"Xóm miền Tây" giữa lòng Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong khung cảnh hệt như vùng sông nước Tây Nam bộ, ông Phượng cũng như nhiều người sống tại đây đã khiến ai ghé qua cũng có cảm giác như đang ở miền Tây.

Xóm “ba không”

Trái ngược với khung cảnh những tòa nhà sầm uất bên kia sông, chái nhà của ông Phượng khi chiều về càng đìu hiu. Căn nhà lợp lá dừa nước, che bạt, nền đất ẩm ướt do mấy ngày mưa liên tiếp.

 

Bà Nguyễn Thị Còn và ông Đặng Văn Bỉ trong “căn nhà lá miền Tây” điển hình ở Mũi Đèn Đỏ.
Bà Nguyễn Thị Còn và ông Đặng Văn Bỉ trong “căn nhà lá miền Tây” điển hình ở Mũi Đèn Đỏ.

Thân hình to lớn đen trũi, “Võ Tòng” loay hoay lùa đàn vịt vô chuồng rồi phụ vợ lặt rau nấu cơm. Con gái kế út của ông sống gần đó xách qua cho cha mớ cá bống mới gỡ lưới được. Vui miệng, ông kể lâu lâu lại có đoàn làm phim vô đây kiếm cảnh quay, gặp ông thì hỏi có muốn đi đóng phim không bởi ông to con, lúc trước còn để tóc và râu dài thượt.

“Bả với sắp nhỏ không cho tao đi, mà ở nhà với vợ với con chứ đi mần chi” - ông nói. Ông được mọi người gọi là Võ Tòng không chỉ vì ngoại hình mà còn do tính tình ngay thẳng, hay giúp đỡ chòm xóm và những người mới đến ở sau ông.

Cách nhà ông Phượng ba bốn cây cầu ván là nhà của hai anh em Nguyễn Văn Bờ Anh và Nguyễn Văn Bờ Em. Nhà của hai anh em được coi là trung tâm của xóm bởi ở vị trí giữa so với các nhà xung quanh, lại có vách bằng gỗ, mái lợp tôn chẳng sợ mưa bay gió lùa.

Sống ở đây từ nhỏ, Bờ Anh (28 tuổi) trả lời nhát gừng khi chúng tôi hỏi thăm: “Hồi đó khó nuôi nên người nhà đem tui bỏ vô thúng để sát bờ nước nhằm cầu trời đất cho... dễ nuôi. Bà nội thấy vậy nên đặt tên tui là Bờ, hai năm sau mẹ đẻ thêm em trai nên gọi Bờ Anh và Bờ Em luôn”.

Bờ Anh học tới lớp 3 thì nghỉ, còn Bờ Em học hết lớp 9. Hai anh em cho biết ít khi đi đâu, có lẽ vì vậy tới tuổi này vẫn nói năng cư xử hệt như trẻ con.

Từ lâu xóm này đã được gọi vui là xóm “ba không”: không điện, không nước, không hộ khẩu. Chỉ có nhà của hai anh em Nguyễn Văn Bờ Anh và Nguyễn Văn Bờ Em là có máy phát điện, còn lại xài bình sạc để thắp bóng đèn.

Cũng chỉ có Bờ Anh và Bờ Em là có tivi màn hình phẳng hẳn hoi, còn lại ngoài nhà ông Nguyễn Văn Thỏi (50 tuổi) có cái máy cassette “xịn” từ những năm 1970 thì mấy nhà khác xài radio bé xíu để nghe tin tức và cải lương. Ông Thỏi cười cười: “Có sao đâu, tối ở đây 7g-8g là chui vô mùng hết rồi, ở ngoài muỗi với con bù mắt cắn chịu không nổi. Tối thui biết đi đâu chơi, lớ ngớ lọt mương 
thì khổ”.

Khu vực này từ tháng 4 đến tháng 10 là mùa nước ngọt, còn lại là nước mặn. Người dân ở đây thường chạy ghe ra đường lộ chở nước về, can 30 lít giá 2.000 đồng. Mọi sinh hoạt đều xài nước mua chứ hiếm khi xài nước sông vì mùa mưa nước cũng lờ lợ. Nghe có vẻ không tốn tiền mấy cho nước, nhưng một nhà 5-6 người một ngày xài cũng cả chục can, mỗi ngày tốn cỡ 20.000 đồng tiền nước.

Cách xa đường lộ nên việc đi lại của những cư dân xóm này nhiều khi cười ra nước mắt. Mấy cây cầu ván là do đàn ông trong xóm chặt cây, kiếm ván đóng lại mà thành. Họ tận dụng cả những thanh gỗ tạp trôi sông để làm cầu.

Nhưng nhiều khi không chú ý, ván mục, chuyện có người lọt xuống nước là không hiếm. Khi sắp chuyển dạ, đàn bà xóm này thường tính ngày để lên bệnh viện nằm chờ sinh, chứ đêm hôm ở đây không biết đi sao cho kịp.

Buồn vui xóm nghèo

Nhìn xung quanh, “xóm miền Tây” nhuốm màu buồn mênh mang với sông nước, tiếng côn trùng. Thật khó tin Sài Gòn có một nơi thế này. Bật ngọn đèn tù mù trên vách, đặt vỉ nhang muỗi, ông Phượng ngồi kể lại cuộc đời trôi dạt của mình. Từ Vĩnh Long, ông theo ghe xuôi lên Sài Gòn, làm thuê cho tàu hàng ở cảng. Tình cờ ngó thấy khu đất toàn là dừa nước với mương rạch, ông mới đón vợ với năm người con lên dựng nhà.

Ông nói: “Lúc mới ở đây bất tiện lắm. Ban đầu chỉ dựng cái chòi rồi giăng bạt ngủ đỡ, dần dần mới kiếm được cây ván mà đóng vách, rồi lợp lá dừa nước”. Vì căn nhà nằm bên kia con rạch, người muốn đi qua đã khó bởi cây cầu ván bấp bênh có chỗ chỉ lót bằng một khúc cây, nên xe máy ông phải để dưới gốc cây phía bên kia chiếc cầu. “Ở đây được cái là không mất mát thứ gì, xe để đâu còn nguyên đó” - ông nói.

Thật vậy, vì muốn đến khu này, người ta phải đi qua con đường mòn chẻ năm chẻ bảy với tất cả năm chiếc cầu ván vừa đi vừa thót tim vì sợ lọt xuống nước. Còn phía bên kia là sông dài hút tầm mắt nên muốn “tẩu tán” thứ gì cũng khó. Vì vậy, gọi xóm này là xóm “bốn không” (thêm cái không mất đồ) cũng có lý!

Căn chòi của vợ chồng ông Đặng Văn Bỉ (70 tuổi) nằm cuối doi đất nhô ra sông Soài Rạp nên tách biệt hẳn so với những căn nhà khác. Ngồi nghỉ mệt sau khi xách mấy thùng nước cho cháu ngoại tắm, ông cho biết gia đình ông ở đây đã ba đời. Ngày ngày canh theo con nước, ông đi dọc mé sông thả nò sáo, lưới lọp để kiếm cá tôm. Tờ mờ sáng, bà Còn (vợ ông) quẩy mớ tôm cá bắt được, lội bộ 5km ra chợ Tân Thuận bán. “Già rồi, lại bị viêm khớp nên tui không dám chạy xe đạp qua đường mòn vì sợ té. Bữa nào trời tối quá thì ổng đưa tui ra tới đường lộ. Ngày nhiều thì được vài trăm ngàn đồng, ít thì vài chục đủ tiền chợ” - bà nói.

Ông bà có tất cả sáu người con, hiện giờ đã có vợ có chồng, người làm công nhân, thợ hồ... và thuê trọ ở mé khu chế xuất cũng thuộc quận 7.

 

Những hộ dân ở Mũi Đèn Đỏ phải làm những cây cầu tạm, có khi dài đến hơn 100m len lỏi giữa rừng dừa nước để vào nhà.
Những hộ dân ở Mũi Đèn Đỏ phải làm những cây cầu tạm, có khi dài đến hơn 100m len lỏi giữa rừng dừa nước để vào nhà.

Còn ông Nguyễn Văn Thỏi sống trong căn chòi trống ở bờ ao chuyên nghề nuôi heo rừng lai. Lấy mớ cơm nguội trộn với lúa, ông lững thững đi ra cầu ao, hú liên tiếp mấy tiếng. Vài phút sau, chừng chục heo mẹ lẫn heo con từ mấy bờ bụi lội qua ao để tới chỗ ông cho ăn.

Ông nói: “Lúc mới nuôi tụi nó cũng không biết nghe mình hú mà về đâu, nhiều bữa sốt ruột đi kiếm gần chết. Tui nuôi để bán thịt. Còn ngày thường đi thả nò sáo bắt cá kiếm thêm”.

Ông có một người con trai đã lấy vợ, sống ở căn nhà ngoài phố mà ông dành dụm cả đời người mới mua được. Vợ ông đi làm công nhân, ở cùng con trai chứ ít khi vô căn chòi. Còn ông, do ở lại để giữ đàn heo và quen với cảnh trong đây nên ít khi ông về nhà.

Những người cuối cùng

Theo lời ông Bỉ, xóm này đã có từ rất lâu. Khi ông còn nhỏ, xóm đã có khoảng 50 nóc nhà, quây quần bên những rặng dừa nước xanh mát. Khi tôm cá còn nhiều, ông sắm ghe để chạy tuốt qua miệt Cần Giờ thả lưới, có khi cả tuần mới về nhà. Nhiều người cũng đi lưới như ông. Có người đất rộng thì cày ruộng trồng lúa.

Trong trí nhớ của ông Bỉ vẫn còn in nguyên hình ảnh ruộng lúa tốt tươi và những mùa gặt hăng say. Bây giờ không đi lưới cá xa được nữa, ông Bỉ quanh quẩn thả nò sáo gần nhà. Ông nói: “Có mấy người thợ làm công trình bờ kè dọc sông Soài Rạp nên tui và vợ bán thêm nước ngọt với mì gói, lâu lâu họ mướn chở hàng qua sông cũng có thêm đồng ra đồng vô”.

Khu vực “xóm miền Tây” còn được gọi là “Mũi Đèn Đỏ” có diện tích 117,78ha, được UBND TP.HCM quy hoạch làm khu công viên đa chức năng và khu nhà ở đô thị. Từ chỗ đông đúc, xóm giờ chỉ còn chừng chục nóc nhà. Nơi này tương lai gần sẽ mọc lên cao ốc và công viên. Những người gắn bó lâu năm cũng đành rời đi, bỏ lại những nền nhà trơ ximăng.

Ông Bỉ cũng lùi vô mé trong, đợi tới khi có thông báo thì dọn đồ. Còn vợ chồng ông Phượng nói chừng nào không ở được nữa chắc ông bà về lại Vĩnh Long. “Sống đâu quen đó, về quê rồi cũng buồn, xa con cái, nhưng đành chịu vì mình ở nhờ trên đất người ta mà” - ông Phượng thở dài nói.

Mai đây khi dấu chân phố thị lấn qua nơi này, bóng dáng những con người cuối cùng của xóm ngụ cư cũng biến mất. Nhưng trong ký ức của miền đất này, vẫn còn nguyên đó nét hồn hậu, hào sảng rất miền Tây của họ.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.