Ăn Tết, chơi Tết và nghỉ Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tết Nguyên đán là một nét đẹp văn hóa, dấu ấn quan trọng trong đời mỗi người. Người Việt coi trọng những dịp giỗ chạp, Tết nhất để con cháu, dòng họ sum vầy, “biết bà biết con”, tưởng nhớ tổ tiên, ghi ơn những tiền hiền mở đất lập nên làng, xã. Sau một năm quần quật mưu sinh, ngày Tết là dịp để mỗi người nhìn nhận lại mình, nhìn lại các mối quan hệ, từ đó hoạch định đường hướng cho năm mới. Dịp Tết người người đều trở nên phóng khoáng, bao dung, vị tha hơn.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước đây, đời sống của đại bộ phận nhân dân ta nghèo đói, Tết là lúc được ăn no, ăn ngon, có quần áo mới. Nhớ thời bao cấp, quanh năm tem phiếu, thịt cá mấy khi ăn đủ bữa, Tết mổ trộm heo, bò chia nhau mà ít bị hoạnh họe, làm khó, có ăn miếng tươi cũng không bị ai dòm, ai tố. Người quê chờ Tết hùn nhau mổ heo chia phần, thịt xương lòng đủ cả. Cứ đến đầu tháng Chạp là í ới gọi nhau mượn khuôn bánh, canh giờ luân phiên làm các món bánh mứt cúng gia tiên ngày Tết. Người khấm khá thì khoe khoang nhà cửa, bánh mứt, ăn diện; người nghèo khó thì tất bật, buồn tủi trước những câu hỏi của con thơ về quần áo, giày dép, bánh trái ngày Tết. Bây giờ bánh kẹo, thịt cá ê hề, bánh mứt truyền thống đã được một số người làm chuyên nghiệp, ít ai còn tự làm để dùng.

Sau này đời sống khấm khá, cái ăn cái mặc không còn là vấn đề quá nan giải, bức xúc; vả lại hàng hóa dồi dào, ai có tiền là mua bất cứ món gì thích, ăn uống thỏa thuê thường ngày, nên Tết chuyển từ ăn sang chơi. Cả gia đình, con cái đùm túm nhau đến các điểm vui chơi, giải trí, nơi mà trong năm họ không có dịp, hoặc không có điều kiện đưa con em đi. Các điểm vui chơi quá tải, đường sá xe cộ dập dìu, nguy cơ tai nạn gia tăng. Một số người khá giả còn tranh thủ dịp Tết du lịch, vui chơi đây đó. Không ít điểm vui chơi tranh thủ chặt chém, rồi dịch vụ quá tải khiến người này thì hài lòng, người khác bức xúc. Đôi lúc mệt mỏi bơ phờ, cả ngày chỉ đi xem người, phơi nắng tưởng vui vẻ, giải trí lại mua thêm cái bực bội vào người.

Năm nay xu thế chơi Tết đã giảm. Những nghi lễ hình thức, kéo nhau từ cơ quan này đến cơ quan khác không còn. Việc rồng rắn nhà này sang nhà kia chúc Tết cũng giảm hẳn. Nhiều người đi du lịch xa thấy bỗng dưng tự mình làm mất ý nghĩa của ngày Tết, vì có tiền muốn đi du lịch lúc nào chả được. Với lại tại các điểm du lịch trong nước, đa số nhân viên nghỉ Tết nên khâu phục vụ không chu đáo như ngày thường.

Những người có dịp chứng kiến Tết của nhiều quốc gia, dân tộc đều cho rằng Tết của người Việt rất thiêng liêng, ấn tượng. Chúng ta làm ăn tất bật quanh năm, Tết xem như quy ước của toàn xã hội để có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhau. Bây giờ nhiều người có xu hướng xem Tết là dịp để nghỉ ngơi, thăm thú người thân, tưởng vọng đến tiên tổ. Không còn nặng nề cái ăn, cái mặc, không vướng bận đến những lễ nghi, hình thức chúc tụng, cũng không quá ham đi lại, vui chơi, Tết là lúc thư giãn sau một thời gian tất bật. An toàn, tiết kiệm và tạo ý nghĩa nhân văn, đáng nhớ trong dịp Tết là mong muốn của mọi người, mọi nhà.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm