Viết tiếp truyền thống Bộ đội Cụ Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ở nước ta, đất nước mà nhà thơ Chế Lan Viên gọi là “xứ sở ngàn năm chiến tranh, vạn ngày trận mạc”, có lẽ không hình ảnh nào thân thuộc, đẹp và sâu nặng nghĩa tình như hình ảnh người lính. Suốt bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, hễ có giặc thù là lớp lớp những người con ưu tú lại lên đường ra trận. Người gửi lại quê hương mẹ già, vợ dại, con thơ; người xếp bút nghiên… cùng cầm vũ khí đáp lời sông núi. Mỗi xóm làng, mỗi góc phố trên đất nước ta qua chiều dài lịch sử đều có những người con ra trận. Họ đã không tiếc máu xương, sự sống để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, cùng nhau viết nên những trang sử chói ngời của dân tộc, tạc vào lòng nhân dân một tượng đài bất tử.  
Phong trào
Phong trào "Hũ gạo tình thương" của CB, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 7 tiếp tục tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Hòa bình, theo lẽ tự nhiên, những người lính có thể trở về sum vầy với gia đình, tiếp tục cuộc sống, bắt đầu lại những dự định dang dở của họ. Nhưng khi kẻ thù chưa một ngày thôi dã tâm thôn tính nước ta, đe dọa chủ quyền, nền hòa bình của dân tộc, những người lính lại tiếp tục ngày đêm ôm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất, bầu trời quê hương, từ nơi biên cương rừng núi xa xôi đến những hòn đảo quanh năm mịt mù sóng gió. Và năm này qua năm khác, từ những xóm làng, góc phố, các chàng trai mười tám đôi mươi vẫn nối nhau lên đường nhập ngũ, tiếp bước thế hệ cha anh dâng hiến tuổi thanh xuân của mình vì nền hòa bình của dân tộc.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang ngày một phát triển. Cuộc sống của những người lính và gia đình họ hôm nay theo đó cũng đã không còn khó khăn, gian khổ như thế hệ cha anh. Nhưng sự mất mát hy sinh của những người lính và gia đình họ thì vẫn còn đó, dẫu đã ít hơn rất nhiều so với thời chiến tranh. Những phi công tử nạn trong quá trình bay huấn luyện; những người lính Biên phòng ngã xuống trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy trên tuyến biên giới… thời gian qua là minh chứng sống động cho sự hy sinh, mất mát đó. Họ tiếp tục tô đậm thêm vẻ đẹp hình tượng người lính Cụ Hồ sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống yên bình của nhân dân.
Vẻ đẹp của người lính Cụ Hồ thời bình không chỉ thể hiện trên thao trường huấn luyện hay khi chắc tay súng bảo vệ quê hương mà nó còn hiển hiện ngay trong cuộc sống đời thường thông qua những việc làm đầy ý nghĩa với người dân và chính quyền các địa phương. Như tại Gia Lai, trong những năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2018, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã đóng góp gần 5.000 ngày công lao động giúp nhân dân di dời nhà ở, bố trí lại dân cư, góp phần xây dựng làng, xã đạt chuẩn nông thôn mới; giúp dân di dời, dựng lại 160 căn nhà; làm mới 115 chuồng gia súc, làm 43 vườn rau mẫu… Hay như với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh từ năm 2013 đến nay đã nhận đỡ đầu lâu dài cho 50 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên khu vực biên giới qua chương trình “Nâng bước em đến trường”; Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh duy trì “Bếp ăn tình thương” cho 14-16 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, giúp các em có thêm điều kiện đến trường. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị còn triển khai nhiều hoạt động giúp dân xóa đói giảm nghèo; tham gia phòng-chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ; chăm sóc sức khỏe nhân dân... Những việc làm này đã để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết quân dân, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của những người lính Cụ Hồ “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.
Ngày mai (22-12) là tròn 74 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhìn lại những trang sử vẻ vang của quân đội trong thời chiến cũng như những đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, không chỉ các thế hệ cán bộ, chiến sĩ mà toàn thể nhân dân Việt Nam đều có thể tự hào, tin tưởng.
Lê Hà

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.