12 dự án yếu kém đã mất 50% vốn, không xử lý sớm phần còn lại cũng sẽ mất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn nhà nước đã đưa ra những đề xuất để sớm xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém ngành công thương trên cơ sở doanh nghiệp là chủ thể, không áp đặt biện pháp hành chính...
 
Việc xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ phải trên cơ sở tuân thủ pháp luật - Ảnh: TCC
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp chủ trì sáng nay (16-10). 
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn nhà nước: sau khi tiếp nhận từ Bộ Công Thương, Uỷ ban vẫn đang tiến hành xử lý 12 dự án kém hiệu quả. Tuy nhiên, để xử lý có hiệu quả các dự án này, cần có cách tiếp cận khác theo hướng, đưa ra các giải pháp để làm sao thu hồi tốt nhất những thua lỗ, thất thoát, chứ không thể đặt ra ra mục thu hồi 100% vốn với các DN này.
Hiện nay Ban chỉ đạo xử lý dự án thua lỗ, yếu kém, song ông Hoàng Anh cho rằng vai trò cơ quan này là chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ còn DN phải là chủ thể, đề xuất giải pháp. Ban quản trị không thể làm thay cho DN, nên tránh việc DN đề xuất giải quyết từng sự vụ mà không có giải pháp căn cơ.
Cần có thời hạn, giải pháp cụ thể
 
Nhà máy đạm Ninh Bình - Ảnh: TTO
Việc xử lý doanh nghiệp, theo ông Hoàng Anh cũng phải trên cơ sở quy luật kinh tế, chứ không thể áp đặt biện pháp hành chính. Đơn cử như việc thanh, kiểm tra khiến cho xử lý EPC chậm trễ, hoặc với những dự án khó khăn, ngân hàng cho vay đưa vào diện "kiểm soát đặc biệt", khiến DN ngưng vốn, gặp khó khăn trong triển khai.
Với tình trạng các DN như hiện nay, hầu hết là thua lỗ và đã mất 50% vốn, nên ông Hoàng Anh cho rằng "Nếu không xử lý nhanh, có thể 50% vốn còn lại sẽ "hết sạch". Vì vậy, cần phải sớm có giải pháp và thời hạn xử lý, với mục tiêu là năm 2020 xử lý xong các dự án, trong đó năm nay dự kiến giải quyết 5 dự án và năm tới là 6 dự án.
"Với dự án hoạt động tốt như đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc thì cần phải có điều kiện gì, cần đáp ứng yêu cầu thế nào, không đáp ứng được thì phải thoái vốn ngay. Thoái vốn phải trên tinh thần xác định giá trị thực tại thời điểm thoái vốn. Rồi đàm phán nhà đầu tư thế nào, không được thì bán đi hoặc cho phá sản" - Chủ tịch Uỷ ban vốn đề xuất.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc xử lý 12 dự án thua lỗ yếu kém ngành Công Thương cần phải trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật. Đơn cử như trường hợp nhà máy bột giấy Phương Nam hiện nay đã "đống sắt vụn", nhưng khi thuê tư vấn định giá là 1.800 tỉ đồng. Dẫn tới nhà máy này được chào giá 3 lần mà không ai mua.
 
Một góc dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên - Ảnh: TTO
"Có thể cho bán sắt vụn được không? Rồi mai mốt cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý vấn đề đó thế nào? Còn nếu đưa ra trọng tài quốc tế chỉ thua, mà khiếu kiện hay không là phải do DN, chứ không thể Chính phủ vào cuộc" - Phó Thủ tướng nói.
Sẽ xin ý kiến về kiện ra toà án quốc tế
Đối với một số dự án thực hiện cổ phần hoá, Phó Thủ tướng cho rằng phải trên cơ sở mặt bằng chung. Ví dụ DN có vốn chủ sở hữu, nhưng lại có những DN đang âm vốn, rất khó cổ phần hoá. Hoặc có dự án có phương án bán đấu giá, thì phải có mức độ hoạt động nhất định, nhưng thực tế lại là "đống sắt vụn", rồi việc bán đấu giá như vậy, có phù hợp hay không, người dân có chịu không?
Như trường hợp của đạm Ninh Bình "nằm chết" hơn 2 năm, hiện đã hoạt động với 90% công suất, sản phẩm bán ra cũng chỉ đủ bù được chi phí hoạt động chứ chưa thể khấu hao. Trong khi đó ngân hàng siết vốn, DN gặp rất nhiều khó khăn. Hay trường hợp dự án gang thép Thái Nguyên, Tổng công ty Thép muốn thoái vốn nhưng vướng khoản bảo lãnh hàng nghìn tỉ đồng, vấn đề là ai sẽ chịu trách nhiệm?
"Tôi trực tiếp đi xuống dự án, nhưng vấn đề tranh chấp EPC, kết luận kiểm toán, thanh tra thực hiện bất cập. Vấn đề "con gà quả trứng", người đi cho vay trước đây thẩm định thì phải có trách nhiệm, nhưng giờ đổ bể lại ngồi siết, trong khi dự án nếu không sống được thì sẽ mất sạch, nên cần phải chia sẻ rủi ro, DN làm sao có vốn mà hoạt động" - Phó Thủ tướng nói.
Theo đó Phó Thủ tướng cho rằng tới đây sẽ báo cáo thường trực Ban Bí thư, Bộ chính trị, xin ý kiến một số vấn đề như các dự án có đưa ra khiếu nại trọng tài quốc tế không, xử lý hợp đồng EPC thế nào?. Bởi theo ông Huệ nếu không xử lý vấn đề hợp đồng EPC thì không thể xử lý được 1 dự án, và 10 năm nữa cũng khó xử lý…
N.An (TTO)

Có thể bạn quan tâm