Ứng phó biến đổi khí hậu: Kiến nghị mở rộng quyền quản lý rừng cho các HTX

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thay vì giao việc quản lý rừng cho đơn vị cộng đồng như thôn, xóm tại các địa phương, việc giao cho các hợp tác xã lâm nghiệp nhiệm vụ quản lý, phát triển rừng được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế và ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, trực tiếp giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Hiện trường một vụ phá rừng ở Tây Nguyên. Ảnh: BNN
Hiện trường một vụ phá rừng ở Tây Nguyên. Ảnh: BNN
Phát triển mô hình có khả năng thích ứng
Theo đánh giá của tổ chức Germanwatch, liên tiếp trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn, xói lở đất ven biển kèm theo các diễn biến thời tiết, khí hậu cực đoan không theo quy luật thông thường.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA) - ông Nguyễn Ngọc Bảo nhìn nhận, trong thời gian qua, biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng tiêu cực và nặng nề đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp trên phạm vi cả nước mà còn gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục xây dựng và triển khai các biện pháp phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại cũng như phát triển và nhân rộng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái và cộng đồng của khu vực hợp tác xã.
Theo đó để thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tới đây cần khuyến khích sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm nhẹ biến đổi khí hậu thông qua sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng hiện có, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên nước, góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao diện tích, chất lượng rừng làm tăng khả năng hấp thụ các khí nhà kính. Đồng thời quản lý chất thải chất thải, vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, chất thải trong chăn nuôi, đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa.
Đáng chú ý, khu vực hợp tác xã cũng cần điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó thiên tai vào kế hoạch, chiến lược phát triển để giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng vùng, miền, nhất là vùng ven biển, khu vực đông dân cư và xu hướng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Ngoài ra cần phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới thích ứng với biến đổi khí hậu cả về số lượng thành viên và quy mô hoạt động, phát huy các giá trị lợi ích chia sẻ, tổ chức quản trị theo hướng phát triển bền vững.
Giảm thiểu phá rừng vì đói nghèo
Liên quan đến hoạt động quản lý và phát triển rừng hiện nay, ông Hoàng Văn Thường - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Cao Kỳ (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) đề xuất mở rộng, giao lại việc quản lý rừng cho các hợp tác xã thay vì giao việc quản lý rừng cho các đơn vị cộng đồng thôn, xóm như hiện nay. Bởi tại nhiều địa phương có diện tích rừng lớn hiện nay, các hợp tác xã lâm nghiệp thường là đơn vị trực tiếp phát triển sản xuất và nhờ đó vừa giúp bảo vệ rừng mà còn phát triển, mở rộng diện tích rừng, đặc biệt là khu vực rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
Đáng chú ý là việc giao quyền quản lý, phát triển rừng cho các hợp tác xã sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, tạo ra giá trị cao và giúp người bảo vệ rừng có nguồn thu nhập, từ đây giảm thiểu tình trạng chặt phá, khai thác bừa bãi vì đói nghèo, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tố cáo ngăn chặn lâm tặc. Ông Thương cho rằng, việc bảo vệ, phát triển rừng thông qua nâng cao vai trò của các hợp tác xã rất quan trọng trong việc biến đổi khí hậu. Lấy ví dụ với 200 thành viên như hiện nay và mỗi thành viên được giao quản lý 5ha rừng, chỉ riêng Hợp tác xã Cao Kỳ có thể quản lý và phát triển 1.000ha rừng, mang lại giá trị sinh thái rất lớn.
Trong khi đó bà Triệu Thị Oanh - Giám đốc Hợp tác xã dược liệu cổ truyền H2O Việt Nam (TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) cũng kiến nghị cần siết chặt các quy định quản lý hiện nay về khai thác dược liệu tự nhiên nhằm loại bỏ tình trạng khai thác tận diệt vốn đang tác động trực tiếp đến hệ sinh thái rừng.
CẨM HÀ (LĐO)

https://laodong.vn/xa-hoi/ung-pho-bien-doi-khi-hau-kien-nghi-mo-rong-quyen-quan-ly-rung-cho-cac-htx-855533.ldo

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.