(GLO)- Sự kiện được chú ý nhất tuần qua là Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 đã thảo luận và ban hành 3 nghị quyết quan trọng về công tác cán bộ, cải cách chính sách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội.
Trong đó, Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước khi đề ra được những giải pháp căn cơ ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền, gây nhức nhối dư luận thời gian qua.
Ảnh internet |
Nói Nghị quyết xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được quan tâm đặc biệt của dư luận là bởi, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ. Có thể nói, trong quá trình ấy, cơ bản chúng ta đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ đủ tâm-tài lãnh đạo đất nước, đưa đất nước phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược đã xảy ra không ít vấn đề. Tình trạng suy thoái đạo đức diễn ra ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu; công tác kiểm soát quyền lực chưa tốt nên có cá nhân lợi dụng chủ trương luân chuyển, bổ nhiệm để nhồi nhét con em, họ hàng, phe nhóm mình vào các vị trí lãnh đạo ở một số địa phương, bộ, ngành Trung ương, gây bất bình trong dư luận, làm ảnh hưởng đến công tác cán bộ của Đảng.
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt cán bộ cao cấp trong các cơ quan Đảng, chính quyền từ Trung ương đến các địa phương bị kỷ luật Đảng, bị pháp luật trừng trị vì mắc sai phạm nghiêm trọng; hàng loạt cán bộ “thăng tiến thần tốc” đã bị thu hồi quyết định, những người làm sai phải nhận kỷ luật xứng đáng, dù là đương chức hay đã nghỉ hưu. Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh, Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh, Huỳnh Minh Chắt, Võ Kim Cự, Lê Phước Thanh… và mới đây nhất là Phan Thị Mỹ Thanh-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phải nhận kỷ luật cách tất cả chức vụ, cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, chứng tỏ Đảng ta đã không khoan nhượng với tình trạng tha hóa, tham nhũng quyền lực trong Đảng.
Vì thế, trong lời phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7, khi đề cập đến Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu phải “chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế và điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm sai phạm”.
Nghị quyết về công tác cán bộ lần này được coi là một chiến lược mới trên cơ sở nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để tìm ra các giải pháp đột phá. Đảng không né tránh, không bao che mà nêu rõ ràng, rành mạch những yếu kém trong công tác cán bộ, từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển trước hội nghị để cùng bàn thảo, tìm biện pháp chấn chỉnh. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “nếu chúng ta che giấu thì đó mới là mất uy tín, còn chúng ta làm ra thì sẽ tạo được niềm tin trong nhân dân…”.
Một loạt các giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ đã được Nghị quyết xác định như: Bí thư tỉnh, huyện không phải người địa phương; mở rộng chủ trương thi tuyển cán bộ lãnh đạo; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm, tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền, họ hàng, phe nhóm… Các quyết định bổ nhiệm sai trái đã và sẽ tiếp tục bị thu hồi, những ai cố tình vi phạm sẽ bị kỷ luật thích đáng… Hy vọng đó sẽ là những hành động cụ thể khỏa lấp những “lỗ hổng” trong công tác cán bộ thời gian qua, để chúng ta có thể xây dựng được một đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có tâm, có tầm, những cán bộ có đôi bàn tay sạch, nhiệt tình cống hiến cho đất nước, cho dân.
Nguyễn Vân