Vợ chồng già mắc bệnh hiểm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tuổi già, không con cái, lại mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nên vợ chồng ông Nguyễn Văn A (SN 1948) và bà Trương Xuân Sen (SN 1952, thôn 3, xã Hòa Phú, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đang rơi vào cảnh khốn khó, kiệt quệ. 
Ngôi nhà xây bằng gạch chưa tô ở cuối thôn 3 là nơi sinh sống của vợ chồng ông A. Khi chúng tôi đến, bà Sen đang được người hàng xóm gọi qua cho lon gạo, mớ rau. Trong khi đó, ông A ngồi tựa cửa nhìn xa xăm, dáng vẻ mệt mỏi, khắc khổ.  
Cưới nhau từ năm 1987 nhưng vợ chồng ông A vẫn không có con. Nhiều người khuyên nên chạy chữa để kiếm lấy mụn con nương tựa tuổi già nhưng ông bà lực bất tòng tâm. Không có đất sản xuất, cuộc sống của ông bà quanh năm dựa vào số tiền làm thuê làm mướn.  
Giữa năm 2015, ông A thấy trong người mệt mỏi, đau bụng dữ dội. Khi thăm khám, bác sĩ cho biết ông bị u ruột già và chỉ định phẫu thuật gấp. “Vợ chồng tôi thuộc hộ nghèo nên tiền phẫu thuật được bảo hiểm y tế thanh toán 100%. Nhưng còn nhiều khoản chi phí khác nữa nên bao nhiêu tiền tích góp được đều đổ hết vào việc chữa bệnh”-ông A nói.
Phẫu thuật xong cũng hết tiền nên ông A xin về mua thuốc điều trị cầm chừng, sức khỏe giảm sút nhanh chóng, không đi làm được nữa. Đã thế ông còn mắc thêm bệnh thoái hóa khớp.
Ông A, bà Sen trước căn nhà của mình. Ảnh: Hà Tây
Ông A, bà Sen trước căn nhà của mình. Ảnh: Hà Tây
Từ khi ông A mắc bệnh, mọi gánh nặng trong gia đình dồn lên vai bà Sen. Người phụ nữ nhỏ bé ấy không nề hà công việc gì, miễn là kiếm được tiền mua thuốc cho chồng. Bà Sen lo lắng: “Nhìn chồng sức ngày càng yếu, muốn cho ông ấy nhập viện để điều trị nhưng không có tiền, vay mượn nhiều cũng khó. Anh em, bà con chòm xóm cũng đã hỗ trợ nhiều rồi nên nhờ vả tiếp ngại lắm. Nhiều người biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên thỉnh thoảng đến cho ký gạo, mớ rau, ít tiền”.
Cuộc sống của vợ chồng già càng trở nên khánh kiệt khi đầu năm 2022, bà Sen thấy sụt cân, bụng thường xuyên đau âm ỉ. Đi khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư tử cung. Không có tiền điều trị, bà Sen đành xin về nhà. Từ đó đến nay, bà chỉ biết chịu đựng, vật vã với những cơn đau. “Tôi mong chính quyền địa phương quan tâm làm chế độ bảo trợ xã hội cho những người mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định để có thêm điều kiện chữa bệnh”-bà Sen mắt ngân ngấn lệ trải lòng.
Ông Ngô Thanh Lâm-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Phú-cho biết: “Chính quyền địa phương đã biết được hoàn cảnh của vợ chồng ông A. Chúng tôi cũng đã quyên góp được ít tiền hỗ trợ cho ông bà điều trị bệnh. Nhưng hết tiền, hai vợ chồng lại đưa nhau về. Địa phương cũng đang xem xét chính sách hỗ trợ phù hợp cho ông bà. Mong lắm những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ cho ông bà để có thêm điều kiện chữa bệnh”.
Mọi sự giúp đỡ cho gia đình ông A, xin liên hệ ông Ngô Thanh Lâm-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Phú, SĐT: 0388209812 hoặc gửi về tài khoản từ thiện của Báo Gia Lai số 62110002425979 tại BIDV do chị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Thư ký Tòa soạn Báo Gia Lai (SĐT: 0943065095) phụ trách.
HÀ TÂY

Có thể bạn quan tâm

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

(GLO)- Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng vợ chồng anh Rơ Lan Ky (SN 1991), chị Kpuih Krak (SN 1994, ở làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn mở rộng vòng tay cưu mang bé gái bị bỏ rơi. Đã hơn 3 năm trôi qua, họ vẫn chăm bẵm nuôi nấng cháu bé như con mình.

Đã nghèo còn gặp tai ương

Đã nghèo còn gặp tai ương

(GLO)- Ở tuổi 60, ông Võ Văn Nhị (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vẫn phải lặn lội hàng chục cây số để làm thợ hồ. Rồi tai ương bất ngờ ập đến sau vụ sập giàn giáo. Tuy giữ được mạng sống nhưng ông Nhị phải nằm liệt ở bệnh viện, cuộc sống gia đình đã cơ cực nay lại càng thêm khó.

Không thể cuốn trôi…

Không thể cuốn trôi…

Cơn bão số 3 hoành hành, nhiều tỉnh miền Bắc chìm trong biển nước. Sau mưa bão, hàng trăm người đã ra đi mãi mãi, có những gia đình bơ vơ không còn nhà cửa, phải sống tạm bợ.