Thông tin trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết khi giải trình về vấn đề sách giáo khoa mới tại Quốc hội vào ngày 4.11.
Từ năm học 2020 - 2021 chính thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới trên cả nước. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn. |
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian qua có nhiều ý kiến đóng góp về chương trình, sách giáo khoa mới. Tất cả các ý kiến đều rất tâm huyết, trách nhiệm, với mong muốn là góp ý cho Bộ GDĐT, cho ngành giáo dục để có một bộ sách giáo khoa thật tốt, để thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục.
Theo ông Đam, dù trách nhiệm trực tiếp về sách giáo khoa theo luật định là của Bộ trưởng Bộ GDĐT, không thuộc thẩm quyền của Chính phủ song Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Chính phủ và cá nhân ông đã yêu cầu Bộ GDĐT cần tiếp thu các góp ý về sai sót của sách giáo khoa với tinh thần cầu thị và khoa học.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội trường Quốc hội. Ảnh Quochoi.vn |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng thông tin, Bộ trưởng Bộ GDĐT báo cáo Chính phủ là đã nhìn nhận có sai sót trong sách giáo khoa và trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng. “Bộ trưởng có chỉ đạo, cũng khá cương quyết như đã thay chủ tịch hội đồng thẩm định”, ông Đam thông tin.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ GDĐT tận dụng công nghệ thông tin đưa bản thảo sách giáo khoa lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định để nghe góp ý, qua đó tiếp thu, chắt lọc ý kiến đúng để tiếp thu, ý kiến chưa đúng thì phản hồi lại để toàn xã hội đồng thuận.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ký quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn tiếng Việt gồm 15 thành viên.
Chủ tịch Hội đồng là GS - TS Trần Đình Sử, nhà lý luận văn học, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm Hà Nội; chủ biên sách giáo khoa ngữ văn hiện hành lớp 6, 7, 8, 9 (phần làm văn), tổng chủ biên bộ nâng cao sách giáo khoa ngữ văn nâng cao lớp 10, 11, 12.
Phó chủ tịch Hội đồng là GS - TS ngôn ngữ học Mai Ngọc Chừ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Các thành viên còn lại của hội đồng là giáo viên dạy lớp 1 ở các địa phương; trưởng phòng GDĐT cấp huyện; hiệu trưởng một số trường tiểu học; giảng viên trường đại học sư phạm...
Hội đồng thẩm định thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GDĐT theo tinh thần của Thông tư 33 (về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa). Thông tư này có 4 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí về sách giáo khoa. Hội đồng thảo luận và xây dựng 40 minh chứng cần đạt để làm căn cứ thẩm định.
Theo Bộ GDĐT, Hội đồng thẩm định các bản mẫu sách giáo khoa của từng môn/hoạt động giáo dục đọc độc lập bản thảo trong 15 ngày, sau đó nghe tác giả sách giáo khoa trình bày nội dung và quan điểm. Tiếp theo, Hội đồng làm việc độc lập với bản thảo và họp phân tích, kết luận lần 1, với sự tham gia của tác giả.
Có 3 mức đánh giá bản thảo là “đạt”, “đạt nhưng phải sửa” và “không đạt”. Với sách giáo khoa lớp 1 được thẩm định vừa qua, sau vòng 1, theo Bộ GDĐT, không có bản thảo nào “đạt” ngay, ngoài một số “không đạt”, hầu hết bản thảo “đạt nhưng cần sửa chữa”.
Theo Bích Hà (LĐO)