Về thăm vùng biên Ia O

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Xe ô tô bon bon trên con đường láng nhựa phẳng lỳ, quãng đường từ Pleiku lên Ia O dài 65 km chỉ chạy khoảng 1 tiếng đồng hồ, đoạn từ xã Ia Krai vào đường lại càng đẹp, quanh co bên những vườn cao su mát rượi. Nơi đây đã hình thành cụm dân cư đông đúc với những ngôi nhà, hàng quán nằm san sát nhau.

Qua rồi một thời khốn khó

Những năm cuối thập niên 70 và suốt thập niên 80 của thế kỷ trước, Ia O (tức B12, tên gọi thời chiến tranh) là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với những ai phải lên công tác vùng này, đặc biệt là những đồng nghiệp của tôi ở ngành Giáo dục huyện Chư Păh cũ, nay là Ia Grai. Thứ nhất là đường quá xa. Sáng sớm, nếu khởi hành từ xã Ia Grai (B14, nay là xã Ia Tô)-điểm đỗ cuối của tuyến xe đò từ Pleiku lên thì phải đến 19-20 giờ mới đi bộ đến nơi, ấy là những người đã quen đi bộ, nếu không phải đi mất 2 ngày ròng rã. Ngày ấy không phải đi lên hướng Ia Blang, qua Ia Krai rồi qua Ia O như bây giờ mà phải vòng qua thác Lệ Kim, ngược lên Ia Dơk, Ia Chía. Nỗi sợ thứ hai không chỉ là trường sở tạm bợ tranh tre nứa lá, đời sống vật chất quá thiếu thốn mà sợ nhất là bệnh sốt rét hoành hành. Mỗi lần bị sốt phải nhờ đến 4 người thay nhau khiêng võng về bệnh viện huyện. Không ít trường hợp đi chưa đến nơi thì bệnh nhân đã tử vong.

 Khung cảnh yên bình của lòng hồ Sê San 4 (xã Ia O, huyện Ia Grai). Ảnh: Thanh Phong
Khung cảnh yên bình của lòng hồ Sê San 4 (xã Ia O, huyện Ia Grai). Ảnh: Thanh Phong


Đồng nghiệp của tôi những năm ấy như các anh Huỳnh Văn Ký, Huỳnh Tòng mỗi lần về thị xã Pleiku thăm nhà rồi khi trở lên Ia O thì trong hành trang của các anh luôn có thuốc ký ninh viên, thuốc rê, giấy cuốn thuốc, nước mắm và đặc biệt là hàng chục cuộn thuốc líp để đổi gạo. Thuốc líp là một loại thuốc nguyên lá, còn nguyên màu xanh, hút khói khét lẹt nhưng đồng bào Jrai rất thích hút. Đường quá xa nên không thể cõng gạo tiêu chuẩn từ kho lương thực ở huyện về được, sổ lương thực cũng để lại cho đồng nghiệp ở các trường gần mua gạo ăn.

Bây giờ thì Ia O không còn là ốc đảo như xưa. Xe ô tô bon bon trên con đường láng nhựa phẳng lỳ, quãng đường Pleiku-Ia O lên đây dài 65 km chỉ chạy khoảng 1 tiếng đồng hồ, đoạn từ xã Ia Krai vào đường lại càng đẹp, quanh co bên những vườn cao su mát rượi. Nơi đây đã hình thành cụm dân cư đông đúc với những ngôi nhà, hàng quán nằm san sát nhau. Đủ cả, từ nhà hàng ăn uống, quán cà phê, quán net, bi da, chợ, quán bán cá sông với đặc sản cá lăng, mè dinh... Biển hiệu quảng cáo đủ màu sắc, kích cỡ. Từ đây có tuyến xe ô tô giường nằm chất lượng cao chở khách đi TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng một số tỉnh, thành khác trong cả nước. Không còn là một xã vùng biên đầy khó khăn, cách trở, Ia O trở thành một thị tứ sầm uất nằm bên hồ thủy điện Sê San nước mênh mông.

Điều đáng chú ý nhất là sự nghiệp giáo dục phát triển nhanh. Còn nhớ khoảng 30-40 năm trước, cả xã không có học sinh để gửi lên trường Nội trú huyện học lớp 6 bởi cứ đến lớp 3, lớp 4 là các em lại nghỉ học để làm rẫy giúp gia đình hoặc... bắt chồng, lấy vợ. Bây giờ Ia O có các bậc học, từ mầm non, tiểu học đến THCS. Ngay tại thị tứ có 2 trường tiểu học và có lẽ không một vùng xa nào làm được như Ia O: Tất cả học sinh ở các làng xa trung tâm xã đều được đưa đón bằng xe buýt, do các gia đình hùn nhau thuê tháng để chở con em đi học về cho kịp trong ngày, không phải ở lại trường.

Người Ia O cũng đông thêm nhờ bổ sung gia đình công nhân đội sản xuất của các công ty cao su thuộc Binh đoàn 15 và một số công nhân thi công, vận hành thủy điện ở lại. Đất lành chim đậu, người từ các nơi cũng tìm đến đây buôn bán, xây dựng kinh tế. Vùng biên vắng vẻ ngày nào giờ đã có gần 10 ngàn dân, làm được lúa Đông Xuân, trồng hàng trăm ha điều, giá đất ở trên trục đường chính lên đến hàng chục triệu đồng/m/lô...

Triển vọng du lịch lòng hồ

Mấy năm gần đây, tại Ia O đã manh nha loại hình du lịch sông nước. Ấy là nhờ diện tích mặt hồ thủy điện Sê San 4 rộng đến hơn 5.100 ha, nước ngập sâu nên những quả đồi trước kia giờ thành hàng chục hòn đảo lớn nhỏ trên lòng hồ. Nhiều hộ dân từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã ra đây lập nghiệp, quần tụ với nhau thành làng chài, nuôi cá lồng và đánh bắt thủy sản trên hồ. Thiên nhiên đã ban tặng cho lòng hồ nơi đây nhiều loài cá nước ngọt nổi tiếng như: cá lăng nha đuôi đỏ, cá sọc dưa, cá chép, cá mè, cá bống tượng… Đặc biệt, cá cơm trắng sống trên hồ Sê San 4 đã trở thành món đặc sản không thể thiếu trong bữa ăn và quà tặng của du khách mỗi khi có dịp đến thăm Ia O.

Diện tích mặt hồ thủy điện Sê San 4 rộng đến hơn 5.100 ha, nước ngập sâu nên những quả đồi trước kia giờ thành hàng chục hòn đảo lớn nhỏ trên lòng hồ. Ảnh: Thanh Phong
Diện tích mặt hồ thủy điện Sê San 4 rộng đến hơn 5.100 ha, nước ngập sâu nên những quả đồi trước kia giờ thành hàng chục hòn đảo lớn nhỏ trên lòng hồ. Ảnh: Thanh Phong


Chưa quảng bá rộng rãi song mấy năm trước đây nếu ai biết thì có thể lên Ia O gọi thuyền máy chở đến làng chài, thưởng ngoạn cảnh sông nước, thưởng thức các món cá sông. Mới đây, Công ty Kim Ngân Phát đã tổ chức khá bài bản tour du lịch trên lòng hồ Sê San 4. Chủ doanh nghiệp này là anh Lý Nhân Phú, đến từ TP. Hồ Chí Minh. Với hệ thống nhà hàng nổi bên bờ hồ Sê San 4 và 1 nhà hàng trên đảo giữa lòng hồ, đơn vị tổ chức đưa du khách bằng thuyền máy dạo quanh hồ, xa thì xuống thác Mơ, gần thì đến làng chài rồi vòng về đảo. Du khách có thể thưởng thức các món ăn đặc sản của Sê San ngay tại nhà hàng trên đảo, xem biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca Jrai, diễn viên là những thanh niên nam nữ của làng Dăng, xã Ia O. Những ngôi nhà trên đảo được làm hoàn toàn bằng chất liệu thiên nhiên: mái lợp lá dừa nước, cột và hệ thống rui, mè, đòn tay đều là cây đước chở từ miền Nam ra. Chi phí cho một chuyến du lịch trọn gói trên lòng hồ giá vừa phải, hợp với túi tiền của du khách. Nếu tổ chức thêm các loại hình du lịch hấp dẫn khác như chèo thuyền kayak, câu cá, quăng chài, kéo vó… và trồng thêm nhiều loại cây rừng phù hợp thổ nhưỡng đất đồi trên các hòn đảo để du khách thưởng ngoạn, nghỉ mát, chắc chắn sẽ còn hấp dẫn hơn nữa.

Được biết, huyện Ia Grai mấy năm gần đây đã tổ chức thành công 2 lần hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô và liên hoan văn hóa cồng chiêng. Lần thứ 3 sẽ diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6-11 năm nay ngay trên bãi bồi làng Dăng thuộc xã Ia O. Lên Ia O mùa này, du khách không chỉ lặng ngắm mặt hồ Sê San mênh mông, những đảo nổi chấm phá trên mặt hồ xanh biếc như bức tranh thủy mặc mà còn hòa mình vào thiên nhiên Tây Nguyên với màu vàng rực hoa dã quỳ, màu xanh ngút ngàn cao su, màu vàng sậm rừng điều, nghe nhịp chiêng ngân vang và nhấp cang rượu cần thơm ngọt, ngất ngây điệu xoang của những cô gái Jrai trong đêm lễ hội…

Dòng Sê San không chỉ làm ra điện. Nếu được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư quảng bá và các đơn vị du lịch tham gia, Sê San nhất định phát huy thế mạnh của ngành “công nghiệp không khói”, giúp cuộc sống của người dân vùng biên giới Ia O phát triển, đưa Ia Grai trở thành một địa chỉ mới trên bản đồ du lịch của Tây Nguyên.

 

THANH PHONG

 

 

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.