Viết đúng và thống nhất tên đất, tên người: Yêu cầu bắt buộc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chắc hẳn nhiều người còn nhớ từng có một số biển báo, cột cây số sai sót bên đường, kiểu như “Konchro” hoặc “Ajunpa”. Gần đây, phần lớn địa danh sai dạng “Konchro” và “Ajunpa” đã được viết đúng thành Kông Chro và Ayun Pa. Tuy vậy, trên một số văn bản, biển hiệu vẫn còn tình trạng danh từ viết chưa đúng.
Những danh từ viết sai thường có gốc ngôn ngữ Bahnar, Jrai. Sự sai lạc bắt nguồn từ cách phát âm, ghi chép là điều có thể hiểu được. Trước hết, sai sót có thể từ lý do người sử dụng chúng không am hiểu ngôn ngữ bản địa. Một người biết rõ “kông”, “đak” trong tiếng Bahnar và “chư”, “ia” trong tiếng Jrai đều có nghĩa là núi và suối/nước, chắc chắn sẽ không viết sai như vừa dẫn ở trên. Tương tự, trong ngôn ngữ Bahnar, “đak” và “đăk” không đồng nghĩa; ở tiếng Jrai, “ia” và “ya” là 2 từ khác nhau; vì vậy nếu viết “Đăk Đoa” hay “Ya Ly” thì đều chưa đúng. Một địa danh nổi tiếng ở Gia Lai mấy năm gần đây vì gắn với cảnh quan thiên nhiên đẹp là Chư Đang Ya đôi khi cũng được viết chưa hoàn toàn chính xác; ít nhất, chữ “đang” bị ghi thành “đăng”-không có nghĩa trong trường hợp này.
Sai sót cũng có thể có nguyên nhân từ sơ suất, lỗi kỹ thuật khi in ấn rồi từ đó lan truyền. Nhân có việc liên quan, tôi tìm đọc một số sách lịch sử Đảng bộ cấp huyện ở khu vực phía Đông Nam của tỉnh và phát hiện trong các tài liệu này có một số chi tiết chưa thống nhất. Xin nêu một ví dụ, là trường hợp ông Rơchom Thép (tức Ama Quang; nguyên cố Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum), 1 trong 3 yếu nhân đã lập nên Chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng đất Cheo Reo, ngày 10-8-1947, nhân vật lịch sử đã đặt tên đường phố ở tỉnh ta.
Xuất bản năm 1999, sách Lịch sử Đảng bộ huyện Krông Pa tập 1 ghi họ tên nhân vật này là Rơ Chăm Thép. Năm 2009, trong công trình Lịch sử Đảng bộ huyện Krông Pa (1945-2007), tên ông được ghi thành Rơchơm Thép. Trong khi đó, sách lịch sử Đảng bộ của các đơn vị vốn chung một Đảng bộ Cheo Reo trước kia lần lượt xuất bản vào các năm 2013, 2015, 2022 như Lịch sử Đảng bộ huyện Ia Pa (1945-2012), Lịch sử Đảng bộ thị xã Ayun Pa (1945-2015) và Lịch sử Đảng bộ huyện Phú Thiện (1945-2020) đều viết họ tên nhân vật lịch sử này là Rơchom Thép.
Việc viết đúng và thống nhất các từ ngữ liên quan đến lịch sử, văn hóa địa phương là một yêu cầu bắt buộc. Nêu ra một vài chi tiết mang tính ngẫu nhiên, chúng tôi mong muốn có thêm sự trao đổi của nhiều độc giả để vấn đề thêm sáng tỏ, việc thực hiện nội dung này ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn.
NGUYỄN QUANG
 

Có thể bạn quan tâm

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

(GLO)- Giám đốc Văn phòng khẩn cấp và phục hồi của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Rein Paulsen trong phiên họp của Hội đồng Bảo an diễn ra ngày 12/11, cho biết “Ủy ban Đánh giá Nạn đói đã phát hiện ra khả năng cao là nạn đói đang xảy ra hoặc sắp xảy ra ở các khu vực phía bắc dải Gaza”.

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

(GLO)- Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11-2024 quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Quang cảnh bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại thị xã Ayun Pa Ảnh N.A

Ayun Pa: Hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo

(GLO)- Từ tháng 10-2023 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” cùng cấp đã huy động được hơn 1 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”.

Mắt người già thật là... phức tạp

Mắt người già thật là... phức tạp

(GLO)- Ngày còn trẻ, tôi có tính hay bị “dị ứng” với những người mang kính. Nhưng đúng là “ghét của nào trời trao của nấy”, tuổi chưa đầy 50, tôi đã phải gắn bó với cặp kính. Mới đầu rất khó chịu, không có kính thì không thấy đường đọc, mà mang kính vào thì vướng víu đủ điều.