Về miền nắng gió Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lần nào về Krông Pa, trong tôi cũng ngân lên câu hát trong bài “Gia Lai quê tôi” của ca sĩ, nhạc sĩ Y Jang Tuyn: “vượt đèo Tô Na/con đường 25/Krông Pa mến yêu/Phú Túc đón chào…”.

Quãng đường từ TP. Pleiku đến trung tâm huyện Krông Pa dài khoảng 140 km. Nếu bạn đã lên kế hoạch trước để kết nối liên tuyến “lên rừng xuống biển” trong hành trình trải nghiệm của mình thì đường đi rất thuận lợi bởi khoảng cách từ thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) đến tỉnh Phú Yên chỉ mất thêm khoảng 2 giờ đồng hồ nữa.

Hành trình này nằm trong chương trình liên kết hợp tác phát triển liên vùng giữa các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên nhằm mở rộng và phát triển thị trường du lịch trong khu vực liên kết.

Từ trung tâm thị trấn Phú Túc, đoàn chúng tôi theo chân anh Ksor Nam-Chuyên viên Phòng Văn hóa-Thông tin huyện đến thăm Khu lưu niệm lịch sử-nơi thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên huyện H2 (nay là huyện Krông Pa) thuộc buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng.

Anh Kpă Dêl-Bí thư Đoàn xã Đất Bằng, phụ trách quản lý Khu lưu niệm-thông tin: “Khu lưu niệm được khánh thành vào ngày 2-9-2019 có diện tích 18.038,4 m2, là điểm đến có ý nghĩa gắn liền với lịch sử vùng đất Krông Pa. Tháng 8-2022, Khu lưu niệm được xếp hạng di tích cấp tỉnh, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ”.

Hồ chứa nước Ia Mlah. Ảnh: V.T.T

Hồ chứa nước Ia Mlah. Ảnh: V.T.T

Rời Khu lưu niệm, chúng tôi tiếp tục xuôi về xã Ia Mlah, nơi có công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mlah. Xe chầm chậm băng qua những con đường trải nhựa phẳng lì, phía xa xa thấp thoáng bóng dáng người già ngồi bên nếp nhà dài truyền thống, thỉnh thoảng lại bắt gặp những đàn bò thủng thẳng nối đuôi nhau đi trên đường, cũng là hình ảnh đặc trưng thường thấy của vùng đất này.

Dạo quanh con đập ven hồ, chúng tôi thảnh thơi thưởng ngoạn phong cảnh. Mặt hồ lăn tăn gợn sóng, phía xa trập trùng núi đồi, vài chiếc thuyền đánh cá ngoài xa, lại thấy vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên vạn vật.

Trò chuyện cùng ông Kpă Blinh-cán bộ xã Ia Mlah, tôi được biết thêm: Toàn xã có 936 hộ dân, trong đó, 68% là đồng bào dân tộc Jrai. Người dân trong vùng chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa, mì, mía và chăn nuôi bò. Bà con nơi đây còn giữ gìn và lưu truyền được những giá trị văn hóa-di sản truyền thống từ bao đời.

Tiếp tục trên cung đường chúng tôi đến thăm Đền thờ tiền hiền làng Phú Cần (thuộc thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần) để hiểu thêm về lịch sử vùng đất này. Đọc bảng tóm tắt tiểu sử đã được sửa đổi treo phía bên trong gian thờ, tôi được biết vị tiền hiền tên thật là Phan Hữu Phàn (1890-1940), quê quán An Chấn, Tuy An, Phú Yên.

Năm 1925, khi 35 tuổi, ông đã quyết định đến Phú Cần lập nghiệp. Nhằm tưởng nhớ công lao của người có công khai đất lập làng, người dân đã lập mộ ông (nằm tại buôn Thim) và chọn một vị trí khá đẹp, đối diện với đồng ruộng mênh mông, phong cảnh hữu tình xây dựng đền thờ khang trang, rộng rãi.

Du khách thưởng ngoạn phong cảnh tại Khu du lịch Đồi hướng dương. Ảnh: Võ Thanh Thảo

Du khách thưởng ngoạn phong cảnh tại Khu du lịch Đồi hướng dương. Ảnh: Võ Thanh Thảo

Trên đường quay về, chúng tôi dừng chân tại đèo Tô Na. Đã có hẹn từ trước, chị Trần Thị Mỹ Hiền-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rsươm đón đoàn và đưa đi tham quan Thung lũng Hồng-một điểm đến thơ mộng và thú vị nằm bên dòng sông Ba, phía dưới chân đèo Tô Na.

Chị Hiền cho biết, Thung lũng Hồng là điểm đến quan trọng được huyện Krông Pa đưa vào Đề án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2019-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Dừng chân bên hàng nước ngay chân đèo, phóng tầm mắt về phía xa, dòng sông Ba hiền hòa phẳng lặng uốn lượn quanh đèo giữa núi non điệp trùng. Với mỗi địa danh mà nó chảy qua, sông Ba lại gắn với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và góp phần nuôi sống người dân bởi những giá trị to lớn từ lượng phù sa bồi đắp cho ruộng đồng tươi tốt, cây rừng thêm xanh, đất đai màu mỡ cùng nguồn lợi thủy sản. Vẻ đẹp thơ mộng của Thung lũng Hồng bên dòng sông Ba đã khiến cho cái nóng của vùng đất chảo lửa này dịu đi đôi phần.

Từ chân đèo Tô Na, di chuyển khoảng 600 m, chúng tôi đến tham quan Khu du lịch sinh thái Đồi hướng dương (thuộc địa phận xã Ia Rsươm). Đón đoàn là anh Nguyễn Ngọc Trung-Chủ khu du lịch. Trong tương lai, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và ngành chuyên môn, nơi đây sẽ là điểm dừng chân khi du khách đi qua địa bàn huyện Krông Pa.

Chia sẻ về Đồi hướng dương, anh Trung thông tin: “Thời gian qua, gia đình bắt đầu cải tạo lại cảnh quan khu vực này, thử nghiệm trồng các loại hoa ngắn ngày để lựa chọn loại thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Khoảng hơn 3 tháng trước, chúng tôi gieo trồng chủ yếu là hoa hướng dương, hoa cánh bướm, hoa cúc, vạn thọ, cỏ lau… tạo dựng thành một nông trại hoa phục vụ du khách đến tham quan, thưởng ngoạn.

Bên cạnh đó, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và đồng thuận của các hộ dân quanh vùng, đường sá đã được tu sửa, tạo thuận lợi cho việc đi lại. Chúng tôi đầu tư mô hình tiểu cảnh, cơ sở phục vụ ăn uống, cắm trại, chèo thuyền SUP ven sông, cho du khách tham gia sinh hoạt sản xuất cùng dân làng”.

Xuôi về Krông còn thấy những ngôi nhà dài mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Jrai. Ảnh: Võ Thanh Thảo

Xuôi về Krông còn thấy những ngôi nhà dài mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Jrai. Ảnh: Võ Thanh Thảo

Từ Đồi hướng dương, chúng tôi ngược dòng sông Ba dừng chân tại một doi đất nằm ở phía bên kia sông, nơi có vườn cây ăn quả của gia đình anh Nguyễn Văn Hậu-Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ và du lịch Thiên Cảnh. Anh Hậu chia sẻ: “Vườn cam, quýt hữu cơ này được trồng đã hơn 7 năm, trong đó có trồng xen cây dừa, diện tích rộng gần 3 ha cho thu hoạch đều đặn”.

Anh Hậu cho biết thêm, thời gian tới sẽ đầu tư xây dựng thêm một số công trình phụ trợ gắn với đời sống sinh hoạt truyền thống của bà con nơi đây, kết hợp trồng thêm cây dược thảo, xin giấy phép đưa vào hoạt động ca nô mời người dân địa phương đưa du khách tham quan vùng sông nước, trải nghiệm trang trại nông nghiệp…

Sau khi tham quan, khách được tận tay hái trái cây thưởng thức tại vườn, có thể mua trái cây về làm quà, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất, gắn mô hình nông nghiệp với phát triển du lịch tại địa phương.

Rời miền đất nắng gió nhưng vô cùng thi vị, lòng tôi vẫn còn vấn vương!

Có thể bạn quan tâm

Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 sẽ được tổ chức ở khu vực Công viên Kpă Klơng (thị trấn Chư Sê). Ảnh: M.K

Sẵn sàng Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025

(GLO)- Hội chợ hoa xuân không chỉ tạo điều kiện cho các nhà vườn tiêu thụ sản phẩm mà còn là điểm đến hấp dẫn của người dân, du khách mỗi khi Tết đến xuân về. Chính vì vậy, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã tập trung triển khai các phương án nhằm tổ chức Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 an toàn, vui tươi.

Khởi sắc Ia Mơ Nông

Khởi sắc Ia Mơ Nông

(GLO)- Tuy xuất phát điểm thấp, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đa số nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức của người dân, diện mạo xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đang từng ngày khởi sắc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn (bìa phải) tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung. Ảnh: Hoàng Hoài

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang

(GLO)- Sáng 10-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Trần Minh Sơn làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang.

UBND tỉnh ban hành 7 thủ tục mới thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

Gia Lai công bố 14 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND công bố danh mục gồm 7 thủ tục hành chính mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ; 7 thủ tục mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ.