Xây dựng tình bạn đẹp, không có bạo lực học đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Người xưa có câu bạn bè thì nhiều nhưng tình bạn thì hiếm. Bởi tình bạn đẹp cần được xây dựng, vun xới như chăm sóc cây non. Học sinh có tình bạn đẹp cũng sẽ nâng đỡ nhau để sống đẹp và văn minh hơn.

Đây cũng là một trong những nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vừa được Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) tổ chức với chủ đề “Xây dựng tình bạn đẹp-Nói không với bạo lực học đường”.

Tình bạn đẹp xưa và nay

Em Trần Thị Khánh Ly và Ngô Thị Hồng Phượng (lớp 10A5) chơi thân từ thời ấu thơ. Sinh ra ở 2 làng khác nhau của xã Ia Bă (huyện Ia Grai), nhưng các em vun đắp được tình bạn đẹp theo năm tháng. Nếu Khánh Ly khá dạn dĩ, tự tin khi giao tiếp thì Hồng Phượng lại có vẻ nhút nhát. Nhưng như những mảnh ghép, các em đã bổ khuyết cho nhau từ những năm học mẫu giáo cho đến khi cùng bước vào ngôi trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Đặc biệt, cả 2 em luôn hỗ trợ nhau trong học tập và cuộc sống, đều là học sinh xuất sắc của lớp, của trường.

Trước câu hỏi: “Hai em sẽ có hành động gì đầu tiên khi thấy người kia bị bắt nạt, thậm chí bị bạn học bạo lực?”, Hồng Phượng cho biết sẽ can ngăn để bảo vệ bạn. Còn Khánh Ly cho rằng, đầu tiên sẽ gọi điện báo ngay cho thầy cô, cha mẹ, người thân nhờ giúp đỡ, rồi nghĩ cách giúp bạn tại “hiện trường”.

Em Trần Thị Khánh Ly (bìa phải) và Ngô Thị Hồng Phượng-lớp 10A5 có tình bạn đẹp từ thời ấu thơ. Ảnh: Minh Châu

Em Trần Thị Khánh Ly (bìa phải) và Ngô Thị Hồng Phượng-lớp 10A5 có tình bạn đẹp từ thời ấu thơ. Ảnh: Minh Châu

Tình bạn đẹp luôn là thứ tình cảm thiêng liêng trong hành trang trưởng thành của mỗi học sinh. Và trong tình bạn, người này sẽ luôn muốn bảo vệ, che chở cho người kia. Nhưng nếu bảo vệ bạn chưa đúng cách, vô hình trung sẽ dẫn đến những hành động sai mà các em không ý thức hết. Thấy bạn bị đánh, các em lao vào can ngăn sẽ dễ dẫn đến một cuộc ẩu đả đám đông, hậu quả sẽ khôn lường.

Để nâng cao kỹ năng sống cho học sinh, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng có nhiều hoạt động ngoại khóa theo chủ đề giúp các em nâng cao kiến thức, sự hiểu biết để có những hành xử văn minh, đúng pháp luật. Mới đây, diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp-nói không với bạo lực học đường” do nhà trường tổ chức thu hút trên 1.300 học sinh các khối lớp. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức để chính các em kể một câu chuyện, vẽ một bức tranh về chủ đề tình bạn và rút ra ý nghĩa cùng những bài học.

Em Lê Hoàng Linh-lớp 10A10 kể câu chuyện về Lưu Bình-Dương Lễ là hai người bạn tâm giao từ thuở thiếu thời. Một người xuất thân giàu có, một người nghèo hèn nhưng tình bạn chân chính đã giúp họ cùng nâng đỡ nhau và đều đỗ đạt. Chia sẻ ý nghĩa câu chuyện, em Hoàng Linh cho rằng: “Tình bạn đẹp của người xưa hay của thế hệ chúng em ngày nay cũng đều dựa trên những giá trị cốt lõi. Đó không chỉ là việc chia sẻ niềm vui, mà còn chia sẻ gánh nặng, thấu hiểu, ủng hộ nhau trong mọi tình huống một cách hiểu biết. Em hy vọng qua câu chuyện Lưu Bình-Dương Lễ giúp các bạn coi trọng tình bạn, không ngừng vun đắp để tình bạn đơm hoa kết trái và nảy nở mãi không bao giờ tàn lụi”.

Em Trần Thảo Vy-lớp 10A1 (bìa trái)-tác giả của bức tranh cõng bạn đi học với thông điệp vun đắp tình bạn đẹp để không còn bạo lực học đường. Ảnh: Minh Châu

Em Trần Thảo Vy-lớp 10A1 (bìa trái)-tác giả của bức tranh cõng bạn đi học với thông điệp vun đắp tình bạn đẹp để không còn bạo lực học đường. Ảnh: Minh Châu

Trong khi đó, em Trần Thảo Vy-Lớp 10A1 kể chuyện tình bạn đẹp thông qua bức tranh “10 năm cõng bạn đi học”. Đó là câu chuyện của bạn Tất Minh bị khuyết tật vận động bẩm sinh. Thương bạn thiệt thòi, một người bạn cùng xóm là Minh Hiếu đã tình nguyện làm đôi chân của Tất Minh, hàng ngày cõng bạn đi học bất kể nắng mưa. Em Thảo Vy chia sẻ: “Thông qua bức tranh này, em cũng như tập thể 10A1 mong mọi người sẽ biết cách xây dựng, vun đắp một tình bạn đẹp trong học đường. Tình bạn chân chính giúp mọi người vượt lên mọi sự ganh ghét, đố kị, cùng nâng đỡ nhau trong học tập, giúp nhau tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Từ đó cũng có thể đẩy lùi bạo lực học đường. Bởi bạo lực xảy đến có nhiều nguyên nhân, nhưng cốt lõi là từ chính từ sự không thấu hiểu và yêu thương nhau”.

Nói không với bạo lực học đường

Diễn đàn không chỉ giúp học sinh biết cách để xây dựng, nuôi dưỡng tình bạn đẹp, mà giúp các em rèn luyện kỹ năng, sự hiểu biết để bảo vệ bạn khi có chuyện xảy ra ngoài ý muốn. Đó cũng là nội dung của bức tranh kêu gọi chấm dứt bạo lực học đường của học sinh lớp 10A10. Đó là một bức vẽ với gam màu nóng, nổi bật hàng chữ “Stop school violence” (chấm dứt bạo lực học đường).

Một buổi ngoại khóa rèn luyện kỹ năng sống của học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Minh Châu

Một buổi ngoại khóa rèn luyện kỹ năng sống của học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Minh Châu

Em Lê Công Anh Đức-lớp 10A2 cho hay, để chuẩn bị cho buổi ngoại khóa, cả lớp đã tham gia thực hiện vẽ tranh, phân công người thuyết trình…Quá trình đó cũng giúp các em có thêm những kiến thức pháp luật liên quan đến bạo lực học đường. Đó là hành vi bị nghiêm cấm, lứa tuổi học sinh nếu có hành vi bạo lực học đường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Anh Đức chia sẻ: “Diễn đàn hôm nay cùng nhiều hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức giúp em và các bạn có thêm nhiều kỹ năng để xử lý những tình huống mà mỗi học sinh đều có thể gặp phải trong quá trình học tập, sinh hoạt dưới mái trường. Các thầy cô là những người đã trải qua, có kinh nghiệm xử lý tình huống, nên sự định hướng cho học sinh thông qua các diễn đàn luôn là bài học quý. Khi mọi người cùng có ý thức nói không với bạo lực học đường, cư xử văn minh, cổ vũ những hành động đẹp sẽ góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Điều đó tác động tích cực đến tâm lý và em tin rằng ai cũng đều cảm thấy vui vẻ, hào hứng mỗi ngày đến lớp”.

Một thông điệp về chấm dứt bạo lực học đường của học sinh lớp 10A2. Ảnh: Minh Châu

Một thông điệp về chấm dứt bạo lực học đường của học sinh lớp 10A2. Ảnh: Minh Châu

Thầy Nguyễn Văn Đan-Phó Bí thư Đoàn trường cho biết: “Các hoạt động ngoại khóa để nâng cao kỹ năng sống cho học sinh luôn được nhà trường chú trọng bên cạnh nhiệm vụ giáo dục. Đặc biệt là diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp-Nói không với bạo lực học đường” được Đoàn trường tổ chức thường xuyên qua các năm, đồng thời luôn quán triệt, nhắc nhở các em mỗi khi sinh hoạt dưới cờ. Đây là một trong những giải pháp thiết thực của nhà trường chung tay cùng ngành Giáo dục và Đào tạo và toàn xã hội xây dựng văn hóa học đường, đẩy lùi vấn nạn bạo lực trong trường học hiện nay”.

Thầy Nguyễn Văn Đan-Phó Bí thư Đoàn trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Nhà trường đưa ra chủ đề trước mỗi hoạt động ngoại khóa, đồng thời định hướng cho các em tự thực hiện. Quá trình đó, các em đã có 1 bước tự tìm hiểu nội dung, làm việc chung với nhau, từ đó cũng đã tạo ra sự đoàn kết, gắn bó giữa học sinh”.

Có thể bạn quan tâm

Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu. Ảnh: Hà Bắc

Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu

(GLO)- Ngày 16-1, Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) khu vực An Khê (Công an tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công an huyện Đak Pơ tổ chức hoạt động trải nghiệm kỹ năng chữa cháy, thoát nạn và thực tập phương án chữa cháy, CNCH tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu (xã Phú An).

Gia Lai: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 TTHC trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo

Gia Lai: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 TTHC trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo

(GLO)- Ngày 15-1, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung đã ký Quyết định số 42/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Học sinh Gia Lai làm dự án quảng bá lịch sử-văn hóa địa phương

Học sinh Gia Lai làm dự án quảng bá lịch sử-văn hóa địa phương

(GLO)- “Học sinh, sinh viên tỉnh Gia Lai giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa dân tộc” là chủ đề Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai vừa được Tỉnh Đoàn tổ chức. 10 dự án tiêu biểu đến từ các trường THPT cho thấy sự am hiểu của học sinh về lịch sử-văn hóa dân tộc.

Hơn 3.000 học sinh Gia Lai tham gia chương trình “Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2025”

Hơn 3.000 học sinh Gia Lai tham gia chương trình “Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2025”

(GLO)- Ngày 12-1, tại Trường THPT Chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku), Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), Báo Tuổi Trẻ phối hợp Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình “Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2025”. Chương trình thu hút hơn 3.000 học sinh tới từ các trường THPT trên toàn tỉnh.