Vị Đại tướng của nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày qua, sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, hàng ngàn con dân đất Việt, với rất nhiều hành động, việc làm đã bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn, lòng tôn kính vô bờ đối với ông-vị tướng tài ba, lỗi lạc, một người suốt đời vì đất nước, vì dân tộc.

Những người con của mảnh đất Gia Lai cũng không ngoại lệ khi ngày càng có nhiều hơn những tấm lòng chan chứa niềm nhớ thương, sự kính trọng, ngưỡng mộ hướng về một nhân cách trọn vẹn, không màng danh lợi, rất mực sáng trong.
 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và làm việc tại xã Gào-TP. Pleiku tháng 7-1979. Ảnh: Đức Thanh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và làm việc tại xã Gào-TP. Pleiku tháng 7-1979. Ảnh: Đức Thanh

Lá cờ bách chiến, bách thắng mãi bay cao

Biết mục đích gọi điện của tôi, sau cuộc trò chuyện ngắt quãng qua điện thoại, ông Đoàn Văn Trang (SN 1930, hiện ở tổ dân phố 2, phường Trà Bá, TP. Pleiku) mời tôi đến nhà. Đón tôi với nụ cười buồn, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa cứ ngồi lặng lẽ, mái đầu mỗi lúc một thấp hơn. Tôi cũng ngồi lặng lẽ, lắng nghe ký ức của ông trong niềm xúc động khôn cùng.

Có mặt ở Điện Biên Phủ từ những ngày cuối tháng 1-1954, cùng đồng đội đón một cái tết giữa núi rừng (thuộc đơn vị công binh HT 31246-Thái Nguyên, Đại đoàn 316), nhiệm vụ chính của những người lính công binh như ông Trang khi ấy là tham gia mở đường, làm cầu, chống lầy, san lấp hố bom, rà phá bom mìn, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. “Công việc đầy vất vả, gian nan nhưng chúng tôi lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, luôn vững một niềm tin, hướng về ngày chiến thắng.

Niềm tin ấy ngày càng được củng cố nhiều hơn khi chúng tôi được thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp tươi cười trên đường ra mặt trận-ông Trang bồi hồi nhớ lại-Những ngày tháng đáng nhớ của năm 1954 đó, tin Đại tướng cũng có mặt trên đường ra tiền tuyến mang đến một luồng gió mới, anh em chúng tôi đều truyền tin nhau về tầm quan trọng của chiến dịch này. Sự có mặt kịp thời của vị Tổng Tư lệnh là nguồn động viên tinh thần to lớn, khích lệ toàn quân và nhân lên trong mỗi chúng tôi lòng quyết tâm: phải đánh thắng kẻ thù bằng mọi giá”.

Thêm một tuần trà, ông Trang ngồi kể chuyện mấy ngày vừa qua. Nghe tin Đại tướng từ trần, việc đầu tiên ông Trang làm là gọi điện cho đồng đội, để báo tin và cũng là để thêm một lần cùng nhau sẻ chia một nỗi buồn lớn. Chưa thỏa lòng, ông Trang còn tìm đến nhà đồng đội là ông Bùi Văn Tín (SN 1936, hiện ở tổ dân phố 7, phường Trà Bá, TP. Pleiku), cùng ông Tín ôn lại những kỷ niệm chiến trường, nói chuyện về Đại tướng. Trong chiến dịch Điện Biên lịch sử, ông Tín là chiến sĩ của Tiểu đội trung liên của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316-đơn vị trực tiếp có mặt tại Điện Biên Phủ, 3 lần tiến công đồi A1. “Khi tôi có mặt tại Điện Biên Phủ là khi đơn vị đang chuẩn bị cho đợt tổng công kích lần thứ 3-lần công kích lớn nhất, mạnh nhất trong quyết tâm đuổi được Pháp ra khỏi lòng chảo rộng lớn ở phía Tây của núi rừng Tây Bắc.

Vì vậy, những câu chuyện về tài thao lược Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được cánh lính trẻ truyền nhau trong niềm kính phục. Chúng tôi luôn tin, lá cờ bách chiến bách thắng sẽ bay cao trong sự điều binh của Đại tướng. Và, ngay cả bây giờ cũng vậy, tinh thần ấy vẫn sống mãi”- ông Tín nói.

Người đi để lại niềm thương nhớ

“Vẫn biết là ngày này sẽ đến nhưng vẫn bất ngờ khi biết tin ông đã ra đi...”-đây là cảm xúc của rất nhiều người khi chia sẻ cùng tôi niềm tiếc thương vô hạn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bạn tôi-Nguyễn Minh Tuấn-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Anh hùng Núp (xã Ia Pia, huyện Chư Prông) là người báo cho tôi sớm nhất tin buồn này, lúc 19 giờ 30 phút ngày 4-10, sau khi Tuấn cập nhật thông tin trên mạng xã hội.

Giọng Tuấn đầy xúc cảm: “Tướng Giáp đi rồi. Ông ra đi khi Quảng Bình quê hương ông vừa hứng chịu những mất mát do bão lụt vẫn chưa khắc phục xong hậu quả. Và giờ đây lại thêm một nỗi đau vô hạn. Ông ra đi khi đất nước vẫn còn nhiều lắm những cơn bão lòng mà cần có ông làm chỗ dựa, với một tấm lòng tận tâm với nước với dân. Ông ra đi khi chỉ còn vài tháng nữa thôi là cả dân tộc sẽ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên mà tên ông đã trở thành huyền thoại”.

Trong suốt những ngày vừa qua, hàng ngàn người con đất Việt đến tiễn biệt ông-người con ưu tú của dân tộc. Ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, đã có rất nhiều bàn thờ ông được đông đảo nhân dân lập nên, trong bời bời niềm tiếc thương, ngưỡng vọng. Tại tổ dân phố 16 (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) nhà điêu khắc Lê Sĩ Soái cũng lập bàn thờ Đại tướng trong sự đồng thuận và quan tâm của bà con trong phố, ngoài làng. Có mặt tại đây, già làng HMrik (làng Brel, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) bày tỏ niềm xúc động: “Mấy ngày qua, ngày nào già cũng xem ti vi, xem những bản tin nói về Đại tướng đồng thời thông báo để bà con trong làng biết về tin này. Hôm nay, già tới đây để thắp cho Đại tướng một nén hương tỏ lòng thành kính”.

Thu Huế

Có thể bạn quan tâm

Triển khai kế hoạch diễn tập phòng thủ dân sự huyện Đức Cơ năm 2024

Triển khai kế hoạch diễn tập phòng thủ dân sự huyện Đức Cơ năm 2024

(GLO)-

Chiều 18-7, Ban Chỉ đạo diễn tập phòng thủ dân sự huyện Đức Cơ năm 2024 đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch, ý định và giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo, cơ quan Ban Chỉ đạo. Đồng chí Dương Mah Tiệp-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo diễn tập “ĐC-24” chủ trì hội nghị.