(GLO)- Đến nay, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã đạt và vượt kế hoạch gieo trồng vụ Đông Xuân 2021-2022. Thời tiết thuận lợi, nguồn nước ổn định, ít sâu bệnh, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt là những tín hiệu lạc quan hứa hẹn vụ Đông Xuân thắng lợi.
Linh hoạt trong sản xuất
Trên cơ sở dự báo về diễn biến thời tiết của cơ quan chuyên môn, ngành Nông nghiệp tỉnh cùng các địa phương đã chủ động xây dựng lịch thời vụ gieo trồng vụ Đông Xuân 2021-2022 ở từng vùng, khu vực. Đồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng cơ cấu giống cây trồng phù hợp, nhất là những giống lúa chủ lực, chất lượng cao đã qua khảo nghiệm nhiều năm như: HT1, OM4900, ĐT100, HN6, Đài Thơm 8, LH12, TH3-3 và giống lúa lai Nhị Ưu 838. Đặc biệt, đối với những chân ruộng không chủ động nguồn nước và có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ, bà con nông dân linh hoạt gieo sạ sớm hơn lúa đại trà và sử dụng giống ngắn ngày.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống hơn 74.246 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2021-2022, đạt gần 100% kế hoạch. Trong đó, lúa nước 26.467 ha, đạt 105,9% kế hoạch; mì hơn 11.379 ha, đạt 108% kế hoạch; khoai lang hơn 1.440 ha, đạt 106,7% kế hoạch, mía trồng mới 8.468 ha… Thời điểm này, một số loại cây trồng đang bước vào giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung hướng dẫn nông dân các địa phương kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng cũng như đảm bảo nguồn nước tưới.
|
Cán bộ Nông nghiệp-Địa chính xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) trao đổi với người dân về kinh nghiệm chăm sóc lúa. Ảnh: Đức Thụy |
Cánh đồng An Phú (TP. Pleiku) được biết đến là một trong những rốn hạn trong vụ Đông Xuân. Tuy nhiên năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi cũng như điều tiết nguồn nước tưới phù hợp nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt và đang bước vào giai đoạn làm đòng, chắc hạt. Ông Võ Trọng Nghĩa (thôn 3, xã An Phú) cho hay: “Năm nay, tôi chủ động gieo sạ sớm để tránh hạn vào cuối vụ. Hiện 2 sào lúa của gia đình đang vào giai đoạn chắc hạt. Dự kiến khoảng 20-25 ngày nữa, lúa sẽ chín đều, năng suất chắc chắn sẽ cao hơn năm trước”.
Còn tại cánh đồng làng Me (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông), mặc dù là năm đầu tiên sản xuất vụ Đông Xuân nhưng được sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, người dân cũng đã linh hoạt gieo sạ sớm so với lịch thời vụ. Bà Vũ Thị Thoa-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Me-cho biết: “Những năm trước, do thiếu nước tưới nên bà con thường không gieo trồng vụ Đông Xuân. Năm nay, Nhà nước đầu tư xây dựng kênh mương dẫn nước về cánh đồng, bà con chủ động gieo sạ sớm. Đến nay, bà con nông dân đã thu hoạch xong với năng suất bình quân ước đạt 7 tạ/sào”.
|
Công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh) kiểm tra mực nước dẫn về ruộng. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-thông tin: Những năm gần đây, người dân các xã Ia Lâu, Ia Piơr đã linh hoạt gieo sạ sớm hơn các vùng khác nhằm tránh hạn cuối vụ. Đến nay, người dân đã thu hoạch hơn 50% diện tích lúa Đông Xuân với năng suất ước đạt 6,5 tấn/ha. Chúng tôi chỉ đạo các xã tập trung thu hoạch đối với những diện tích trồng sớm. Đồng thời, chủ động điều tiết nước tưới hợp lý cho từng loại cây trồng, tránh tình trạng tranh chấp nguồn nước vào cuối vụ.
Kỳ vọng bội thu
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, các địa phương trong tỉnh đã có những giải pháp sản xuất phù hợp với tình hình thực tế để đảm bảo đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh-chia sẻ: Hiện nay, người dân đang tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Năm nay, nguồn nước tưới tại các công trình thủy lợi vẫn duy trì ổn định. Người dân đã chủ động chuyển đổi những diện tích thường xuyên bị hạn sang cây trồng khác nhằm giảm thiệt hại về kinh tế.
Còn ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro thì cho biết: “Hiện nay, người dân đang thu hoạch mía và chăm sóc cây trồng. Mực nước tại các sông suối, ao hồ, đập trên địa bàn ổn định, chưa xuất hiện tình trạng hạn cục bộ. Người dân và ngành Nông nghiệp huyện rất kỳ vọng vụ sản xuất này sẽ giành thắng lợi”.
|
Người dân huyện Chư Sê chăm sóc bắp. Ảnh: Ngọc Sang |
Theo ông Nguyễn Văn Lương-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, 13 hồ chứa lớn do đơn vị quản lý và khai thác vẫn đảm bảo cung cấp nước tưới cho cây trồng vụ Đông Xuân 2021-2022. Tại một số khu vực Đông Nam tỉnh, cây lúa đang bước vào giai đoạn làm đòng, dự kiến khoảng giữa tháng 4 sẽ thu hoạch đại trà. Còn khu vực Tây Trường Sơn đang bước vào tưới đợt 2 các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả. Dự kiến cấp nước đợt 3 vào cuối tháng 3. Công ty chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc ưu tiên cung cấp nước cho những diện tích lúa đang làm đòng cũng như tích trữ, điều tiết nước phù hợp. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước tưới tiết kiệm.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2021-2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác hồ chứa thủy lợi và thủy điện, các địa phương rà soát, đánh giá nguồn nước tại các ao hồ, sông suối trên địa bàn. Cùng với đó, tập trung xây dựng kế hoạch tưới phù hợp, luân phiên để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng. Trong đó, ưu tiên cây công nghiệp dài ngày và các loại cây trồng trong giai đoạn ra hoa kết trái. Năm nay, diễn biến thời tiết tương đối thuận lợi, từ đầu vụ sản xuất đến nay chưa có diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán gây ra.
|
Lực lượng thủy nông nạo vét kênh chính công trình hồ chứa nước Hoàng Ân (huyện Chư Prông) phục vụ nước tưới vụ Đông Xuân 2021-2022. Ảnh: Quang Tấn |
Đặc biệt, vụ Đông Xuân năm nay, ngành Nông nghiệp hướng dẫn bà con nông dân nhân rộng mô hình cánh đồng lúa một giống chất lượng cao với quy mô 100-300 ha. Đẩy mạnh tưới nước tiên tiến, tiết kiệm trên các loại cây trồng, nhất là nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây mía để nâng cao năng suất từ 70 tấn/ha lên 90-120 tấn/ha. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các địa phương nhân rộng giống mì sạch bệnh KM94; xây dựng các mô hình trồng giống mì mới như HN3, HN5…
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp cũng làm việc với các nhà máy chế biến tinh bột mì, mía đường tìm giải pháp xây dựng giống sạch bệnh cung cấp cho người dân sản xuất. Tập trung hướng dẫn đưa cơ cấu giống phù hợp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng công nghệ sinh học để đảm bảo chất lượng sản phẩm nông sản; mở rộng diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn quy định như: VietGAP, GlobalGAP, Organic… Ngoài ra, tiếp tục nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cũng như làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội để kết nối xuất khẩu nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP của tỉnh. “Với nhiều nỗ lực, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đang kỳ vọng vụ Đông Xuân 2021-2022 sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra, mang lại một vụ sản xuất bội thu”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kỳ vọng.
NGUYỄN DIỆP - QUANG TẤN