Cam kết sẽ hoàn trả đường sau khi thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhưng VEC nuốt lời, để các địa phương "kêu cứu" trong vô vọng
Nói đến dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, người ta nghĩ ngay đến con đường được đầu tư hơn 34.000 tỉ đồng chưa kịp đi đã hỏng, khiến hàng chục người liên quan bị khởi tố. Riêng đối với người dân 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, tuyến cao tốc này còn để lại nỗi ám ảnh về những con đường dân sinh lầy lội.
Gửi hàng chục văn bản vẫn làm lơ
Để thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các nhà thầu đã thỏa thuận, thống nhất với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và các địa phương tại tỉnh Quảng Nam về việc sử dụng và sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường phục vụ thi công công trình. Tuy nhiên, tuyến đường cao tốc này đã hoàn thành và đưa vào khai thác gần 3 năm, VEC và các nhà thầu vẫn không chịu hoàn trả đường.
Gần 3 năm qua, người dân ở xã Tam Mỹ Đông (huyện Núi Thành) rất bức xúc vì trên đường ĐT617, "ổ gà", "ổ voi" xuất hiện khắp nơi. Theo người dân địa phương, khi thi công đường cao tốc, mỗi ngày có hàng chục xe tải chở đất đá lưu thông khiến đường ĐT617 bị hư hỏng nặng. Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, cho hay tuyến đường này VEC mượn để thi công đường cao tốc và cam kết hoàn trả nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện khiến người dân rất bất bình.
Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam cho biết VEC và các nhà thầu đã mượn 4 tuyến đường tỉnh (ĐT609B, ĐT611, ĐT615 và ĐT617), 34 tuyến đường huyện, đường xã tại tỉnh này. Đến nay, dự án mới chỉ hoàn trả tuyến ĐT609B và ĐT615. Riêng các tuyến đường huyện, đường xã, tới đầu năm 2020, dự án mới hoàn trả được 22 tuyến, địa phương sửa chữa 4 tuyến, còn lại 8 tuyến tại Duy Xuyên, Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành. Ngoài ra, còn 7 tuyến đường ngang trên địa bàn huyện Duy Xuyên và TP Tam Kỳ chưa hoàn trả.
Tương tự, tại tỉnh Quảng Ngãi, VEC và các nhà thầu cũng mượn hàng chục tuyến đường để sử dụng nhưng không chịu hoàn trả. Theo khảo sát, tại các tuyến đường qua thôn Phú Lễ 1, Phú Lễ 2 (xã Bình Trung, huyện Bình Sơn) hiện hư hỏng nặng. Dù chính quyền địa phương đã cho lấp đá mi nhưng có rất nhiều "ổ gà", "ổ voi" giữa đường. "Trước kia, tuyến đường này bằng phẳng. Khi dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thi công, nhiều xe tải trọng nặng chở vật liệu chạy liên tục khiến đường hư hỏng nặng. Ngày nắng bụi mịt trời, ngày mưa bùn lầy lội gần tới gối. Người dân chúng tôi vô cùng khổ cực" - ông Lê Văn Hùng (thôn Phú Lễ 2) bức xúc.
Theo ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, VEC mượn 3 tuyến đường huyện và nhiều tuyến đường dân sinh ở địa phương để phục vụ thi công đường cao tốc. "Chúng tôi đã gửi hơn 10 văn bản yêu cầu hoàn trả các tuyến đường dân sinh nhưng chủ đầu tư làm lơ" - ông Khiêm nói.
Đại diện Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi cho hay các tuyến đường dân sinh qua huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh… cũng hư hỏng nặng sau khi VEC mượn và bị "bỏ rơi". "Địa phương đã có 33 văn bản đề nghị VEC hoàn trả đường cho dân nhưng chủ đầu tư vẫn chưa làm. Các ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT cũng không được chủ đầu tư thực hiện" - đại diện Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi ngao ngán.
Đường ĐH8 tại xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đầy “ổ voi” sau khi cho VEC mượn thi công đường cao tốc Ảnh: TRẦN THƯỜNG |
Bộ GTVT chỉ biết "đôn đốc"
Trước kiến nghị liên tục của chính quyền và cử tri tỉnh Quảng Nam, ngày 5-8-2019, Bộ GTVT có Văn bản số 7245 gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh đối với sự việc trên. Lúc đó, Bộ GTVT cho hay dự kiến các nhà thầu sẽ hoàn thành việc sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường cho các địa phương chậm nhất trong quý IV/2019.
Theo Bộ GTVT, việc sửa chữa, hoàn trả các đường địa phương bị hư hỏng do sử dụng làm đường công vụ thi công dự án là một hạng mục có trong dự án đầu tư được phê duyệt. Trong các hợp đồng xây lắp do VEC ký kết với các nhà thầu, hạng mục này cũng được quy định cụ thể. Trách nhiệm tổ chức thực hiện thuộc về VEC, tư vấn giám sát và các nhà thầu thi công.
Gần 1 năm sau, ngày 14-7-2020, Bộ GTVT có Văn bản số 6784 gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam về vụ việc. Trong văn bản, bộ này cho hay từ khi dự án thông xe trên toàn tuyến (ngày 2-9-2018), Bộ GTVT thường xuyên chỉ đạo và đã có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu VEC chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương thực hiện các quy định của hợp đồng. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện hạng mục này rất chậm, đúng như phản ánh của cử tri tỉnh Quảng Nam. Bộ GTVT cho rằng nguyên nhân là do các bất cập trong vấn đề tổ chức nhân sự và chỉ đạo điều hành của VEC, vướng mắc về nguồn vốn.
Dù tỉnh Quảng Nam cho biết còn rất nhiều tuyến đường chưa được hoàn trả nhưng trong văn bản, Bộ GTVT cho hay theo báo cáo của VEC thì đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam chỉ còn 4 tuyến (3 đường ở Duy Xuyên, 1 ở Quế Sơn), đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi còn 17 tuyến (trong đó có 8 đường đã được địa phương thực hiện nâng cấp bằng nguồn vốn của địa phương).
Bộ GTVT cho hay sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đôn đốc, chỉ đạo VEC cho đến khi hạng mục này hoàn thành, có xác nhận của chính quyền địa phương. Lần này, Bộ GTVT không đưa ra thời điểm lúc nào VEC có thể "trả nợ" cho các tỉnh.
Quảng Nam tự sửa đường
Nhiều lần "kêu cứu" nhưng VEC chây ì trả nợ, mới đây HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua nghị quyết về việc sử dụng ngân sách địa phương để sửa chữa các tuyến đường bị hư hỏng do thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tỉnh Quảng Nam dự tính chi khoảng 48,46 tỉ đồng để sửa đường ĐT617 và ĐT611; khoảng 24,38 tỉ đồng cho 15 đoạn tuyến đường huyện, xã. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói: "Tỉnh phải chi ngân sách ra để sửa đường cho người dân đi để bảo đảm an toàn giao thông. Hiện nay, nhiều cán bộ VEC vướng vòng lao lý nên chẳng biết bao giờ "đòi nợ" họ được".
TỬ TRỰC - TRẦN THƯỜNG (NLĐO)