Học sinh Pleiku "Nói không với bạo lực học đường"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Nói không với bạo lực học đường” là một trong những thông điệp được chuyển tải tại phiên tòa giả định được tổ chức tại Trường THCS Trưng Vương (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Nhiều kiến thức pháp luật, bài học về kỹ năng sống được học sinh tiếp nhận qua phiên tòa giả định.
Đoàn cơ sở Công an TP. Pleiku vừa phối hợp cùng Chi Đoàn Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thành phố và Ban Giám hiệu Trường THCS Trưng Vương tổ chức phiên tòa giả định với chủ đề “Nói không với bạo lực học đường” nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11. Tham gia phiên tòa có hơn 350 học sinh cùng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. 
Phiên tòa lấy bối cảnh một vụ án cố ý gây thương tích đã được thay đổi tên, tuổi, địa chỉ của những người liên quan. Theo đó, bị cáo N.V.H. là nam thanh niên 20 tuổi đã nghỉ học. Do ham chơi, đua đòi nên H. có mối quan hệ tình cảm với nữ nhân viên phục vụ quán karaoke. Khi bạn gái đi phục vụ khách tại một quán karaoke đã xảy ra mâu thuẫn với nữ nhân viên khác dẫn đến đánh nhau.
Nghe bạn gái bị đánh, H. đã mang theo 1 con dao nhọn đến quán karaoke. Dù chưa biết đầu đuôi câu chuyện và không cần biết ai đánh bạn gái mình nhưng H. đã đâm 2 người khách khiến 1 người chết, 1 người bị thương. 
Đa phần học sinh đều chăm chú theo dõi từng tình tiết của vụ án, những phần hỏi đáp của Hội đồng xét xử với bị cáo. Em Nguyễn Nhất Bảo bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên em được chứng kiến một phiên tòa như thế này. Năm trước có một anh vừa học xong lớp 9, sau đó bị bạn bè rủ rê đi đánh nhau rồi gây án mạng. Khi xem phiên tòa thế này, chúng em thấy rất lo sợ và quyết tâm tránh xa những vụ gây gổ, đánh nhau và chỉ tập trung vào học tập để không phụ lòng cha mẹ, thầy cô”. 
Phiên tòa giả định tại Trường THCS Trưng Vương (TP. Pleiku). Ảnh: Văn Ngọc
Phiên tòa giả định tại Trường THCS Trưng Vương (TP. Pleiku). Ảnh: Văn Ngọc
Tại phiên tòa giả định, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân đã lồng ghép các thông điệp mang ý nghĩa giáo dục, định hướng cho học sinh cần cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức và trau dồi kỹ năng sống. Đặc biệt, các em cần tránh xa bạo lực, nhất là bạo lực học đường.
“Em rút ra được nhiều bài học khi theo dõi phiên tòa giả định này. Không những vậy, chúng em cũng hiểu hơn về những kiến thức pháp luật để tuân thủ nội quy của nhà trường và các quy định khi tham gia giao thông, tránh xa bạo lực học đường”-em Ngô Hoàng Yến chia sẻ. 
Trao đổi với P.V, thầy Bùi Hữu Nghĩa-Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các em học sinh đang trong lứa tuổi dễ nảy sinh những suy nghĩ nông nổi tức thời mà không lường trước được hậu quả có thể xảy ra. Do đó, đây là dịp tuyên truyền kiến thức pháp luật cho học sinh rất thiết thực và hiệu quả. Nhà trường cũng đã yêu cầu giáo viên thường xuyên nhắc nhở học sinh trong việc ứng xử có văn hóa, nói không với bạo lực học đường để tạo một môi trường lành mạnh để các em học tập, trưởng thành là một công dân tốt, có ích cho xã hội”. 
Chị Trần Thị Thúy Vân-Bí thư Chi Đoàn Tòa án nhân dân TP. Pleiku-thông tin: Thời gian qua, tình trạng phạm pháp trong lứa tuổi thanh-thiếu niên rất đáng báo động. Các em học sinh dễ bị lôi kéo, rủ rê vào những tệ nạn xã hội, sử dụng trái phép chất ma túy, tham gia những cuộc xô xát dẫn đến hậu quả khôn lường. Đơn cử như vụ ẩu đả xuất phát từ mâu thuẫn giữa 2 nhóm học sinh Trường THPT Lê Lợi và THPT Pleiku khiến 1 học sinh tử vong xảy ra vào tháng 4-2019; vụ 3 học sinh vừa học xong chương trình THCS tại TP. Pleiku bị lôi kéo tham gia vào vụ án giết người vào tháng 7-2019; vụ 1 học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Đak Đoa) đã cùng 2 đối tượng khác chém tử vong 1 người tại quán internet vào tháng 10-2019…
“Do đó, Chi Đoàn Tòa án nhân dân TP. Pleiku thường xuyên phối hợp với một số đơn vị tổ chức luân phiên phiên tòa giả định liên quan đến các vụ án như: ma túy, vi phạm giao thông, cố ý gây thương tích. Mục đích của các phiên tòa giả định là giúp các em học sinh nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và nhận thức được hậu quả những hành động bột phát của mình, những hành vi vi phạm để tránh xa những điều đáng tiếc”-chị Vân cho biết.
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.