Một số địa phương đang phát sinh các dự án điện không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nên không có cơ sở để triển khai thực hiện...
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN phát) |
Trước thông tin phản ánh việc chuyển mục đích sử dụng rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án điện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hiện nay, tại một số địa phương đang phát sinh các dự án điện không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nên không có cơ sở để triển khai thực hiện.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 38 Luật Đất đai năm 2013, Điều 7 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, thì chỉ tiêu quy hoạch đất phát triển hạ tầng gồm công trình phát triển hạ tầng cấp quốc gia, công trình phát triển hạ tầng cấp tỉnh, công trình phát triển hạ tầng cấp huyện, được xác định trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện.
Trước đó, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cũng cho biết tính đến tháng 8/2020, các dự án điện tư nhân đã được đầu tư và đưa vào vận hành có tổng công suất 16.400 MW, chiếm tỷ lệ khoảng 28,3% công suất đặt của toàn hệ thống. Song hiện rất nhiều dự án đang bị chậm tiến độ, một số dự án chưa thể xác định được thời gian vận hành đã làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện…
Theo ông Hoàng Trọng Hiếu, đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, ngoài các khu vực nội đô, trung tâm các thành phố/tỉnh thành thường xuyên gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đã xuất hiện thêm các khu vực do sự phát triển nóng các nguồn điện năng lượng tái tạo dẫn đến giải phóng mặt bằng càng khó khăn, nhất là trong điều kiện yêu cầu gấp về tiến độ dự án đồng bộ nguồn năng lượng tái tạo. Các trường hợp này đang xảy ra tại Quảng Trị, Ninh Thuận,…
Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với khu vực vùng sâu vùng xa, làm ảnh hưởng đến xác định nguồn gốc đất, gây tranh chấp khiếu kiện kéo dài; đơn giá bồi thường còn bất cập, đặc biệt đối với khu vực giáp ranh giữa các tỉnh; không có quy định đối với công trình mở rộng đất mượn, dẫn tới người dân hỏi chi phí đền bù đến vô lý.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Vietnam+) |
Ngoài ra, việc đăng ký quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các dự án điện, đặc biệt là các dự án đường dây và trạm gặp khó khăn do các quy định về trình tự, thủ tục và hồ sơ theo Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành không thực sự phù hợp với quy định tại Luật Xây dựng và các liên kết hướng dẫn văn bản. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng.
Một vấn đề nữa được ông Hiếu đề cập là thủ tục xin phép mục tiêu sử dụng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên sang đất xây dựng dự án rất đặc biệt, phải chuyển qua lại giữa các ngành, địa phương nhiều cấp để kiểm tra, rà soát làm ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện bước chuẩn bị đầu tư xây dựng.
Trước thực tế nêu trên cũng như để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các dự án điện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát nhu cầu sử dụng đất để thực hiện các dự án điện, xác định việc điều chỉnh chỉ tiêu đất năng lượng thuộc trường hợp trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp nào để xác định thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp cần thiết điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất năng lượng thuộc chỉ tiêu đất phát triển hạ tầng cấp tỉnh, cấp huyện thì đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ pháp luật đất đai, pháp luật quy hoạch, Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 giải thích một số điều của Luật Quy hoạch để thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Tương tự, việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án sẽ phải theo quy định tại Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 83/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hùng Võ (Vietnam+)