(GLO)- Được hình thành cách đây hơn 200 năm, từ thời Tây Sơn, chùa An Bình được xem là cổ nhất trên vùng An Khê thượng. Trăm năm dâu bể đã làm thay đổi diện mạo của ngôi cổ tự, nhưng chùa An Bình đúng như tên gọi của nó, khiến người ta an trí khi dạo bước trong vườn chùa yên tĩnh.
Có lịch sử mấy trăm năm, chùa An Bình giản dị giữa cảnh trí yên tĩnh của làng quê. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Từ An Khê Đình vào tới chùa chỉ khoảng 700 mét, qua xóm nhỏ với những ngôi nhà mái ngói thâm nâu. Thảng hoặc bắt gặp những vách tường đất cũ càng mà ngỡ lạc vào thôn nghèo nào hiếm hoi còn sót lại của vùng đồng bằng Bắc bộ. Hai bên đường, hoa bên kia tường rào vươn những lộc nụ bé bỏng đủ màu sắc xuống đường như muốn xóa đi mọi ranh giới. Cảnh trí thanh bình cứ thế dẫn lối chúng tôi đến trước cổng chùa lúc nào chẳng hay.
Trăm năm dâu bể
Tương truyền, những ngày đầu anh em nhà Tây Sơn lên chọn vùng đất An Khê thượng dựng cờ khởi nghiệp, một số dân nghèo từ miền xuôi đi theo anh em họ Nguyễn, lên đây lập xóm ấp, đồng thời chọn thế đất lập ra ngôi chùa nhỏ làm điểm tựa tâm linh. Xưa kia, người ta chỉ gọi nôm na là “chùa làng”, chưa có tên An Bình như ngày nay. Dấu tích cổ nhất để có thể xác định tuổi của ngôi chùa là dòng chữ khắc trên bảo chúng (chuông chùa với kích thước nhỏ), ghi rõ năm Nhâm Thìn niên hiệu Trung Nguyên.
Bảo chúng có từ những ngày đầu lập chùa. |
Theo thầy Thích Nhật Hiếu-trụ trì chùa từ năm 2007 đến nay, bảo chúng là di vật cổ nhất còn lại của “chùa làng” đến ngày nay. Vì vậy, có thể suy đoán năm tháng khắc trên bảo chúng là năm chùa được thành lập, vào khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII.
Trong chánh điện đơn sơ, ngoài bảo chúng là di vật cổ còn lại, thầy trụ trì giới thiệu thêm một số bức tượng có lịch sử cả trăm năm, được đúc bằng đồng. “Hồi lập chùa, có lẽ dân còn rất nghèo nên tất cả tượng đồng còn lại đến ngày nay đều có kích thước rất nhỏ, ngay cả bảo chúng cũng vậy. Sau này, chùa có điều kiện đã thỉnh một chiếc đại hồng chung. Nhưng tất cả là những bảo vật vô giá, chúng tôi đặt ở nơi trang trọng trong chánh điện”-thầy trụ trì cho biết.
Có lịch sử nhiều thế kỷ, nhưng ở góc độ kiến trúc Phật giáo, cổ tự không có gì đặc biệt. Có lẽ những dấu tích xưa đã bị thời gian tàn phá nặng nề. Người dân vùng này kể rằng, chùa được lập bởi người dân nghèo nên hầu như không có tài sản quý.
Ông Nguyễn Sương năm nay đã 72 tuổi, sinh ra và lớn lên bên cạnh ngôi cổ tự, kể lại: “Xưa kia đất chùa rất rộng, tới 30 ha, trồng đủ loại cây trái. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt trên vùng này, có thời kỳ người Pháp chiếm đóng toàn bộ khu vực chùa. Chúng phá hủy hết cây cối, tường bao để dễ bề quan sát. Bản thân thầy trụ trì là Thích Hoằng Khải cũng bị chúng bắt giam, tra tấn vì tham gia phong trào Phật giáo cứu quốc. Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), Pháp mới rút khỏi, trả chùa về cho những bậc tu hành và nhân dân. Nhưng khi ấy, ngôi chùa đã bị phá hủy hoàn toàn, mãi tới năm 1966 mới được trùng tu”.
Chùa An Bình được xem là tổ đình trên vùng đất An Khê bởi lịch sử mấy trăm năm. Diện tích chùa sau bao biến thiên lịch sử, đến nay bị thu hẹp chỉ còn khoảng 5,6 ha. Đây sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn bởi lịch sử hình thành, ẩn giấu những điều ít biết về cộng đồng cư dân miền xuôi đầu tiên mở đất trên vùng An Khê thượng. Nhưng tiếc là đến nay chỉ những người hoài cổ mới thường tìm đến. Tìm trên google đỏ mắt cũng chỉ có đôi dòng giới thiệu sơ lược về địa chỉ, tên thầy trụ trì lâu năm nhất của cổ tự. |
Cũng theo lời kể của người đã lớn lên trong tiếng chuông đại hồng, trước đây có hai nhà Đông, nhà Tây của chánh điện làm bằng gỗ muồng-một trong những dấu tích độc đáo còn lại của chùa cổ. Nhưng mưa nắng trăm năm đã khiến nhà gỗ không gượng nổi, cũng không thể trùng tu thêm cho tới khi đổ sập hoàn toàn nhà chùa mới phá bỏ. Cổng tam quan tồn tại từ hàng trăm năm-là dấu tích kiến trúc cuối cùng của ngôi chùa cổ-cũng đổ sập vào năm 2006 và chùa buộc phải xây lại cổng mới.
Tuy dấu xưa phai tàn nhưng tâm người vẫn gắn bó. Cũng bởi dân gian còn lưu truyền nhiều câu chuyện như những huyền tích, và tin rằng, những điều tốt đẹp sẽ linh diệu vào đời sống. Thầy Thích Nhật Hiếu cho hay có nhiều câu chuyện hư thực về sự linh ứng liên quan đến chùa cổ. Có những câu chuyện kỳ lạ nhưng đến nay vẫn còn vương dấu tích.
Thầy Nhật Hiếu kể: “Năm 1974, vùng An Khê hạn nặng. Người dân làm lễ cầu mưa mãi nhưng trời đất vẫn cằn khô. Họ bèn đến chùa thỉnh tượng Phật ra khu vực sông Ba làm lễ tắm Phật, cầu mưa. Không ngờ khi mang tượng về chưa đến chùa, trời đã đổ mưa to. Người cầm tượng Phật không may trượt chân ngã đã làm vỡ đế bức tượng cổ. Tượng Phật ấy hiện vẫn còn trong chùa”.
Chiêm bái cổ tự
Thật bất ngờ khi ngôi chùa có lịch sử hàng mấy thế kỷ là những gian nhà giản dị nằm giữa khung cảnh đơn sơ của cỏ cây hoa lá. Khác xa với hình dung của chúng tôi về một ngôi chùa có mái cong, đầu rồng, thượng điện nguy nga, chùa nằm giữa cộng đồng dân cư trù phú nhưng hoàn toàn yên tĩnh. Đứng trong vườn chùa mà như lạc vào không gian của làng quê: khóm tre, bờ chuối, dàn hoa nắng vàng nở dưới ánh nắng dịu dàng của ngày sắp hết, nhiều nhất là loài hoa không tên nở những bông li ti, tím ngập cả lối đi. Đứng ở mọi góc độ đều nhìn thấy sự gần gụi, gần như xóa bỏ hoàn toàn ranh giới giữa đời thực và chốn huyền linh, khiến con người mặc nhiên cởi bỏ hết phiền lo khi dừng chân trước cổ tự.
Người dân kể rằng, các đời sư trụ trì ở đây có cuộc sống giản dị, mộc mạc như lá cỏ. Trong đó, ảnh hưởng sâu sắc nhất đến người dân vùng này là sư Hoằng Khải-đã viên tịch cách đây 4 năm. Ông Nguyễn Sương bồi hồi kể: “Thầy là người đặc biệt hiền từ. Tôi còn nhớ trước kia trong vườn chùa có cây bơ rất sai quả. Có lần thầy bắt gặp một người trèo hái trộm bơ nhưng mãi không xuống được vì bị vướng trên cành cao. Người đó thấy thầy càng cuống. Thấy vậy, thầy nói với người nọ rằng, con hãy từ từ mà xuống kẻo sẩy chân té ngã. Đôi dép của thầy đi mòn rách cả rồi nhưng thầy vẫn cặm cụi khâu vá chứ nhất quyết không chịu mua dép mới. Thầy thường nói: “Phật tử của chùa đông nhưng phần lớn còn nghèo, vì vậy nên tiết kiệm”. Nhiều câu chuyện về sự đức độ, từ bi của sư thầy Hoằng Khải vẫn được lưu truyền trong đời sống của người dân, nhắc nhớ họ một cách sâu sắc về lẽ sống.
Còn chúng tôi, chiêm bái cổ tự trong tâm thế của người ngoại đạo nhưng vô tình bị cảnh trí níu giữ, bị cuốn theo những câu chuyện vừa kỳ lạ, vừa gần gụi để thấy đạo thật gần với đời sống, hướng con người đến lối sống tích cực ngay từ suy nghĩ…
Hoàng Ngọc