Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

Họ tin rằng làm như vậy linh hồn của người mất sẽ không phải lang thang, phiêu bạt giữa biển cả mà tìm được đường về đoàn tụ với gia đình, tổ tiên. Tục này bắt nguồn từ thời các binh phu Hoàng Sa, khi họ gặp nạn trong hải trình, cắm mốc dựng bia chủ quyền cách đây hơn 300 năm và được duy trì cho đến bây giờ.

Hình nhân thế mạng và mộ gió

Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, từ lâu đã gắn liền với những câu chuyện bi hùng về những người con bỏ mình nơi biển cả. Cứ mỗi mùa gió chướng, khi những con thuyền ra khơi mà chẳng thể quay về, trên đảo lại có những gia đình ngồi khóc ngóng tin. Nhưng đau đớn nhất không chỉ là mất người, mà là mất xác.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Và cũng có lẽ không nơi nào có nhiều mộ gió (mộ không có xác) như đảo Lý Sơn. Quanh đảo, đi đâu cũng thấy những ngôi mộ nằm rải rác, ẩn mình trong những ruộng tỏi, hành. Tục đắp mộ gió của người dân trên đảo có cách đây hơn 300 năm, dưới thời Chúa Nguyễn và Triều Nguyễn.

Theo sử sách và gia phả các tộc họ trên đảo Lý Sơn, vào đầu thế kỷ XVII, hằng năm, Chúa Nguyễn lệnh cho mỗi tộc họ trên đảo (13 tộc) tuyển chọn 70 dân đinh khỏe mạnh, cường tráng, giỏi tài thao lược thành lập Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải để ra khơi làm nhiệm vụ cắm mốc, đo đạc thủy trình, tìm kiếm sản vật và dựng bia chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa.

Hành trang họ mang theo là 6 tháng lương thực, 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi mây buộc dài và 1 thẻ bài ghi rõ danh tính, bản quán, phiên hiệu. Những chuyến hải trình gian nan bằng phương tiện ghe bầu thô sơ, khiến nhiều lính Hoàng Sa chưa đến đảo đã mất mạng vì vô vàn những rủi ro thiên tai khi lênh đênh trên biển.

Người đến được thì chết vì đói, khát. Cứ thế, biết bao người con của Lý Sơn ra đi nhưng mấy ai trở về. Dấu ấn về những người “một đi không trở lại” vẫn còn được lưu lại trong những câu hát ru trên đảo Lý Sơn, như: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về”...

Tương truyền Chúa Nguyễn thường xuyên nằm mộng thấy những người lính năm xưa về nói: Họ chết mất xác, không biết đường về. Giấc mơ đó cứ lặp đi lặp lại nhiều đêm khiến Chúa trăn trở. Một hôm ông gọi pháp sư đến hỏi. Sau đó Chúa triệu tập các thầy cúng trong triều tìm cách đưa những vong hồn chết trên biển về. Qua nhiều lần bàn bạc, họ nghĩ ra cách làm giả hình nhân người chết để gọi hồn.

Ông Võ Văn Nhành, người cuối cùng làm nghề hình nhân trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Ông Võ Văn Nhành, người cuối cùng làm nghề hình nhân trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Những ngôi mộ gió đầu tiên trên đảo là mộ của cai đội Phạm Quang Ảnh cùng với 24 lính của Hải đội Hoàng Sa. Hơn 200 năm trước, cai đội Phạm Quang Ảnh cùng 70 suất lính với năm chiến thuyền bầu đi làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển, đo đạc thủy trình, tìm kiếm, khai thác những sản vật quý cung tiến triều đình.

Một lần cai đội Phạm Quang Ảnh cùng hải đội gặp bão biển và không trở về nữa. Do không tìm ra được xác của ông và đồng đội, vua Gia Long thân chinh ra tận Lý Sơn làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Trong đoàn tùy tùng của nhà vua, có một thầy phong thủy, thầy sai dân chúng lên núi Giếng Tiền lấy đất sét để nặn thành 25 hình người đã mất... Nặn xong, thầy lập đàn cúng chiêu hồn gọi vong linh các tử sĩ nhập vào tượng đất, rồi đem chôn cất.

Kể từ đó, người dân đảo Lý Sơn có tục đắp mộ gió cho người đi biển bị chết mất xác. Sau này, các binh phu đi Hoàng Sa, Trường Sa bị tử nạn cũng được thực hiện nghi lễ tương tự. Cũng từ đó, vai trò của thầy pháp ngày càng được chú trọng. Bởi hằng năm vào tháng 2, tháng 3 (âm lịch), người Lý Sơn làm lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Hầu hết các tộc họ trên đảo có người đăng lính Hoàng Sa, Trường Sa đều thực thi lễ thức này.

Chỉ mong… thất nghiệp

Ông Võ Văn Nhành (57 tuổi, trú thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn) là thế hệ thứ 6 của dòng họ Võ, và cũng là người duy nhất ở Lý Sơn còn theo nghề nặn hình nhân thế mạng. Không chỉ làm hình nhân thế mạng để an táng cho những ngư dân gặp nạn không tìm được xác, ông Nhành còn nhận công việc này vào dịp lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

Những ngôi mộ gió đầu tiên trên đảo là mộ của cai đội Phạm Quang Ảnh cùng với 24 lính của hải đội Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Những ngôi mộ gió đầu tiên trên đảo là mộ của cai đội Phạm Quang Ảnh cùng với 24 lính của hải đội Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Ông bảo, đây không đơn thuần là một công việc, mà là một trách nhiệm tâm linh. “Người sống cần một mái nhà, người chết cũng cần một chỗ để về. Nếu không làm hình nhân, linh hồn họ sẽ mãi cô độc ngoài biển khơi”, ông Nhành chậm rãi nói.

"Dù là nghề gia truyền của dòng họ nhưng việc ông Nhành theo nghề làm hình nhân thế mạng cũng từ một ngã rẽ đầy bất ngờ. Thời còn học sinh, ông Nhành nuôi dưỡng ước mơ được làm giáo viên. Nhưng năm 19 tuổi, một hôm cha tôi (ông Võ Văn Toại cũng là một “pháp sư” trên đảo, nay đã mất - PV) đi vắng thì có người đến nhờ làm hình nhân thế mạng cho người thân. Đợi mãi không thấy cha về nên tôi đành phải nhận lời với người ta. Không ngờ, tôi làm được và cũng từ đó đến nay đã gần 38 năm tôi gắn bó với nghề này của cha”, ông Nhành kể.

Theo ông Nhành, nghề làm hình nhân thế mạng rất “kén” người, không phải ai muốn cũng làm được. Người làm nghề này gọi là pháp sư hay thầy cúng. Để trở thành pháp sư làm hình nhân thế mạng thì người đó phải có “Tam thiên”, nghĩa là phải hội đủ 3 yếu tố: Nhứt sắc (khuôn mặt), Chí oai (oai phong) và Thiên tướng (tướng mạo).

Để làm hình nhân, pháp sư phải nắm rõ đầy đủ và chính xác lai lịch của người mất, rồi mới xem ngày lành, tháng tốt và tiến hành thu thập nguyên liệu để làm như đất sét được giã nhuyễn, chỉ tơ, than cây sầu đâu (sầu đông, xoan), dâu tằm, bông gòn… Đất sét phải được lấy ở núi Giếng Tiền (Giếng Tiền trước kia là miệng của núi lửa). Dâu tằm phải là cây dâu tằm “cô đơn”, tức không có nảy nhánh, nếu không đáp ứng được điều kiện đó thì sẽ “mất linh”.

Để nặn phổi, tim cho hình nhân pháp sư phải lấy đất ở ngã 3 đường, nhưng muốn lấy phải cột một con gà trống (đã được làm phép) tại đó. Gà mổ đất chỗ nào sẽ lấy đất ở đó mang về trộn với trứng gà so rồi làm. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, pháp sư mới có thể lập đàn tế, chiêu hồn và tiến hành nặn hình nhân.

“Đầu tiên là bỏ đất sét vào cối đá giã cho thật nhuyễn. Khi đất sét nhuyễn rồi thì bắt đầu nặn thành hình hài sao cho tương đối giống với người đã khuất. Xong hình hài thì lấy cây dâu tằm nắn các bộ phận như xương sườn (nam 7, nữ 9 đốt), xương sống, xương đùi, xương vai, xương mông và các ngón chân ngón tay… Đất được lấy ở ngã ba đường trộn với trứng gà so làm tim, phổi, chỉ tơ làm ruột và gân. Khi “lục phủ ngũ tạng” xong rồi thì bắt đầu chỉn chu cho bên ngoài, đó là dùng tăm cây dâu để vẽ mắt, lỗ mũi, lỗ rốn…

Theo Nguyễn Ngọc (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

null