Vụ đuối nước khiến 3 em nhỏ tử vong: Tang thương bao trùm xóm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau vụ đuối nước thương tâm khiến 3 em nhỏ tử vong, bầu không khí tang thương đang bao trùm cả xóm nghèo buôn Tơ Nia (xã Chư Gu, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai). Mặc dù đang ngày mùa nhưng mọi công việc đều phải gác lại, toàn thể dân làng tập trung đến chia buồn cùng gia đình, đưa các em về với cõi A Tâu.
Do căn nhà nhỏ, xập xệ, gia đình đành để quan tài em Ksor Tưn ngoài sân để làm tang lễ. Ảnh: Vũ Chi

Do căn nhà nhỏ, xập xệ, gia đình đành để quan tài em Ksor Tưn ngoài sân để làm tang lễ. Ảnh: Vũ Chi

Trong một ngày tang tóc bao trùm xóm nhỏ, vùng chảo lửa Krông Pa bỗng đổ mưa rả rích. Dường như trời đất cũng xót thương cho cuộc đời ngắn ngủi các em nhỏ xấu số đã ra đi trong vụ đuối nước thương tâm vừa xảy ra. Chỉ cách nhau vài bước chân, 3 căn nhà nằm san sát, đối diện nhau vọng ra những tiếng khóc ai oán đến xé lòng. Đều là họ hàng thân thích, cái chết đột ngột của các em nhỏ khiến không ai kìm được nước mắt. Mới chỉ sáng hôm qua, các em còn tung tăng nô đùa mà giờ đây đã nằm yên bất động. Xóm nhỏ mọi ngày vắng tanh bởi bà con lên nương, lên rẫy thu hoạch mùa màng, nay tất cả đều phải gác lại công việc, người túm gạo, người gói bánh, chai nước, tất cả tập trung tới chia buồn cùng gia đình, tổ chức đám tang và đưa tiễn các em về với đất mẹ.

Cái nghèo, cái đói khiến trẻ em nơi đây trưởng thành, đảm đang trước tuổi. Không ai nghĩ tới những đứa trẻ hiếu thảo ấy đã ra đi sau một phút bất cẩn. Khoảng 13 giờ ngày 3-3, sau khi cha mẹ đi làm, các em Ksor H’Ước (SN 2009), Ksor Tưn (SN 2014) và Ksor H’Phin (SN 2013, cùng trú buôn Tơ Nia) rủ nhau đi lấy nước uống tại giọt nước của làng cách nhà gần 1 km. Trời nắng, nóng, lấy nước xong 3 em xuống khu vực Trạm bơm sông Ba (Trạm bơm cũ, nay không còn hoạt động) cách giọt nước hơn 200 m để tắm thì không may đuối nước. Đến khoảng 16 giờ chiều, ông Ksor Choan (bố em H’Phin) đi làm về không thấy con ở nhà nên đi tìm thì phát hiện 3 em đã tử vong.

Ngồi bên quan tài con, ông Choan vẫn chưa hết bàng hoàng khi phát hiện thi thể của cô con gái nhỏ ngoan hiền cùng 2 đứa cháu. Quệt ngang giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt hốc hác, đen sạm đầy khắc khổ, ông kể: Mặc dù mới học lớp 4 nhưng chiều nào H’Phin cũng cùng mấy đứa nhỏ trong làng rủ nhau đi lấy nước giúp cha mẹ. Mỗi đứa 6 chai nước bỏ trong chiếc gùi nhỏ. Khi tới giọt nước, thấy 3 gùi nước đã đầy để ngay ngắn mà không thấy lũ trẻ đâu, linh tính mách bảo ông đi dọc bờ sông gọi tìm thì phát hiện 3 đôi dép để trên bờ, ông vội lao xuống sông mò kiếm. “Tôi không thể nào quên cảm giác kinh hoàng ấy. Vì là chỗ nước tù nên 3 đứa nằm cách nhau dưới đáy sông chỉ vài sải bơi. Đau xót tột cùng, tôi vớt thi thể con gái lên rồi bảo con gái út đi cùng chạy về làng báo tin cho mọi người. Một mình vớt 3 đứa lên mà chân tay tôi bủn rủn, ngã quỵ dưới đất”-ông Choan đau đớn nói.

Phía căn nhà đối diện, ông Ksor Sam (SN 1960, cha em Ksor H’Ước) cũng không còn đứng nổi từ khi người làng mang thi thể con gái út của ông trở về. Còn gì đau đớn hơn khi người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh. Vợ mất sớm, một mình ông gồng gánh nuôi 8 người con trưởng thành. 7 đứa đã có gia đình, chỉ còn mình H’Ước ở cùng chăm sóc ông. Gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, H’Ước phải nghỉ học sớm để phụ giúp cha. Ngày thường, em hay đi xiên thuốc lá thuê kiếm tiền phụ cha trang trải cuộc sống. Giờ thì em sẽ không bao giờ trở về được nữa. Thương con, ông Sam chỉ biết ngồi gục đầu vào thành giường. Đau đớn tột cùng khiến người cha già không khóc nổi nữa. Cạnh đó, bên quan tài đứa em gái út, chị Ksor H’Puôn không ngừng gào khóc gọi em đến xé lòng: “Trời ơi, đất ơi, sao tội nghiệp em tôi thế này…H’Ước ơi…H’Ước ơi !…”.

Khu vực 3 em nhỏ bị đuối nước tử vong. Ảnh: Vũ Chi

Khu vực 3 em nhỏ bị đuối nước tử vong. Ảnh: Vũ Chi

H’Ước là cháu bé lớn nhất và cũng là người duy nhất biết bơi trong số 3 em nhỏ bị đuối nước. Vì vậy, người làng nhận định rằng có thể do 2 em Tưn và H’Phin bị hụt chân vào chỗ nước sâu, H’Ước thấy vậy cố gắng cứu 2 em nhưng không đủ sức nên bị đuối nước theo. H’Ước và Tưn là dì-cháu, còn H’Ước và H’Phin là con chú-con bác. Chúng lớn lên cùng nhau, chơi đùa cùng nhau và giờ cùng nhau lên thiên đàng để lại sự xót thương của gia đình, người thân, thầy cô, bạn bè. Trong đó, gia đình em Tưn thuộc diện hộ nghèo, căn nhà nhỏ xập xệ nên mọi người đành để quan tài em ngoài sân để làm tang lễ. Từng cơn gió đập bùng bùng vào mấy tấm bạt căng tạm. Bên cạnh quan tài, người mẹ trẻ khản giọng gào khóc gọi con trong vô vọng khiến ai cũng xót xa.

Ông Ksor Nhối-Chủ tịch UBND xã Chư Gu-cho biết: Tơ Nia là buôn khó khăn nhất trong xã. Bà con Jrai ở đây có ít ruộng rẫy nên chủ yếu đi làm thuê, làm mướn. Những ngày này, bà con chủ yếu đi bẻ và xiên thuốc lá thuê kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống nên trẻ em trong làng ở nhà tự chơi với nhau. Khu vực 3 em đuối nước là chỗ nước tù, xung quanh nước cạn nhưng chính giữa sâu khoảng 1,6 m. Khu vực này ít người qua lại nên không ai phát hiện ra sự việc để ứng cứu. 3 gia đình có các em tử nạn đều có hoàn cảnh khó khăn, trong đó, gia đình em Tưn thuộc diện hộ nghèo, 2 em còn lại thuộc diện cận nghèo. Ngoài H’Ước đã nghỉ học thì Tưn và H’Phin đều là học sinh Trường Tiểu học xã Chư Gu. Rủi ro xảy ra với các em không chỉ là mất mát với gia đình mà còn để lại sự xót thương cho cả dân làng, thầy cô, bạn bè.

Ngay trong tối 3-3, lãnh đạo UBND huyện Krông Pa đã đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ mỗi gia đình 5 triệu đồng; UBND xã hỗ trợ mỗi gia đình 2 triệu đồng để lo hậu sự. Theo dự kiến, thi thể các em sẽ được an táng tại nghĩa trang của địa phương vào 3 giờ chiều ngày 4-3.

Có thể bạn quan tâm

An Khê bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Ảnh: Ngọc Minh

An Khê bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo

(GLO)- Sáng 22-11, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) tiến hành bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ bà Nguyễn Thị Hường (thôn An Thượng 2, xã Song An). Đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030.

Chuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

E-magazineChuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

(GLO)- Nằm ở cuối đường Bùi Dự (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), Trạm cứu hộ chó, mèo Gia Lai có diện tích khá rộng rãi. Đây là mái ấm của những chú chó, mèo bị bỏ rơi hay may mắn thoát ra từ lò mổ hoặc bị thương do xe tông được “biệt đội” cứu hộ đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng.

 Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

(GLO)- Thời gian qua, phường Thống Nhất (TP. Pleiku) đã tập trung phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, người dân đã chủ động phát triển sản xuất, chăn nuôi giúp tăng thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm dần qua các năm.

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

(GLO)- Nhìn những bằng khen, giấy khen treo trên tường nhà, ít ai ngờ rằng, ông Kpă Dõ-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) từng một thời chìm trong lầm lỗi. Nhờ được cảm hóa và giúp đỡ, ông đã mạnh mẽ “đứng dậy” làm lại cuộc đời.