Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 16-10, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) tổ chức họp báo về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Cảng hàng không (CKH) quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường, đại diện các bộ, ngành hữu quan, đại diện lãnh đạo TP. HCM, Đồng Nai, cùng đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí đã tham dự buổi họp báo.
 

Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường trả lời báo chí. Ảnh: Hoàng Liêm
Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường trả lời báo chí. Ảnh: Hoàng Liêm

Việc nghiên cứu đầu tư xây dựng CHK Long Thành đã được chính thức đề cập từ những năm 1980. Quá trình nghiên cứu với sự tham gia của nhiều tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước đã dần hoàn thiện ý tưởng về một cảng hàng không quốc tế lớn bậc nhất toàn quốc, có khả năng phát triển thành một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế. Theo báo cáo của Bộ GT-VT, nhu cầu vận tải bằng đường hàng không của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với cửa ngõ là khu vực TP. HCM hiện chiếm 46% tổng lượng hành khách toàn quốc. Với nhu cầu vận tải tăng cao, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất hiện đã khai thác đạt công suất thiết kế; dự kiến sau năm 2017, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ quá tải so với thiết kế 25 triệu hành khách/năm.

Trong khi đó, việc mở rộng, nâng công suất CHK này để đáp ứng nhu cầu 40-50 triệu hành khách/năm trong giai đoạn 2025-2030 là không khả thi; do sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường dân sinh của khu vực trung tâm TP. HCM như gây ô nhiễm tiếng ồn, khí thải vượt xa tiêu chuẩn cho phép, không đáp ứng được các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, an toàn hàng không. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều hạn chế về khai thác vùng trời. Một yếu tố nữa phải kể đến là chi phí để mở rộng, nâng công suất khai thác của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất quá lớn so với việc phát triển một CHK mới. Theo tính toán, chi phí để nâng được công suất khai thác thêm 20 triệu hành khách cần tới khoảng 9,1 tỷ USD, phải giải phóng 140.000 hộ dân (khoảng 500.000 nhân khẩu); chưa kể chi phí và số lượng dân cư phải giải toả để làm thêm các tuyến đường giao thông tiếp cận, cơ sở hạ tầng đồng bộ với CHK.

Trả lời báo giới về địa điểm xây dựng CHK quốc tế Long Thành, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường cho biết, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đảm bảo đủ diện tích quy hoạch (5.000 ha) để xây dựng một CHK quốc tế mới, hiện đại, có công suất 100 triệu hành khách/năm, sân bay cấp 4F, cấu hình 4 đường cất-hạ cánh; đảm bảo có khu vực dùng riêng cho một căn cứ quân sự lớn trong tương lai (1.000 ha). Khu vực lựa chọn xây dựng CHK quốc tế Long Thành có địa hình, địa chất, thủy văn không quá phức tạp, mặt bằng tương đối bằng phẳng, gần các nguồn cấp vật liệu lớn, rất thuận lợi cho việc xây dựng CHK. Theo quy hoạch được duyệt, CHK quốc tế Long Thành được phân kỳ đầu tư như sau: Ở giai đoạn 1, hình thành CHK quốc tế trung chuyển, công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, nhằm hỗ trợ việc quá tải của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Giai đoạn 2 nâng công suất khai thác lên 50 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3 nâng công suất khai thác lên 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Theo đó, quy mô đầu tư giai đoạn 1 sẽ đầu tư Nhà ga hành khách với công suất 25 triệu khách/năm, 2 đường cất-hạ cánh với tổng mức đầu tư khoảng 165.000 tỷ đồng (7,8 tỷ USD). Việc huy động vốn đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành sẽ gắn với các dự án đầu tư các hạng mục cụ thể, theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn; khuyến khích đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư.

Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường cũng thông tin với báo giới, ngày 8-10-2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có phiên họp để nghe báo cáo về việc đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành và nghe báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Kết thúc phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất việc trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (tháng 10-2014).

Hoàng Liêm

Có thể bạn quan tâm

GAC M6 Pro-Sự lựa chọn MPV giá dưới 1 tỷ đồng dành cho gia đình đông người

GAC M6 Pro-Sự lựa chọn MPV giá dưới 1 tỷ đồng dành cho gia đình đông người

(GLO)- Tại triển lãm ôtô Việt Nam 2024 (VMS 2024) ở TP. Hồ Chí Minh, GAC giới thiệu mẫu MPV GAC M6 Pro với hai phiên bản GL và GS. Đây là dòng MPV nhập khẩu từ Trung Quốc với thiết kế vuông vức và tiện ích hiện đại, hứa hẹn là một lựa chọn hấp dẫn trong phân khúc MPV có giá dưới 1 tỷ đồng.