Nông trường quốc doanh ngày ấy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975), chúng tôi-những đứa trẻ sau này thường được gọi là “F1”-cùng gia đình vẫn thường trăn trở chuyện “ở” hay “về”.

Về lúc ấy là về quê hương miền Nam, thay vì ở lại nơi mình đã được sinh ra và lớn lên. Thế rồi, không phải đợi lâu, câu trả lời cũng đến. Năm 1977, cha tôi có tên trong danh sách bộ khung cán bộ (khoảng hơn 10 người) của Nông trường Quân Chu (nay thuộc tỉnh Thái Nguyên) được Bộ Nông nghiệp điều động vào Gia Lai-Kon Tum để xây dựng nông trường mới. Là người từ chiến trường Kon Tum ra miền Bắc năm 1972 (sau khi bị thương), cha tôi tiếp tục vác ba lô cùng đồng đội vào Tây Nguyên mà không chút băn khoăn.

Mùa hè năm 1978, khi chúng tôi vừa kết thúc năm học, vóc dáng của một “nông trường ở trong Nam” nghe nói cũng... hòm hòm, các ông bố lần lượt trở ra Bắc đón vợ con vào nơi ở mới. Sau này, tôi mới biết, chuyến đi ấy của chúng tôi là một trong những hoạt động hiện thực hóa chủ trương lớn của Nhà nước về Tây Nguyên ở giai đoạn này là phát triển các nông-lâm trường quốc doanh.

Sau giải phóng, nhằm xóa bỏ tư bản tư nhân, Ty Nông nghiệp Gia Lai-Kon Tum đã tịch thu đồn điền chè Bàu Cạn, Biển Hồ và trại thực nghiệm An Mỹ của tư bản nước ngoài để xây dựng thành 2 nông trường quốc doanh kinh doanh cây chè và trại giống lúa An Mỹ. Những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, kinh tế quốc doanh nông-lâm nghiệp được xây dựng rầm rộ ở Bắc Tây Nguyên. Riêng trong 2 năm (1977-1978), tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã thành lập 19 nông trường quốc doanh, trong đó có 7 nông trường do quân đội quản lý. Sau 10 năm, toàn tỉnh có 6 công ty cao su, 2 xí nghiệp liên hiệp và công ty cà phê, 3 nông trường chè, liên hiệp xí nghiệp cây đặc sản và một số nông trường nuôi bò, trồng mía… Những năm 1976-1980, có 1.058 hộ với 26.670 khẩu đến các nông trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi chỉ là một phần nhỏ trong số cư dân này.

Mất cả chục ngày vượt qua chặng đường hàng ngàn km, bằng nhiều loại phương tiện như ô tô, máy bay… và cuối cùng là máy kéo, nơi gia đình tôi đặt chân đến là một thung lũng hẹp, bên dòng suối Ia Blan. Địa điểm này nay nằm ở phía Đông cầu Ia Blan, trên tỉnh lộ 664, đi qua huyện Ia Grai, hướng về phía biên giới Campuchia, cách TP. Pleiku gần 40 km.

Đến nơi, gia đình tôi (5 người) được phân công ở 1 gian, trong dãy nhà ngang 5 gian, nền đất, làm hoàn toàn bằng tranh tre, nứa lá. Các gian nhà được ngăn cách với nhau bởi 1 tấm vách lồ ô đập dập. Trong mỗi gian nhà có sẵn vài cái sạp bằng tre nứa, gác lên các đoạn cây, rồi chằng buộc vào nhau làm giường nằm. Đây là nơi ở của 5 hộ gia đình trong bộ khung cán bộ của nông trường từ Quân Chu vào. Nhà của chúng tôi nằm sát suối, phía trên còn có 2 căn như vậy, 1 căn là của các gia đình cán bộ khung từ Nông trường Vân Du (Thanh Hóa) vào, rồi đến đoạn đường lớn (nay là tỉnh lộ 664) cắt ngang. Bên kia đường là nông trường bộ (cũng nhà tranh, vách nứa). Nhưng bên ấy, ngoài khu làm việc, còn có cái cửa hàng bách hóa-nơi mà tôi nhớ là chỉ có món hàng chính là cá chuồn khô. Xa xa một chút là chỗ của đội cơ khí và đội công trình. Từ nông trường đến các đội sản xuất còn phải cuốc bộ nhiều cây số nữa.

Đưa cả gia đình vào rồi, vấn đề nan giải nhất đối với các ông bố, bà mẹ cũng chính là những người đứng đầu nông trường lúc ấy là việc học của bọn trẻ. Bước vào năm học mới, 1 cô dạy “vỡ lòng” ở Quân Chu vào, được nông trường làm việc với Phòng Giáo dục (lúc đó là huyện Chư Păh) bố trí lên dạy luôn lớp 1. Phòng Giáo dục huyện tăng cường thêm 1 giáo viên dạy lớp 2 và 3. Còn học sinh từ lớp 4 trở lên được gửi vào trường nội trú của huyện, tỉnh. Riêng những đứa vừa tốt nghiệp cấp II (lớp 7) như tôi, vì không thể học lên cấp III (phần lớn do thi đầu vào không đậu, bởi sự chênh lệch giữa chương trình của miền Bắc và miền Nam) nên hầu hết chọn con đường đi học chuyên nghiệp (sơ cấp, trung cấp) để bố mẹ đỡ phải nuôi. Trong số này, có một số chị lên Kon Tum học Sư phạm cấp I để năm sau có thể về đứng lớp tại nông trường. Tôi nhớ, hàng năm, nông trường đều nhận thêm nhiều công nhân mới. Nhưng sự thiếu thốn về vật chất, tinh thần, nhất là vì sợ căn bệnh sốt rét kinh niên hoành hành… mà có đến 2/3 những người được tuyển mới đã bỏ về quê hoặc tìm đi nơi khác.

Dù trải qua bao vất vả, nhưng với tôi, danh từ chung “nông trường” vẫn thân thương đến lạ. Bởi nơi tôi sinh ra, lớn lên là một nông trường ở vùng trung du trên đất Bắc và nơi đầu tiên tôi gắn bó trên “cao nguyên đất đỏ” này cũng là một nông trường. Thời gian trôi qua, 2 từ nông trường đi dần vào quên lãng cùng những thay đổi của cơ chế, của sự chuyển hướng nền kinh tế. Nhưng với tôi và có lẽ không chỉ riêng tôi, nông trường ngày ấy vẫn là một miền ký ức đậm sâu. Cũng bởi thế mà tôi không ngại ngần khi nửa đùa nửa thật nói với những người “sang trọng” rằng: Tôi đã “mọc lên” từ gốc cà phê.

Có thể bạn quan tâm

Đường liên xã Kon Gang-Hải Yang đang được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: N.D

Khởi sắc Kon Gang

(GLO)- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Kon Gang (huyện Đak Đoa) là vùng căn cứ cách mạng vững chắc của tỉnh Gia Lai. Sau ngày giải phóng, cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày một khởi sắc.

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua, đợt thi đua đặc biệt chào mừng các ngày lễ lớn và hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hơn 100 cán bộ, hội viên phụ nữ của 2 xã Ia Piar và Ia Peng (huyện Phú Thiện).

Hội LHPN xã Ia Mơ Nông tặng hội viên thùng rác để bỏ rác sinh hoạt, bảo vệ môi trường. Ảnh: G.H

Ia Mơ Nông chung tay bảo vệ môi trường nông thôn

(GLO)- Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, góp phần làm cho cảnh quan môi trường nông thôn của xã ngày càng xanh-sạch-đẹp. 

Diện mạo nông thôn xã Chư Mố ngày càng khang trang. Ảnh: R.H

Chuyện về những ngôi làng bên sông Ba

(GLO)- Đến xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), chúng ta nhận thấy tên gọi 5 làng ở đây đều gắn liền với dòng sông Ba và những người lập làng đầu tiên. Đó là các làng: Plơi Apa Ama Đă, Plơi Apa Ama H’Lăk, Plơi Apa Ama Lim, Plơi Apa Ơi H’Trông và Plơi Apa Ơi H’Briu.

Hàng cây ngô đồng rực sắc trên đường về miền biên giới Ia Mơ. Ảnh: V.T.T

Về miền biên giới Ia Mơ

(GLO)- Khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn còn vấn vương trước vẻ đẹp của hàng cây ngô đồng điểm tô sắc đỏ chấm phá trên nền trời xanh biếc dọc miền biên giới Ia Mơ.