Từ ngày 1-1-2017, các loại hình doanh nghiệp sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới đối với người lao động từ 2,58-3,75 triệu đồng/tháng. So với năm 2016, vùng 1 có mức tăng lương cao nhất, tăng thêm 250.000 đồng/tháng.
Ảnh minh họa |
Đây là nội dung Nghị định số 153/2016/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động do Chính phủ vừa ban hành.
Theo Nghị định 153, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động trong năm 2017 cao hơn so với mức lương hiện nay khoảng 180.000-250.000 đồng/tháng. Tính bình quân chung, lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng 213.000 đồng, tăng 7,3% so với năm 2016.
Vùng 1 tăng thêm 250.000 đồng, từ 3,5 lên 3,75 triệu đồng/tháng; mức lương vùng 2 tăng thêm 220.000 đồng, từ 3,1 triệu đồng lên 3,32 triệu đồng/tháng; vùng 3 tăng 200.000 đồng, từ 2,7 triệu đồng lên 2,9 triệu đồng/tháng và vùng 4 tăng 180.000 đồng, từ 2,4 triệu đồng lên 2,58 triệu đồng/tháng.
Nghị định cũng nêu rõ, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.
Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất. Đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
Đặc biệt, trong nghị định lần này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Nghị định nêu rõ, các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.
Theo TTXVN