Xóa nhà tạm, 'xây' lòng dân: Hoàn thành bằng được 'mệnh lệnh trái tim'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được phát động cao điểm thực hiện trên cả nước trong bối cảnh chủ trương lớn về tinh giản biên chế, sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện của T.Ư cũng đang được khẩn trương triển khai.

Giữa bộn bề công việc, giữa thời điểm chuyển giao, sắp xếp lại cơ cấu và con người, chính quyền, mặt trận cấp huyện vẫn nỗ lực hoàn thành bằng được "mệnh lệnh trái tim", lo cho người dân trước khi lo cho mình.

Món quà lớn kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện

Dịp 19.3 vừa qua, huyện vùng trũng Hải Lăng (Quảng Trị) tưng bừng lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện. Rất nhiều hoạt động lễ hội, ẩm thực, văn hóa - văn nghệ… đã được tổ chức để người dân địa phương đắm mình trong sự kiện 50 năm mới có một lần.

Dịp này, với nỗ lực rất lớn, chính quyền H.Hải Lăng đã tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng 37 ngôi nhà Đại đoàn kết. Đáng nói, vào cuối năm 2024, huyện mới tiến hành rà soát và xác định 37 hộ có hoàn cảnh khó khăn, cần xây dựng mới nhà ở và đủ điều kiện để được hỗ trợ. Ban đầu, huyện đặt mục tiêu công trình xây dựng 37 ngôi nhà sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025, nhưng cuối cùng kế hoạch đã được hoàn thành ngay trong quý 1/2025, đúng dịp lễ trọng của địa phương.

Chào mừng 50 năm giải phóng H.Hải Lăng (Quảng Trị), dịp 19.3 vừa qua, có 37 ngôi nhà Đại đoàn kết đã được khánh thành, bàn giao cho bà con
Chào mừng 50 năm giải phóng H.Hải Lăng (Quảng Trị), dịp 19.3 vừa qua, có 37 ngôi nhà Đại đoàn kết đã được khánh thành, bàn giao cho bà con
Đến ngày khánh thành, anh Nguyễn Văn Vỹ (trái), người đàn ông tật nguyền 42 tuổi sống ở thôn Diên Khánh ở xã Hải Dương, H.Hải Lăng mới tin là mình đã có ngôi nhà mơ ước
Đến ngày khánh thành, anh Nguyễn Văn Vỹ (trái), người đàn ông tật nguyền 42 tuổi sống ở thôn Diên Khánh ở xã Hải Dương, H.Hải Lăng mới tin là mình đã có ngôi nhà mơ ước

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Đức Thịnh, Chủ tịch UBND H.Hải Lăng, cho biết mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trên địa bàn là một trong những nội dung trọng tâm của chương trình kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện để thật sự có thể đi vào thực chất, không nói suông. "Ban thường vụ Huyện ủy Hải Lăng đã đặt ra mục tiêu không còn hộ gia đình trên địa bàn phải sống trong những căn nhà tạm bợ, dột nát trong dịp kỷ niệm ngày giải phóng huyện", ông Thịnh nói.

Cũng theo ông Thịnh, dù nguồn lực hạn chế nhưng địa phương đã khéo léo vận dụng xã hội hóa, kêu gọi sự vào cuộc của các tổ chức, doanh nghiệp hảo tâm cùng con em quê hương chung tay góp sức… Để rồi, từ nỗ lực vượt bậc của nhiều bên đã mang lại món quà quý giá cho các trường hợp khó khăn vào dịp kỷ niệm giải phóng huyện.

Ví như anh Nguyễn Văn Vỹ, người đàn ông tật nguyền 42 tuổi sống ở thôn Diên Khánh (xã Hải Dương), đến ngày 11.3, khi cầm trong tay chìa khóa mới tin mình đã thật sự có một ngôi nhà mơ ước. Chân bị tật, sức khỏe kém, làm nghề "thợ đụng" ở địa phương…, với anh Vỹ, ngôi nhà trị giá gần 200 triệu đồng (được chính quyền hỗ trợ 110 triệu đồng) thật sự không chỉ cho anh một tổ ấm mà còn giúp anh bước qua mặc cảm thiệt thòi, tự ti suốt hàng chục năm trời.

Những ngôi nhà mới của đồng bào Ma Coong ở bản Cồn Roàng (xã Thượng Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình)
Những ngôi nhà mới của đồng bào Ma Coong ở bản Cồn Roàng (xã Thượng Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình)
Mỗi đồn biên phòng ở Quảng Bình được giao đảm nhận xóa 5 nhà tạm, dột nát
Mỗi đồn biên phòng ở Quảng Bình được giao đảm nhận xóa 5 nhà tạm, dột nát
Mỗi đồn biên phòng ở Quảng Bình được giao đảm nhận xóa 5 nhà tạm, dột nát
Mỗi đồn biên phòng ở Quảng Bình được giao đảm nhận xóa 5 nhà tạm, dột nát

Hay như bệnh binh Lê Minh Khởi (ở thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng) đã trào nước mắt khi có cho mình ngôi nhà lúc tuổi đã xế chiều. Đó là một ngôi nhà vừa kiên cố, cao ráo, đủ vững vàng để chống chọi những trận mưa bão thường xuyên ở huyện vùng trũng này. "Không chỉ hỗ trợ kinh phí, mặt trận các cấp còn phối hợp chính quyền, các tổ chức đoàn thể vận động người dân trong cộng đồng đóng góp ngày công lao động, nguyên vật liệu để giúp tôi hoàn thành căn nhà này", ông Khởi xúc động chia sẻ.

Dù đã cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm bợ, dột nát trên địa bàn, nhưng dường như chính quyền H.Hải Lăng vẫn cảm thấy chưa đủ. Bởi Bí thư Huyện ủy Nguyễn Khánh Vũ cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát lại các nhà tình nghĩa đã xây dựng trước đây, nếu như xuống cấp thì tiếp tục hỗ trợ sửa chữa…

"Tới đây, theo chủ trương lớn của T.Ư, tên gọi huyện Hải Lăng sẽ không còn, nhưng những ngôi nhà Đại đoàn kết, những ngôi nhà tình nghĩa mà mọi người đã đồng lòng xây dựng, sửa chữa cho người dân huyện nhà sẽ còn tồn tại. Sau này, người ta sẽ vẫn nhắc nhớ về nỗ lực của chính quyền trong nâng cao đời sống của nhân dân", ông Võ Văn Vượng, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN H.Hải Lăng, nói đầy tự hào.

"Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả"

Đó là nhấn mạnh của ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, trong chỉ đạo thực hiện kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ông Quang khẳng định dù khó khăn đến đâu cũng phải hoàn thành với quyết tâm cao, chủ động, huy động mọi nguồn lực của xã hội để cùng chung tay… và tất cả đều phải rõ ràng, minh bạch.

Cái khó mà ông Quang nói ở đây, ai cũng biết đó là… kinh phí. Bởi Quảng Bình có hơn 1.500 nhà tạm, nhà dột nát phải xóa, theo kế hoạch là trước tháng 10.2025. Với mỗi ngôi nhà trung bình cần 100 triệu đồng thì kinh phí bỏ ra không hề nhỏ. Tuy nhiên, trong thực tế, chính quyền, mặt trận cấp địa phương đã rất biết "lựa cơm, gắp mắm" để hoàn thành từng phần việc.

Ví như ở bản Cồn Roàng, xã Thượng Trạch (H.Bố Trạch), đồng bào Ma Coong ở đây đã được ưu tiên xây dựng 11 ngôi nhà Đại đoàn kết để đón Tết Ất Tỵ. "Bản có 62 hộ, toàn người Ma Coong, ai cũng nghèo. Nhưng dân bản đã ngồi lại thống nhất chọn ra 11 hộ khó khăn nhất về nhà ở để nhận nhà mới trong đợt này. Những hộ khác sẽ chờ lần sau. Vậy nên không ai thắc mắc gì, còn phụ nhau làm nhà nữa", già Đinh Doong, Trưởng bản Cồn Roàng, nói về "cái lý" của người vùng cao.

Chị em phụ nữ ở H.Lệ Thủy (Quảng Bình) tham gia đóng góp ngày công xóa nhà tạm
Chị em phụ nữ ở H.Lệ Thủy (Quảng Bình) tham gia đóng góp ngày công xóa nhà tạm
Lực lượng công an xã và linh mục Trương Văn Thực, giáo xứ Đồng Hội (xã Đồng Hóa, H.Tuyên Hóa, Quảng Bình) cùng tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng giúp người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát
Lực lượng công an xã và linh mục Trương Văn Thực, giáo xứ Đồng Hội (xã Đồng Hóa, H.Tuyên Hóa, Quảng Bình) cùng tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng giúp người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát

Bên cạnh đó, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình xác định xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị quan trọng năm 2025, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn lực lượng. "Chúng tôi giao nhiệm vụ cho mỗi đồn biên phòng đứng chân trên 2 tuyến biên giới đảm nhận tối thiểu 5 nhà. Quyết tâm đến tháng 6.2025 sẽ hoàn thành", đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình, nói ngắn gọn và rõ ràng.

Chị em phụ nữ ở H.Lệ Thủy cũng không đứng ngoài cuộc. Hàng trăm lượt hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện ngoài ủng hộ kinh phí còn trực tiếp hỗ trợ vận chuyển vật liệu, đổ bê tông… giúp 34 gia đình trên địa bàn dựng nhà mới.

Còn tại giáo xứ Đồng Hội (xã Đồng Hóa, H.Tuyên Hóa), để làm gương cho giáo dân, linh mục Trương Văn Thực trực tiếp cùng tham gia với các lực lượng tình nguyện vận chuyển từng viên gạch từ thuyền lên xe tải để tập kết xây nhà giúp người nghèo. Sự tham gia của linh mục, giáo dân giáo xứ Đồng Hội đã tạo thêm sức lan tỏa, tình yêu thương trong cộng đồng và góp phần đẩy nhanh chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn hoàn thành đúng tiến độ đề ra với tổng cộng 27 nhà.

Hay như phần việc rất thiết thực của Ủy ban MTTQ VN xã Thanh Trạch (H.Bố Trạch) khi đứng ra tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ, thu về 120 triệu đồng để góp phần giúp 7 hộ khó khăn trên địa bàn có được mái ấm đúng nghĩa…

Mới hay, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không phải là việc của riêng ai mà là biểu tượng cho tình đoàn kết của những người dân nước Việt.

Xóa nhà tạm, "xây" lòng dân là vậy!

Nỗ lực về đích

Tại tỉnh Quảng Trị, qua rà soát có hơn 7.000 hộ dân khó khăn về nhà ở thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Hiện, toàn tỉnh đã xây dựng được 2.000 ngôi nhà. Tỉnh quyết tâm đến ngày 2.9 sẽ về đích chương trình.

Trong khi đó, tại Quảng Bình, số liệu đến cuối tháng 3.2025 cho thấy đã có 1.160/1.553 căn nhà được khởi công, đạt 74,7% (635 xây mới, 525 sửa chữa), đã hoàn thành 315 nhà, hiện còn 393 nhà.

Theo Nguyễn Phúc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Giữ vị chè Truồi

Giữ vị chè Truồi

Làng Truồi (đoạn thuộc xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, thành phố Huế), bát nước chè trong veo chứa đựng từng giọt tinh túy của đất trời. Không để hương vị đặc trưng của chè Truồi bị lãng quên, các nông hộ nơi đây đang mở ra hướng đi đột phá cho loại đặc sản này.

Tái chế đến tái sinh

Tái chế đến tái sinh

Tại một xưởng nhỏ nằm sâu trong vùng ngoại ô Bình Định, tiếng nói cười rộn ràng luôn tràn ngập giữa không gian xanh mát của cây trái tạo nên một không khí đầy sức sống.

Theo chân ông Voi

Theo chân ông Voi

Dưới những dải rừng tự nhiên dọc đại ngàn Trường Sơn, người dân nơi đây luôn kể cho nhau nghe về sự xuất hiện của những ông voi to lớn mỗi khi chạm mặt.

Ngược dòng Thác Ma

Ngược dòng Thác Ma

Sông Thác Ma, tên gọi dân dã của một nhánh nhỏ hợp lưu với sông Ô Lâu, bắt nguồn từ vùng rừng phía Tây huyện Hải Lăng (Quảng Trị), xuôi qua các làng Khe Mương, Trầm, Tân Điền, Cồn Tàu - xã Hải Sơn, rồi đổ về Hải Chánh, hòa vào sông lớn.

Chuyện xóa nhà tạm ở vùng cao: Mệnh lệnh từ trái tim

Chuyện xóa nhà tạm ở vùng cao: Mệnh lệnh từ trái tim

Từ mệnh lệnh trái tim, những người lính Biên phòng Sơn La đã “cùng ăn, cùng ở” giúp người dân nghèo biên giới xóa nhà tạm, nhà dột nát. Việc làm của cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng dân, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.