Vì một cộng đồng không còn nạn đói

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với chủ đề “Hành động hôm nay-Tương lai ngày mai. Để thế giới không còn nạn đói vào năm 2030 là điều có thể”, Ngày Lương thực thế giới 16-10 năm nay được Chính phủ Việt Nam và đại diện Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cam kết đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm chất lượng, giúp người dân có cuộc sống tích cực và khỏe mạnh, hướng đến mục tiêu không còn nạn đói ở quy mô quốc gia và toàn cầu.
Việt Nam hưởng ứng Ngày Lương thực thế giới (Ảnh nguồn internet)
Việt Nam hưởng ứng Ngày Lương thực thế giới (Ảnh nguồn internet)
Thật đáng trân trọng khi mục tiêu này được đưa ra trong bối cảnh năm 2017 là năm thứ ba liên tiếp, thế giới chứng kiến sự gia tăng của nạn đói và số người suy dinh dưỡng với 821 triệu người đói (tức 11% dân số thế giới thuộc diện đói) và ít  nhất 1,5 tỷ người bị thiếu vi chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Để ứng phó với tình trạng này, FAO kêu gọi cộng đồng chung tay để đạt mục tiêu “không còn nạn đói”, gồm cả đầu tư của nhà nước và khu vực tư nhân, chính sách và thông tin cảnh báo rủi ro, đảm bảo cho người nghèo, người dễ tổn thương cũng được hưởng lợi từ cơ hội tăng trưởng và việc làm. Bởi lẽ, nếu không xóa được tình trạng đói, nghèo và suy dinh dưỡng thì cũng đừng tham vọng đạt được những mục tiêu phát triển bền vững (SDG) khác.
Là một quốc gia nông nghiệp bị tàn phá do chiến tranh, Việt Nam xác định phát triển nông nghiệp là giải pháp để đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy mục tiêu “không còn nạn đói” và “giảm nghèo” hiệu quả nhất. Từ một nước thiếu lương thực, chúng ta đã vươn lên thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Trong quá trình đó, không thể thiếu sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, trong đó có FAO, trong vai trò chủ trì thực hiện gần 500 dự án hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp và thủy sản trong suốt 40 năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và trước bối cảnh gia tăng thách thức của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Sau nhiều năm nỗ lực triển khai các chương trình xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của nước ta giảm còn khoảng 7%. Có đến 72% số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao, trong khi thu nhập chính của họ là từ nông nghiệp. Vì vậy, tìm một chính sách đảm bảo an ninh lương thực, ổn định thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho đồng bào miền núi, vùng cao, vùng sâu được cho là chìa khóa để tiếp tục kéo giảm tỷ lệ hộ đói nghèo ở nước ta.
Kinh nghiệm cho thấy, hộ nghèo thường sử dụng đất để trồng các loại cây cơ bản như lúa, bắp. Trong khi những hộ khác trồng cà phê, hồ tiêu hay cao su, dược liệu… có giá trị thu nhập cao hơn. Vì vậy, khuyến khích trồng cây công nghiệp để nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số được cho là cách tốt nhất để giải bài toán này. Tỷ lệ hộ đói nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thấp hơn, đồng thời tỷ lệ hộ khá, giàu cao hơn so với các vùng khác chính là nhờ ở điểm này. 
Cùng với đó là tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, giúp người dân vùng cao có vốn đầu tư cho nông nghiệp, nâng cao thu nhập, thu hẹp bất bình đẳng giữa các nhóm dân tộc thiểu số và người dân ở vùng sâu, vùng xa về chi tiêu, tiếp cận giáo dục, y tế, nước sạch…
Trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới ghi nhận, hiện đã có 70% người dân Việt Nam có kinh tế ổn định, trong đó 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Tầng lớp này phát triển nhanh chóng và tăng hơn 20% trong giai đoạn 2010-2017 (từ năm 2014, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu). Sự gia tăng lớp người tiêu dùng kéo theo sự gia tăng cơ hội việc làm cho xã hội, làm thay đổi trọng tâm của chương trình xóa đói nghèo từ xóa đói nghèo cùng cực sang cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.
“Cho mãi tới gần đây, nhân loại vẫn cho rằng một thế giới không còn nạn đói có vẻ là điều không tưởng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế chưa từng có trong 2 thập kỷ qua ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã mở ra triển vọng đạt được mục tiêu này trong tương lai gần”-ông Albert T. Lieberg-Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam-cho biết.
Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm

Tự hào là chiến sĩ Điện Biên

Tự hào là chiến sĩ Điện Biên

(GLO)-

94 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, đôi tai không còn nghe rõ, nhưng ký ức về những ngày tham gia giải phóng Điện Biên vẫn in đậm trong tâm trí cựu chiến binh Lưu Thế Quý (thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê).

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

(GLO)- Bằng nhiều hoạt động mang tính thiết thực, cán bộ và chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Púch) đã giúp nhiều hộ dân ở xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông) thay đổi nếp nghĩ, cách làm và vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là các hộ dân người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.
Công ty 72 khen thưởng 48 tập thể và cá nhân

Công ty 72 khen thưởng 48 tập thể và cá nhân

(GLO)-

Chiều 25-4, Công ty TNHH một thành viên 72 (Công ty 72), Binh đoàn 15 tổng kết công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt năm 2023 và điều chỉnh địa chỉ kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc với các thôn, làng.