Việt Nam tham vọng thu 2,5 tỷ USD nhờ bán một loại hạt được mệnh danh là "nữ hoàng của các loại hạt"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Theo Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, Việt Nam đặt ra tham vọng đưa mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 phê duyệt Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đề án này, Việt Nam đặt ra tham vọng phát triển mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Đề án phấn đấu sản lượng mắc ca qua chế biến đạt khoảng 130.000 tấn hạt vào năm 2030, khoảng 500.000 tấn hạt vào năm 2050.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm mắc ca đạt khoảng 400 triệu USD vào năm 2030, khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2050, trong đó tỷ lệ sản phẩm mắc ca nguyên vỏ không vượt quá 40%.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu quy mô diện tích trồng mắc ca phấn đấu đạt 130.000 - 150.000 ha vào năm 2030, tập trung tại các tỉnh vùng Tây Bắc (khoảng 75.000 - 95.000 ha, chủ yếu tại các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu), vùng Tây Nguyên (khoảng 45.000 ha, chủ yếu tại các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum) và một số địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây mắc ca (khoảng 10.000 ha).

Diện tích này được Bộ NNPTNT và các địa phương xác định quy mô và địa điểm cụ thể trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng, năng lực đầu tư, quỹ đất, hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và nhu cầu thị trường.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá hiệu quả phát triển mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, sẽ định hướng cụ thể về quy mô diện tích và vùng trồng Mắc ca đến năm 2050, phấn đấu đạt khoảng 250.000 ha.

 

Cây mắc ca phát triển nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Báo Đắk Lắk.
Cây mắc ca phát triển nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Báo Đắk Lắk.


Đề án cũng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca gắn với vùng trồng nguyên liệu tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; nâng cấp 65 cơ sở sơ chế, chế biến hiện có, xây dựng mới khoảng 300 - 400 cơ sở sơ chế, chế biến, công suất mỗi cơ sở từ 100 - 200 tấn hạt/năm; tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng 8 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm mắc ca có giá trị cao, công suất mỗi cơ sở từ 10.000 - 15.000 tấn hạt tươi/năm tại những địa phương có điều kiện thuận lợi.

Để đạt được mục tiêu này, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất mắc ca thông qua cầu nối hợp tác xã và tổ hợp tác xây dựng vùng trồng mắc ca tập trung, hình thành chuỗi ngành hàng mắc ca từ trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Các nhà khoa học hỗ trợ các địa phương nghiên cứu vùng trồng mắc ca thích hợp cho từng dòng/giống; chuyển giao khoa học công nghệ từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và chế biến sản phẩm cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Để phát triển thị trường tiêu thụ, giải pháp đặt ra đối với thị trường trong nước, các địa phương cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca, gắn với chỉ dẫn địa lý; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm Mắc ca.

Đối với thị trường xuất khẩu, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ rào cản thương mại; tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nhân và hạt Mắc ca nguyên vỏ, các sản phẩm Mắc ca chế biến sâu vào thị trường các nước…

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, mắc ca là đối tượng cây trồng có thể đạt được mục tiêu này, bởi đây là cây cho loại hạt rất tốt với 70% là dầu béo không no. Tại Úc, hạt mắc ca được coi là một loại thuốc bổ.

Do cây mắc ca rất nhạy cảm với điều kiện khí hậu nên trong 10 năm qua, dù biết tiềm năng của mắc ca là rất lớn nhưng thế giới mới phát triển được 490.000 tấn, mắc ca mới chiếm 1% trong số 20 loại hạt phổ biến người tiêu dùng sử dụng.

Cây mắc ca phát triển ở nhiệt độ khoảng 20 - 22 độ C, ở Việt Nam, Tây Bắc, Tây Nguyên là hai vùng rất phù hợp vì nhiệt độ mát mẻ.

Sau 5 năm triển khai quy hoạch mắc ca, đến năm 2020, cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca với diện tích trên 16.500ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở 2 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên trồng trên 15.400ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch.

Về sản lượng, năm 2020, các tỉnh thu hoạch gần 6.600 tấn hạt tươi, tăng 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỷ đồng.

Đến nay, sản phẩm mắc ca của chúng ta đã xuất khẩu với sản lượng trên 2.400 tấn sản phẩm sấy/năm.

 

Cây mắc ca đã được nhập về trồng ở Việt Nam, trồng thử nghiệm đầu tiên tại Ba Vì (Hà Nội) sau đó được trồng tại Đăk Lăk, Lâm Đồng (Di Linh, Bảo Lộc, Đơn Dương, Lâm Hà). Cây mắc ca là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Hạt mắc ca có hàm lượng dinh dưỡng cao và hương vị thơm ngon, đặc biệt thích hợp trong chế biến thực phẩm. Nhân hạt có mùi thơm nhẹ, có thể dùng làm nhân bánh ngọt, nhân chocolate, kem, bánh hộp, hoặc ăn trực tiếp ở dạng đồ hộp rất được ưa chuộng ở Mỹ, châu Âu.

https://danviet.vn/viet-nam-tham-vong-thu-25-ty-usd-nho-ban-mot-loai-hat-duoc-menh-danh-la-nu-hoang-cua-cac-loai-hat-20220315205318612.htm

 

Theo K.Nguyên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.