95 bị hại yêu cầu bồi thường trong vụ thao túng chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Viện KSND tối cao cáo buộc cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của hơn 30.000 nhà đầu tư thông qua việc bán cổ phiếu ROS.

Ngày 22.7, TAND TP.Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC (gọi tắt là Tập đoàn FLC) và 49 bị cáo trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong số các sai phạm, ông Quyết bị cáo buộc cùng đồng phạm chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của hơn 30.000 nhà đầu tư, thông qua các thủ đoạn gian dối khi phát hành cổ phiếu ROS.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

Kế hoạch nâng khống vốn gần 3.000 lần

Theo cáo trạng vụ án, Công ty CP xây dựng FLC Faros (gọi tắt là Công ty Faros) có tiền thân là Công ty CP giải trí Green Belt với số vốn điều lệ 1,5 tỉ đồng, được ông Trịnh Văn Quyết mua lại vào năm 2012, rồi nhờ người đứng tên.

Sau khi gia nhập "hệ sinh thái" FLC, Công ty Faros được ông Quyết giao làm tổng thầu các dự án mà tập đoàn làm chủ đầu tư. Tuy không đứng tên trong ban lãnh đạo, nhưng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Faros đều do ông Quyết điều hành.

Quá trình hoạt động, Công ty Faros được xác định "không có nguồn vốn và tài sản bảo đảm". Để tạo nguồn tiền, ông Quyết ra chủ trương nâng khống vốn điều lệ của doanh nghiệp này, đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán, bán cổ phiếu cho nhà đầu tư để thu lợi.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC giao em gái là Trịnh Thị Minh Huế soạn thảo các biên bản họp HĐQT, nghị quyết HĐQT về việc tăng vốn điều lệ, sau đó chuyển cho các thành viên HĐQT (vốn là cấp dưới hoặc người thân của ông Quyết) ký hợp thức.

Ông Quyết còn trực tiếp chỉ đạo em gái soạn thảo các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, giấy nộp tiền, ủy nhiệm chi, chuyển cho 15 cá nhân do 2 anh em nhờ đứng tên là cổ đông, hoặc ký thay chữ ký. Các "cổ đông" này đăng ký vốn góp khống và được hạch toán vốn góp vào Công ty Faros.

Bước tiếp theo, lãnh đạo Công ty Faros sẽ ký khống các hợp đồng ủy thác đầu tư hoặc hợp tác kinh doanh với các cá nhân, pháp nhân là người thân quen, nhân viên Tập đoàn FLC, nhằm cân đối số vốn góp khống.

Với thủ đoạn trên, chỉ trong 2 năm, từ tháng 4.2014 đến tháng 3.2016, ông Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã 5 lần lập hồ sơ khống, "thổi" vốn điều lệ của Công ty Faros từ vỏn vẹn 1,5 tỉ đồng lên tới 4.300 tỉ đồng. Trong số này, vốn góp thực chỉ là gần 1.200 tỉ đồng, hơn 3.100 tỉ đồng còn lại là ảo.

Cơ quan tố tụng khám xét trụ sở Tập đoàn FLC tại thời điểm khởi tố vụ án

Cơ quan tố tụng khám xét trụ sở Tập đoàn FLC tại thời điểm khởi tố vụ án

Những "cánh cửa" lần lượt được mở

Hoàn tất việc tăng vốn khống, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bàn bạc cùng cấp dưới tìm cách niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros lên sàn chứng khoán. Một trong những điều kiện tiên quyết là phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính.

Tháng 12.2016, đại diện Công ty Faros và đại diện Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA Hà Nội) ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính của Công ty Faros năm 2014, 2015 và 6 tháng đầu năm 2016.

Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù báo cáo tài chính của Công ty Faros trong giai đoạn trên không đủ cơ sở nhưng phía công ty kiểm toán vẫn phát hành các báo cáo kiểm toán độc lập, với nội dung chấp nhận toàn phần. Hành vi này đã góp phần "tiếp sức" cho sai phạm của ông Quyết và đồng phạm.

Tháng 4.2016, Công ty Faros gửi hồ sơ đến Ủy ban Chứng khoán nhà nước, đề nghị xem xét và chấp thuận việc đăng ký công ty đại chúng. Nhưng vì các báo cáo tài chính không đúng quy định, Vụ Giám sát công ty đại chúng đề nghị doanh nghiệp giải trình về quá trình tăng vốn, cung cấp tài liệu có liên quan.

Lãnh đạo Vụ Giám sát công ty đại chúng cũng làm việc với công ty kiểm toán, xác định việc chấp thuận toàn phần đối với báo cáo tài chính của Công ty Faros là "chưa phù hợp", yêu cầu kiểm toán lại.

Tuy nhiên, CPA Hà Nội không thực hiện kiểm toán lại. Công ty này tiếp tục phát hành các báo cáo kiểm toán độc lập với nội dung chấp thuận toàn phần như ban đầu, kèm theo một số "lưu ý người đọc báo cáo tài chính".

Có được báo cáo kiểm toán mới, Công ty Faros lần thứ hai đề nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng.

Tiếp nhận hồ sơ lần này, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng Lê Công Điền ký báo cáo kèm tờ trình gửi Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, đề nghị phê duyệt chấp thuận Công ty Faros là công ty đại chúng. Tờ trình có nội dung thể hiện các báo cáo kiểm toán trong hồ sơ của Công ty Faros "còn một số vấn đề".

Tháng 7.2016, sau khi Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước đồng ý, Vụ Giám sát công ty đại chúng lần lượt ký công văn gửi Sở KH-ĐT TP.Hà Nội, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Hà Nội thông báo về việc tăng vốn của Công ty Faros, đồng thời đề nghị đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Ủy ban Chứng khoán nhà nước về việc chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng của Công ty Faros.

Tại cơ quan điều tra, ông Điền thừa nhận hồ sơ của Công ty Faros có sai phạm, nhưng vì ông Trịnh Văn Quyết "có nhiều mối quan hệ", lo ngại ảnh hưởng đến công việc nên ông Điền vẫn làm tờ trình và các văn bản liên quan đến việc chấp thuận công ty đại chúng.

Từ trái qua gồm: bị cáo Trần Đắc Sinh, Trịnh Văn Quyết và Lê Hải Trà

Từ trái qua gồm: bị cáo Trần Đắc Sinh, Trịnh Văn Quyết và Lê Hải Trà

Xả bán cổ phiếu, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ

Sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận là công ty đại chúng, Công ty Faros có công văn gửi Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, đề nghị cho đăng ký lưu ký 430 triệu cổ phiếu ROS, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị phát hành là 4.300 tỉ đồng.

Viện KSND tối cao xác định, hồ sơ đề nghị của Công ty Faros có nhiều nội dung không đủ căn cứ để được đăng ký chứng khoán, thế nhưng Tổng giám đốc Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam Dương Văn Thanh vẫn ký giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán cho doanh nghiệp.

Hành vi trên đã giúp cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và đồng phạm "mở thêm một cánh cửa" sai phạm.

Chỉ có 95 bị hại yêu cầu bồi thường

Trong số hơn 30.000 nhà đầu tư, đến nay cơ quan tố tụng xác định có 133 người đang sở hữu hơn 627.000 cổ phiếu ROS ban đầu (hình thành từ vốn góp khống). Tuy nhiên, chỉ có 95 bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại do đang sở hữu hơn 381.000 cổ phiếu với giá trị mua gần 1,4 tỉ đồng.

Theo quy định tại Nghị định số 58/2012, để được niêm yết chứng khoán trên sàn HOSE, công ty phải có vốn chủ sở hữu trên 120 tỉ đồng và trên 300 cổ đông.

Điều kiện về vốn góp đã đủ, nhưng số lượng cổ đông thì chưa đạt. Do đó, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái lấy danh sách cán bộ, nhân viên công ty rồi lập thành 386 cổ đông, đồng thời hợp thức việc chuyển nhượng hoặc bán một phần nhỏ cổ phần.

Với chiêu trò này, ông Quyết đứng tên sở hữu 41,70% cổ phần Công ty Faros, 3 pháp nhân và 11 công ty đứng tên giúp ông Quyết 57,79%, 370 cổ đông còn lại sở hữu 0,42%.

Tháng 7.2016, Công ty Faros gửi hồ sơ kèm giấy đăng ký niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE. Nghiên cứu bước đầu, HOSE nhận thấy hồ sơ chưa đầy đủ nên đề nghị Công ty Faros chỉnh sửa, bổ sung.

Để giải trình, Công ty Faros thuê Công ty ASC kiểm toán báo cáo tài chính riêng, báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo vốn góp chủ sở hữu. Nhưng giống với công ty kiểm toán trước đó, dù hồ sơ không đảm bảo, Công ty ASC vẫn ban hành báo cáo kiểm toán xác nhận Công ty Faros có số vốn góp là 4.300 tỉ đồng.

Quá trình hoàn thiện hồ sơ sau đó, Công ty Faros cung cấp các báo cáo kiểm toán bổ sung nêu trên, nhưng cũng không làm rõ được việc góp vốn, sử dụng và thu hồi vốn đối với các khoản ủy thác đầu tư.

Tháng 8.2016, bất chấp hồ sơ không đủ điều kiện, sự tiếp tay từ dàn lãnh đạo HOSE đã mở "cánh cửa cuối cùng" giúp 430 cổ phiếu ROS chính thức được giao dịch trên sàn. Những người này gồm Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch HĐQT; Lê Hải Trà, cựu Tổng giám đốc; Trầm Tuấn Vũ, cựu Phó tổng giám đốc; và Lê Thị Tuyết Hằng, cựu Giám đốc Phòng quản lý và thẩm định niêm yết HOSE.

Sau khi cổ phiếu ROS được niêm yết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái sử dụng 518 tài khoản của người thân quen hoặc nhân viên để giao dịch. Thông qua sàn HOSE, các bị cáo đã bán hơn 391 cổ phiếu ROS cho hơn 30.000 nhà đầu tư, qua đó chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng.

Có thể bạn quan tâm

Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri huyện Kbang, Đak Đoa, Đak Pơ và thị xã An Khê

Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri huyện Kbang, Đak Đoa, Đak Pơ và thị xã An Khê

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai trả lời kiến nghị của cử tri huyện Kbang, Đak Đoa, Đak Pơ và thị xã An Khê liên quan đến việc thi công đấu nối đường dân sinh với đường tỉnh 669, dự án thuê đất trồng rừng của Công ty TNHH Hưng Thịnh Nguyên và chính sách hỗ trợ làm ao, hồ nhỏ đảm bảo nước tưới cho cây trồng.

Thư Tòa soạn

Thư Tòa soạn

(GLO)- Cùng với việc sáp nhập tỉnh, từ ngày 1-7, Báo Gia Lai hợp nhất với Báo Bình Định thành Báo Gia Lai mới.

Gia Lai bố trí lại hơn 179,5 tỷ đồng từ nguồn sử dụng đất cho dự án hồ sơ địa chính

Gia Lai bố trí lại hơn 179,5 tỷ đồng từ nguồn sử dụng đất cho dự án hồ sơ địa chính

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 27, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 505/NQ-HĐND về việc sử dụng nguồn tiền sử dụng đất của dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và dữ liệu địa chính tỉnh Gia Lai chưa phân bổ để cấp cho các dự án đầu tư từ nguồn tiền sử dụng đất chưa được cấp.

Các cây gỗ lớn bị cưa hạ nằm chỏng chơ tại khuôn viên trụ sở UBND phường Cheo Reo. Ảnh: NLĐO

Việc chặt cây gỗ lớn tại trụ sở phường Cheo Reo: Nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định

(GLO)- Theo một số thông tin báo chí đăng tải, trước ngày sáp nhập xã, phường, hàng loạt cây gỗ lớn trong khuôn viên trụ sở UBND phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa) bị cưa hạ rồi đem bán, khiến nhiều người dân bức xúc. Để làm rõ thông tin này, P.V Báo Gia Lai đã vào cuộc tìm hiểu.

Tặng nhiều phần quà cho người nghèo và học sinh khó khăn huyện Chư Sê

Tặng nhiều phần quà cho người nghèo và học sinh khó khăn huyện Chư Sê

(GLO)- Ngày 22-6, Hội Chữ thập đỏ huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) phối hợp với chùa Mỹ Thạch và nhóm giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP. Hà Nội) và đoàn từ thiện TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) tổ chức chương trình “Tiếp sức đến trường” cho học sinh dân tộc thiểu số và người dân khó khăn.

Lời cảm ơn

Lời cảm ơn

(GLO)- Báo Gia Lai trân trọng cảm ơn những tình cảm quý báu của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, quý cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).

null