WHO làm việc về công tác phòng-chống sốt xuất huyết tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 8-2, đoàn công tác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã có buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh Gia Lai về công tác phòng-chống sốt xuất huyết (SXH).

Tham gia buổi làm việc có bà Mya Sapal Ngon-Quyền Trưởng nhóm Kiểm soát bệnh tật (WHO), tiến sĩ Vũ Sinh Nam-chuyên gia WHO, tiến sĩ Bùi Khánh Toàn-Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đại diện các phòng chuyên môn trực thuộc Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Buổi làm việc tập trung thảo luận, đánh giá tình hình SXH tại địa phương; quy trình hệ thống giám sát, báo cáo ca bệnh và xử lý dịch bệnh SXH; quy trình xác định ghi nhận bệnh nhân SXH ngoại trú và nội trú, báo cáo ca bệnh; nhận định nguyên nhân, khó khăn, tồn tại và đề xuất của địa phương.

Theo báo cáo của Sở Y tế Gia Lai, trong năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 11.595 ca mắc SXH; trong đó có 1 trường hợp tử vong. Tình hình dịch bệnh SXH tăng 10,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Dịch bệnh xảy ra tại 1.039/2.082 thôn, làng, tổ dân phố thuộc 211/220 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số ổ dịch SXH đã ghi nhận trong năm 2022 là 2.308 ổ dịch, được xử lý 2.292 ổ dịch. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 256 ca mắc SXH (tăng 2,58 lần so với cùng kỳ năm trước), không có trường hợp tử vong. Dịch bệnh xảy ra tại 52/220 xã, phường, thị trấn của 15/17 huyện, thị xã, thành phố. Hiện toàn tỉnh còn 26 ổ dịch SXH chưa được khống chế.

Nhằm chủ động khống chế, không để dịch bệnh lây lan, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thành lập các đoàn công tác trực tiếp xuống địa bàn cùng với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố giám sát, xử lý các ổ dịch là điểm nóng với số ca mắc cao như: TP. Pleiku, thị xã An Khê, các huyện: Krông Pa, Chư Prông, Chư Sê, Ia Pa, Ia Grai, Đak Pơ, Phú Thiện. Cử cán bộ giám sát tại các Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đại học Y dược- Hoàng Anh Gia Lai, Bệnh viện 331 để phát hiện sớm ca bệnh và xử lý kịp thời. Thường xuyên chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố giám sát bệnh nhân tại địa bàn quản lý của đơn vị mình, trong đó chú ý đến các ổ dịch SXH cũ và thường xuyên giám sát để nhận định những vùng có nguy cơ mắc SXH.

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân làm vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, diệt lăng quăng, bọ gậy; tổ chức giám sát vét tơ nhận định khu vực nguy cơ cao lập kế hoạch xử lý; tổ chức vệ sinh môi trường hoặc kết hợp phun hóa chất diệt muỗi. Khi có ca bệnh thì tập trung nhân lực, trang thiết bị, hoá chất xử lý dịch triệt để, kết hợp tuyên truyền vận động nhân dân vệ sinh môi trường.

Tiến sĩ Bùi Khánh Toàn-Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện
Tiến sĩ Bùi Khánh Toàn-Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Tại buổi làm việc, Sở Y tế tỉnh Gia Lai kiến nghị WHO hỗ trợ, cập nhật, hướng dẫn các tiến bộ chuyên môn, trang thiết bị trong công tác phòng-chống SXH của cộng đồng quốc tế cho Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng trước sự gia tăng của dịch bệnh SXH trong các năm qua. Kiến nghị Cục Y tế dự phòng nâng cấp phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54 để phần mềm hoạt động ổn định hơn, tránh gián đoạn đảm bảo công tác nhập liệu, báo cáo ca bệnh lên hệ thống kịp thời. Đồng thời, Sở Y tế kiến nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ hướng dẫn cập nhật các văn bản chuyên môn, hướng dẫn chi, để tham mưu cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Sở Y tế xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng-chống SXH năm 2023. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn chuyên môn, tập huấn, cập nhật kiến thức cho cán bộ làm công tác phòng-chống SXH tuyến tỉnh, tuyến huyện của tỉnh Gia Lai năm 2023.

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị đã thảo luận, trình bày những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị, đề xuất. Qua buổi làm việc, đại diện WHO và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Sở Y tế Gia Lai và sẽ xem xét, nghiên cứu nhằm có những hỗ trợ thiết thực cho tỉnh trong công tác phòng-chống SXH trong thời gian tới.

Được biết, trong ngày 9-2, Đoàn công tác của WHO, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên sẽ làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Chư Sê về công tác phòng-chống SXH.

Có thể bạn quan tâm

TP. HCM: Bắt đầu công bố hết dịch sởi

TP. HCM: Bắt đầu công bố hết dịch sởi

Sáng 27-3, Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện có 22 phường, xã thuộc Quận 1, 4 và huyện Củ Chi đủ điều kiện công bố hết dịch sởi, Sở Y tế đã có báo cáo và đề nghị UBND TPHCM ban hành quyết định công bố hết dịch sởi tại các phường xã này theo quy định.

Phú Thiện triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi

Phú Thiện triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi

(GLO)- Từ ngày 26-3 đến 31-3-2025, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi với mục tiêu chung tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng-chống dịch sởi, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi trên địa bàn huyện.

Bác sĩ khám bệnh cho chị Ksor Hlai (làng Chan, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ). Ảnh: N.N

Bệnh lao tiềm ẩn trong cộng đồng

(GLO)- Mỗi năm, toàn tỉnh Gia Lai phát hiện khoảng 700 bệnh nhân lao. Hiện vẫn còn khoảng 40% bệnh nhân lao tiềm ẩn trong cộng đồng, là nguồn lây lan bệnh nếu không kịp thời điều trị. Ngoài ra, số bệnh nhân lao kháng thuốc gia tăng đang là gánh nặng trong công tác phòng-chống lao tại tỉnh.

Bác sĩ Khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Trung tâm Y tế TP. Pleiku) thăm khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Ảnh: N.N

Bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp

(GLO)- Từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh sởi. Ngoài ra, năm nay còn được dự báo chu kỳ sốt xuất huyết có nguy cơ lây lan thành dịch. Trước tình hình đó, ngành Y tế đã chủ động tăng cường các biện pháp phòng ngừa.