầu đời, những ngày được ở bên ba mẹ.