Xóa nhà tạm, 'xây' lòng dân: Xây nhà ở lưng chừng trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thế rồi, từng mái nhà vững chãi thành hình và hoàn thiện dần. Đó là những ngôi nhà sàn được thiết kế theo kiểu nhà lắp ghép gồm trụ bê tông, sàn và vách gỗ, mái lợp tôn... vừa chắc chắn vừa phù hợp với tập tục sinh hoạt của người Vân Kiều.

Trong nhiều phát biểu kêu gọi sự đồng lòng của toàn xã hội chung tay thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là mệnh lệnh của trái tim, của lương tri và trách nhiệm với cộng đồng… Với Quảng Bình và Quảng Trị, trong bối cảnh số lượng nhà tạm, nhà dột nát tỷ lệ thuận với sự khó khăn của 2 địa phương; chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành, doanh nghiệp và nhân dân nơi đây đã nỗ lực bội phần để hoàn thành sứ mệnh ấy.

Bản Dốc Mây (xã Trường Sơn, H.Quảng Ninh, Quảng Bình) - chỉ cần nghe tên cũng biết độ xa ngái, cheo leo. Không phải ai cũng đủ dũng cảm và sức khỏe để "hành xác" trên chặng đường đầy hiểm nguy vào bản làng nằm lưng chừng trời này. Người dân nơi đây thiếu thốn trăm bề và một mái nhà vững chãi luôn là thứ họ cần nhất.

Biệt lập giữa Trường Sơn

Trường Sơn là xã miền núi khó khăn đặc biệt của H.Quảng Ninh và Dốc Mây là bản sâu nhất, xa nhất của xã, là nơi sinh sống của bà con người Vân Kiều. Cho đến tận bây giờ, muốn vào Dốc Mây chỉ có 2 cách. Một là lội bộ cắt rừng Trường Sơn mà vào. Phương án này thường chỉ dành cho người bản địa, bởi nếu là người lạ, với sức khỏe ở mức trung bình thì rất dễ đầu hàng trước 6 giờ đồng hồ lội bộ cùng các "chướng ngại vật" chỉ cần nghe tên đã "rén": dốc Biệt Kích, Cổng Trời, dốc Táu, dốc Sơn Gù… Phương án hai, có thể di chuyển bằng ô tô gầm cao, "bò" qua đoạn đường hơn 20 km đèo dốc, suối cao, vực sâu. Cách này thường được lựa chọn nếu có đoàn cán bộ từ dưới xuôi lên thăm bản, nhưng cũng chỉ khả thi vào ngày nắng ráo.

Bản Dốc Mây nhìn từ trên cao
Bản Dốc Mây nhìn từ trên cao

Giữa bốn bề Trường Sơn hùng vĩ, bản Dốc Mây hầu như luôn biệt lập với bên ngoài. Nhiều người có số lần ra khỏi bản chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó, có người bảo rằng bản Dốc Mây có tên như vậy là vì ở đây không có gì… ngoài mây trời. Nghe qua thì lãng mạn, nhưng thực tế cho thấy đây từng là bản nhiều không: không điện, không nước, không đường, không trạm… Đến gạo, loại thực phẩm cơ bản để duy trì sự sống của dân bản cũng phải gùi cõng từ bên ngoài vào. Nên mỗi khi mưa lũ, cái ăn trở nên khó khăn hơn khi nào hết.

Người dân ở Dốc Mây hiện vẫn sống trong nhiều khó khăn do quá biệt lập với bên ngoài
Người dân ở Dốc Mây hiện vẫn sống trong nhiều khó khăn do quá biệt lập với bên ngoài

Những bậc già làng ở Dốc Mây cho biết bản cũng chỉ mới hình thành vài chục năm trở lại đây, từ vài ba hộ gia đình đầu tiên đến đây khai hoang. Đến năm 1986, bản chính thức trở thành đơn vị hành chính của xã Trường Sơn và hiện có 26 hộ, hơn 110 nhân khẩu sinh sống.

Đã có người tự hỏi cớ sao bà con lại chọn nơi "thâm sâu cùng cốc" này để quần tụ bên nhau? Hay cớ sao chính quyền không đưa họ ra khỏi Dốc Mây xa thẳm để định cư ở một nơi khác, bớt khó khăn hơn? Xin thưa, chính quyền đã nhiều lần ngỏ ý nhưng bà con không chịu. "Sống ở Dốc Mây này đã qua vài chục mùa cây rừng thay lá, quen tiếng chim hót, quen tiếng vượn kêu, quen cả tiếng suối, tiếng mưa rồi… Sao bỏ bản mà đi được! Dù có khổ, phải gùi cõng cơm gạo vào ra thì dân bản cũng chỉ muốn sống ở đây thôi", ông Hồ Xi, Trưởng bản Dốc Mây, nói.

Vận chuyển nguyên vật liệu để làm nhà ở Dốc Mây rất thách thức do đường đi hiểm trở
Vận chuyển nguyên vật liệu để làm nhà ở Dốc Mây rất thách thức do đường đi hiểm trở

Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn Nguyễn Văn Nhì cũng lắc đầu cho hay xã từng khảo sát và vận động đồng bào ra sống ở giáp bản Rìn Rìn nhưng bà con không chịu, còn đầu tư làm một con đường nối từ bản Rìn Rìn đến Dốc Mây thì vượt quá tầm của xã…

"Cõng" nhà lên non

Vì "trời không chịu đất, nên đất phải chịu trời". Không để dân bản Dốc Mây tụt lại phía sau, chính quyền và các ngành chức năng đã làm rất nhiều cách để kéo đời sống bà con đi lên theo hướng tốt đẹp hơn.

Không để bà con đói, chính quyền, Bộ đội biên phòng ngoài việc hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm… đã hướng dẫn bà con trồng hoa màu trên nương rẫy, tham gia chăm sóc bảo vệ rừng để có thu nhập (trên dưới 30 triệu đồng/hộ/năm). Bản từng không có trường thì chính quyền nay đã xây dựng 1 điểm trường tiểu học, là nơi học hành cho 22 em trong 2 lớp ghép. Bản chưa có nhà văn hóa thì nay đã xây được nhà văn hóa khang trang. Bản không có điện thì được đầu tư hệ thống điện mặt trời. Bản thiếu nước thì hỗ trợ đầu tư hệ thống nước sạch…

Những ngôi nhà Đại đoàn kết ở Dốc Mây đã hoàn thành trước Tết Ất Tỵ
Những ngôi nhà Đại đoàn kết ở Dốc Mây đã hoàn thành trước Tết Ất Tỵ

Tháng 8.2024, người dân Dốc Mây đón một vị khách đặc biệt, lần đầu lên với bản. Đó là ông Vũ Đại Thắng, khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình (hiện đã được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh). Lặn lội vào Dốc Mây, chứng kiến đời sống của đồng bào, ông Thắng trực tiếp giao nhiệm vụ cho lực lượng Bộ đội biên phòng phụ trách xây dựng 8 ngôi nhà Đại đoàn kết, tổng giá trị 1,3 tỉ đồng, ở Dốc Mây, yêu cầu hoàn thành trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Trước "đề bài khó" từ Bí thư Tỉnh ủy, những người lính biên phòng Quảng Bình lập tức bắt tay vào việc. Thế nhưng, liên hệ qua nhiều nhà thầu họ chỉ nhận được những cái lắc đầu. Lý do, việc đưa nguyên vật liệu vào bản Dốc Mây là rào cản rất lớn cho các đơn vị thi công.

May mắn thay, cuối cùng họ mời được Doanh nghiệp tư nhân Bé Tuyến (có trụ sở tận TT.Krông Klang, H.Đakrông, Quảng Trị) vượt đường xa, đồng hành thực hiện nhiệm vụ khó khăn này. Theo thiếu tá Trần Huy Hoàng, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Làng Mô, 8 ngôi nhà Đại đoàn kết ở Dốc Mây khởi công từ ngày 13.1.2025 và phải hoàn thành trong nửa tháng. "Đó là khoảng thời gian "vượt nắng thắng mưa" và chúng tôi đã tăng cường quân số để hỗ trợ nhà thầu kịp hoàn thành công trình trước tết", thiếu tá Hoàng kể.

Ngôi nhà này là ước mơ một đời của nhiều người dân bản Dốc Mây
Ngôi nhà này là ước mơ một đời của nhiều người dân bản Dốc Mây

Trong khi đó, ông Đinh Công Tráng, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Bé Tuyến, vẫn còn "rùng mình" khi nhắc lại hành trình vào Dốc Mây. Ông kể đoàn xe chở nguyên vật liệu có lúc tưởng như đã mắc kẹt giữa rừng khi gặp những ghềnh đá quá khó đi. Bằng cả sức máy, sức người thì đoàn xe mới đến được bản vào 1 giờ sáng dù đã xuất phát rất sớm. Đến bà xã ông ở nhà cũng một phen bấn loạn vì không biết chồng đang ở nơi nào giữa rừng núi hoang vu, điện thoại thì mất sóng…

Thế rồi, từng mái nhà vững chãi thành hình và hoàn thiện dần. Đó là những ngôi nhà sàn được thiết kế theo kiểu nhà lắp ghép gồm trụ bê tông, sàn và vách gỗ, mái lợp tôn... vừa chắc chắn vừa phù hợp với tập tục sinh hoạt của người Vân Kiều. "Ngôi nhà này với bố còn hơn cả giấc mơ. Sống cả đời giữa đại ngàn mà không cất được nhà để ở. Nay thì bố toại nguyện rồi", già Hồ Huy, một trong 8 hộ dân được nhận nhà Đại đoàn kết, xúc động nói.

Ngày khánh thành nhà mới, cả bản mở hội reo vui, nụ cười tràn trong từng ánh mắt. Ai cũng bảo chưa có cái tết nào bản Dốc Mây vui đến vậy! Còn nói như đại tá Ngô Minh Điền, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình, những ngôi nhà Đại đoàn kết là minh chứng cho tình quân dân, nghĩa đồng bào… dù có ở nơi xa xôi nhất vẫn vẹn nguyên, nồng ấm. (còn tiếp)

Theo Nguyễn Phúc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Mai Thanh Minh trong một cuộc giao lưu tại Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt

Có một nhà tù “độc nhất vô nhị” trên thế giới Kỳ III - Những tù nhân thiếu nhi tự mổ bụng phản đối kẻ thù

Ở Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt, đáng sợ nhất đối với các tù nhân nhỏ tuổi là cái rét kinh người trong khi chỉ có manh áo mỏng che thân. Kẻ thù cũng biết điều đó, và chúng đã dùng thủ đoạn cực kỳ dã man là dội nước vào những người tù nhỏ bé, yếu ớt trong đêm khuya giá lạnh.

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.